Những người biểu tình Philippines tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Manila hôm thứ Ba (9/4) để phản đối điều mà họ gọi là cuộc xâm phạm lãnh thổ trong khi căng thẳng trên biển Đông giữa 2 nước này gia tăng.

philippines
Ảnh: youtube

Khoảng 1.000 người tham gia biểu tình hô vang “Trung Quốc cút đi” và cầm biểu ngữ viết “Bảo vệ chủ quyền của chúng ta”.

Việc Trung Quốc cho 200 tàu các loại tràn vào khu vực xung quanh đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát đã thổi bùng tức giận của người dân địa phương với Trung Quốc và với chính sách thân Bắc Kinh của Tổng thống Rodrigo Duterte.

“Chính phủ do Tổng thống Rodrigo Duterte đang không có phản ứng. Điều Trung Quốc đang làm gần như là một cuộc xâm lược”, Alex legaspi, giáo viên 53 tuổi tham gia biểu tình nói với AFP.

Ông Duterte bị chỉ trích là đã xếp lại quyết của Tòa Trọng tài quốc tế tại The Hague (PCA) ra hồi 7/2016 về tranh chấp giữa Manila với Bắc Kinh trên Biển Đông, để làm Bắc Kinh hài lòng nhằm được viện trợ kinh tế, đầu tư và mở rộng thương mại từ Trung Quốc.

Nhưng mới đây, căng thẳng giữa hai nước lại bùng lên từ khi hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Thị Tứ, hiện do Philippines quản lý và gọi là Pag-asa.

Đảo Thị Tứ thuộc Quần đảo Trường Sa hiện do Philippines quản lý, là nơi có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan

Người Philippines gọi hành động của Trung Quốc là “phi pháp” và ông Duterte cũng ra cảnh báo nghiêm trọng hiếm thấy sau khi được xem là “xoay trục” sang Bắc Kinh.

“Hãy buông Pagasa ra, bởi tôi có binh lính ở đó,” ông Duterte được hãng tin AFP trích lời. “Nếu quý vị đụng đến nó, thì câu chuyện sẽ khác. Khi đó tôi sẽ nói lính của tôi ‘chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ cảm tử”.

Ông Duterte từng lặp lại nhiều lần rằng một cuộc chiến với Trung Quốc là vô ích bởi Philippines sẽ thua và chịu tổn thất nặng nề. Ông cũng không có ý định đối đầu với một cường quốc mà ông theo đuổi vì lợi ích thương mại và đầu tư.

Việc tàu Trung Quốc hiện diện dày đặc ở đảo Thị Tứ khiến Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố nói rằng đó là sự xâm phạm “bất hợp pháp” đối với chủ quyền Philippines.

Ngoài vấn đề biển Đông, những người biểu tình còn bày tỏ lo ngại về các khoản vay của Trung Quốc để đầu tư cơ sở hạ tầng tại Philippines, trong đó có dự án xây đập khổng lồ.

Trung Quốc dự định sẽ cho Philippines vay khoảng 210 triệu USD để xây đập Kaliwa, dự án vốn bị đình trệ nhiều năm.

Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc kiểm soát người Philippines và chủ quyền của Philippines”, Wilma Quierrez, 53 tuổi, thành viên của tổ chức nhân quyền bản xứ nói với AFP.

“Thỏa thuận cho vay do Tập Cận Bình và Tổng thống Duterte ký sẽ khiến chúng ta rơi vào bẫy nợ”, bà nói.

Trong khi đó, Mỹ đã hành động để thúc đẩy quan hệ với đồng minh lâu năm và cựu thuộc địa Philippines.

Philippines dường như cũng quay trở lại xoa dịu quan hệ với Mỹ. Ngoại trưởng nước này Teodoro Locsin Jr tuyên bố Hoa Kỳ là đồng minh quân sự duy nhất, và khẳng đinh: “Chúng tôi không cần bất cứ ai khác.”

Hôm 9/4, Mỹ điều hàng không mẫu hạm tới sát vùng biển tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Trọng Đức

Xem thêm: