Phán quyết của tòa án Anh: Julian Assange không bị dẫn độ đến Mỹ ngay lập tức
- Theo RFI
- •
Một tòa án Anh hôm thứ Ba đã ra phán quyết rằng ông Julian Assange không thể bị dẫn độ đến Mỹ vì tội gián điệp, trừ khi chính quyền Mỹ đảm bảo rằng ông sẽ không phải đối mặt với án tử hình. Phán quyết này khiến nhà sáng lập WikiLeaks giành được chiến thắng một phần trong cuộc chiến pháp lý kéo dài.
Chính quyền Mỹ đã hứa rằng ông Assange sẽ không bị kết án tử hình, nhưng một thẩm phán Anh nói rằng “không có gì trong các bảo đảm hiện có ngăn cản rõ ràng việc áp dụng hình phạt tử hình”.
Ngày 26/3, một tòa án ở Anh đã nói rõ rằng ông Assange không thể bị dẫn độ về tội gián điệp cho đến khi Mỹ loại bỏ án tử hình. Theo AP dẫn lời hai thẩm phán Tòa án Tối cao Anh cho biết, họ sẽ cho phép ông Assange nộp đơn kháng cáo mới, trừ khi chính quyền Mỹ đưa ra những đảm bảo thêm về việc đối xử với ông Assange trong vòng 3 tuần. Phán quyết này có nghĩa là câu chuyện pháp lý đã kéo dài hơn một thập kỷ sẽ tiếp tục, với việc ông Assange vẫn bị giam trong nhà tù Belmarsh an ninh cao ở London, nơi ông đã sống ở trong đó 5 năm qua.
Các thẩm phán Victoria Sharp và Jeremy Johnson cho biết, Mỹ phải đảm bảo cho ông Assange (người Úc) “có được sự bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất giống như một công dân Mỹ mà không bị án tử hình”.
Các thẩm phán cũng nói rằng nếu Mỹ đưa ra những đảm bảo mới, “chúng tôi sẽ cho cả hai bên cơ hội đưa ra những đệ trình bổ sung trước khi chúng tôi đưa ra quyết định cuối cùng về đơn kháng cáo”.
Các thẩm phán Anh cho biết một phiên điều trần sẽ được tổ chức vào ngày 20/5 nếu Mỹ đưa ra những đệ trình này.
Những người ủng hộ Assange nói rằng ông là một nhà báo được Tu chính án thứ nhất của Mỹ bảo vệ, việc ông tiết lộ những hành vi sai trái của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan là phù hợp với lợi ích cộng đồng.
Bà Stella Assange, vợ của ông Assange, cho biết nhà sáng lập WikiLeaks đã “bị bức hại vì vạch trần cái giá thực sự của chiến tranh đối với mạng sống con người”. Bà nói bên ngoài Tòa án Tối cao London: “Chính quyền Biden nên hủy bỏ vụ án đáng hổ thẹn này, lẽ ra nó không nên được đưa ra xét xử”.
Phán quyết này diễn ra sau phiên điều trần kéo dài hai ngày tại Tòa án Tối cao vào tháng Hai, trong đó luật sư Edward Fitzgerald của ông Assange cho biết chính quyền Mỹ đang tìm cách trừng phạt ông Assange, vì WikiLeaks “phơi bày trên quy mô chưa từng có về hành vi phạm tội của Chính phủ Mỹ”, trong đó có tra tấn và giết hại.
Chính phủ Mỹ cho biết, hành vi của ông Assange vượt ra ngoài phạm vi báo chí, ông ta đòi hỏi, đánh cắp và xuất bản bừa bãi các tài liệu mật của chính phủ, gây nguy hiểm cho nhiều người, bao gồm cả người Iraq và người Afghanistan đã giúp đỡ quân đội Mỹ.
Thẩm phán bác bỏ 6 trong số 9 cơ sở kháng cáo của ông Assange, bao gồm cả cáo buộc rằng việc truy tố ông mang tính chất chính trị. Họ nói rằng mặc dù ông Assange “hành động vì niềm tin chính trị… điều này không có nghĩa là yêu cầu dẫn độ ông được thúc đẩy bởi quan điểm chính trị của ông”.
Thẩm phán cũng cho biết, ông Assange không thể kháng cáo các cáo buộc, do luật sư của ông đưa ra rằng CIA đã ấp ủ kế hoạch bắt cóc hoặc giết ông trong những năm ông ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador ở London, để ngăn ông cố gắng trốn thoát.
Các thẩm phán cho biết “rõ ràng các cáo buộc rất nghiêm trọng” nhưng kết luận rằng chúng không liên quan đến yêu cầu dẫn độ.
Phán quyết cho biết: “Việc dẫn độ sẽ dẫn đến việc ông ấy bị chính quyền Mỹ giam giữ hợp pháp, hơn nữa các lý do cáo buộc để dẫn độ, bắt cóc hoặc ám sát sẽ biến mất”.
Họ chấp nhận 3 lý do kháng cáo: Mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận của ông Assange, tuyên bố của ông Assange rằng ông gặp bất lợi vì không phải là công dân Mỹ, và nguy cơ ông có thể bị kết án tử hình.
Chính quyền Mỹ hứa rằng ông Assange sẽ không bị kết án tử hình, nhưng thẩm phán cho biết “hiện không có bất cứ nội dung rõ ràng nào đảm bảo ngăn cản áp dụng án tử hình”.
Bà Jennifer Robinson, một trong những luật sư của ông Assange, nói: “Ngay cả khi họ được đưa ra những đảm bảo, chúng tôi cũng sẽ không tin rằng mình có thể dựa vào chúng.”
Chuyên gia máy tính người Úc Assange, 52 tuổi, đã bị truy tố ở Mỹ với cáo buộc WikiLeaks công bố hàng trăm ngàn tài liệu mật trong năm 2010.
Các công tố viên Mỹ cho biết, ông đã âm mưu với nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning để đột nhập vào máy tính của Lầu Năm Góc, đồng thời làm rò rỉ các bức điện ngoại giao bí mật, cũng như các tài liệu quân sự liên quan đến cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Ông Assange phải đối mặt với 17 tội vi phạm Đạo luật gián điệp và 1 tội lạm dụng máy tính. Các luật sư của ông cho biết, ông có thể chịu 175 năm tù nếu bị kết án, mặc dù chính quyền Mỹ cho biết mức án có thể thấp hơn nhiều.
Vợ ông Assange và những người ủng hộ nói rằng sức khỏe thể chất và tinh thần của ông đã bị ảnh hưởng trong hơn một thập kỷ đấu tranh pháp lý và ngồi tù.
Những rắc rối pháp lý của ông Assange bắt đầu vào năm 2010 khi ông bị bắt ở London theo yêu cầu của Thụy Điển, nơi muốn thẩm vấn ông về cáo buộc cưỡng hiếp và tấn công tình dục do hai phụ nữ đưa ra. Năm 2012, ông Assange đã bỏ bảo lãnh và vào Đại sứ quán Ecuador để xin tị nạn.
Mối quan hệ giữa ông Assange và nước chủ nhà, Đại sứ quán Ecuador, cuối cùng trở nên xấu đi và ông bị trục xuất khỏi Đại sứ quán vào tháng 4/2019. Cảnh sát Anh ngay lập tức bắt giữ và bỏ tù ông vì vi phạm quyền bảo lãnh vào năm 2012. Thụy Điển đã hủy bỏ cuộc điều tra tội phạm tình dục vào tháng 11/2019 vì thời gian trôi qua quá lâu.
Một thẩm phán tòa án quận của Anh đã bác bỏ yêu cầu dẫn độ của Mỹ vào năm 2021 với lý do ông Assange có khả năng tự sát nếu bị giam giữ trong điều kiện nhà tù tồi tàn ở Mỹ. Tòa án tối cao đã hủy bỏ quyết định này sau khi nhận được sự đảm bảo từ Mỹ về cách đối xử với ông. Chính phủ Anh đã ký lệnh dẫn độ vào tháng 6/2022.
Từ khóa Wikileaks Julian Assange