Cựu Tổng thống Donald Trump hôm Chủ nhật (31/1) đã chỉ định hai luật sư mới sẽ dẫn đầu nhóm pháp lý biện hộ trong phiên tòa luận tội của ông.

Embed from Getty Images

Ông Bruce Castor Jr., cựu công tố viên ở Pennsylvania (Ảnh: Getty Images)

Hai luật sư sẽ đại diện cho cựu Tổng thống trong phiên tòa sắp tới của Thượng viện là ông David Schoen, một luật sư từ Alabama, và ông Bruce Castor Jr., cựu công tố viên ở Pennsylvania.

Thông tin này được công bố sau khi nhiều hãng tin trích dẫn các nguồn ẩn danh cho biết, nhóm luật sư trước đó từ Nam Carolina đã rút lui và không tiếp tục tham gia biện hộ trong phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump.

Theo thông tin từ Politico và CNN, luật sư Butch Bowers từ tiểu bang Nam Carolina trước đó được đề cử là người dẫn đầu nhóm pháp lý của Tổng thống Trump, đã rút lui do bất đồng ý kiến về hướng lập luận biện hộ. Các luật sư khác trong nhóm cũng rời đi là ông Deborah Barbier và các cựu công tố viên liên bang Greg Harris, Johnny Gasser và Josh Howard.

Ông Jason Miller, một cố vấn của cựu Tổng thống Trump, đã xác nhận thông tin này và nói rằng vẫn chưa có “quyết định cuối cùng về nhóm pháp lý của chúng tôi”.

Hôm Chủ nhật (31/1), văn phòng của ông Trump đã tuyên bố, hai luật sư David Schoen và Bruce Castor Jr. sẽ dẫn đầu nhóm pháp lý, và ông Schoen hiện đã làm việc với ông Trump cùng các cố vấn khác để chuẩn bị cho phiên tòa sắp tới.

Luật sư Schoen nhấn mạnh trong tuyên bố: “Thật vinh dự khi được đại diện cho Tổng thống thứ 45, ông Donald J. Trump, và Hiến pháp Hoa Kỳ.”

Phiên tòa luận tội dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 8/2 sắp tới và nhóm pháp lý mới sẽ có khoảng một tuần để lên chiến lược biện hộ.

Về phiên luận tội này, nhiều chuyên gia luật – trong đó có giáo sư danh dự Trường Luật Harvard Alan Dershowitz – đã lên tiếng cho rằng phiên tòa luận tội ông Trump lần hai là vi phạm Hiến pháp. 

Nhiều đồng minh của ông Trump trong Đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng lập luận rằng phiên tòa là phi lý và thậm chí là vi hiến, bởi vì Thượng viện không thể xét xử một công dân bình thường. Đồng thời, theo dự đoán, kết quả chung cuộc của phiên tòa lần này sẽ là một phán quyết trắng án lần thứ 2 cho ông Trump. 

“Đảng Dân chủ nỗ lực để luận tội một vị Tổng thống đã rời nhiệm sở là vi hiến, và quá tồi tệ cho đất nước chúng ta. Trên thực tế, 45 Thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu rằng phiên tòa này là vi hiến,” ông Jason Miller nói trong một tuyên bố.

Ngày 26/1, Thượng nghị sĩ Rand Paul đã nêu rõ quan điểm và buộc Hạ viện phải có lập trường về tính hợp hiến của các thủ tục tố tụng sắp tới. Thượng viện cuối cùng đã bỏ phiếu 55-45, có nghĩa là phiên tòa sẽ được tiến hành, nhưng điều này cũng ngầm cho thấy, gần một nửa thành viên Thượng viện nhận định phiên tòa sắp tới là vi hiến. Thượng viện sẽ phải có tối thiểu 2/3 số phiếu cần thiết (67 phiếu) để có thể buộc tội cựu Tổng thống.

Cựu công tố viên Castor, từng là tổng cố vấn và quyền Tổng Chưởng lý của tiểu bang Pennsylvania, bình luận rằng phiên tòa sắp tới dự kiến ​​sẽ kiểm tra “sức mạnh của Hiến pháp của chúng ta.”

“Sức mạnh Hiến pháp của chúng ta sắp sửa được thử thách hơn bao giờ hết trong lịch sử. Nó hết sức mạnh mẽ và vững vàng. [Đó là] văn kiện được viết cho nhiều thời đại, và nó sẽ chiến thắng chế độ đảng phái một lần nữa, và cũng vẫn luôn luôn [chiến thắng như vậy].”

Trước đó, vào ngày 13/1, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua điều khoản luận tội ông Trump với cáo buộc “kích động nổi dậy” trong vụ xâm nhập vào Điện Capitol hôm 6/1. Dù vậy, ông Trump vẫn giữ vững lập luận rằng, bài phát biểu của ông ngày hôm đó là “hoàn toàn phù hợp”.

Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Chuck Schumer loan báo vào tối thứ Sáu (22/1) sau khi đạt được thỏa thuận với các nghị sĩ đối lập của Đảng Cộng hòa rằng, phiên tòa luận tội ông Trump tại Thượng viện sẽ bắt đầu từ tuần 8/2 sắp tới. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy thuộc đảng Dân chủ sẽ là chủ tọa sau khi Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts từ chối tham gia.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: