Các đảng thân châu Âu ở Romania đã đạt được cam kết mạnh mẽ vào cuối ngày thứ Ba (10/12) để thành lập một chính phủ đa số cầm quyền, ngăn chặn phe cực hữu. Họ có khả năng chấp thuận một ứng cử viên duy nhất cho cuộc bầu cử lại tổng thống đã bị hủy bỏ của đất nước.

La co Romania
Lá cờ của Romania trên Cung điện Quốc hội vào ngày 13 tháng 9 năm 2018. (Ảnh: Shutterstock)

Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả cầm quyền đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 1 tháng 12, trong đó cũng chứng kiến ​​ba nhóm cực hữu và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những nhóm có thiện cảm công khai với Nga, giành được hơn một phần ba số ghế.

Cuộc bỏ phiếu bầu quốc hội được tổ chức giữa hai vòng bầu cử tổng thống, trong đó ông Calin Georgescu, là một người tương đối vô danh, cực hữu và chỉ trích NATO, đã nổi lên trở thành ứng cử viên hàng đầu gây sốc.

Điều đó đã thúc đẩy các cáo buộc về sự can thiệp của Nga và sau đó tòa án tối cao của Romania vào thứ Sáu (6/12) đã hủy bỏ cuộc bỏ phiếu tổng thống, và tuyên bố  toàn bộ quá trình bầu cử sẽ cần phải được tổ chức lại.

Chính phủ mới tại quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và NATO này sẽ cần đưa ra một lịch trình mới cho cuộc bầu cử tổng thống, có thể là vào nửa đầu năm 2025.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Klaus Iohannis, người sẽ tại vị cho đến khi một tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức, sẽ đề cử một thủ tướng. Nhiệm kỳ của cơ quan lập pháp hiện tại kết thúc vào ngày 21 tháng 12.

Vào thứ Hai (9/12), Đảng Dân chủ Xã hội, các đối tác liên minh hiện tại của họ là Đảng Tự do trung hữu, đảng đối lập trung dung Save Romania Union và đảng dân tộc Hungary, đã đồng ý nhanh chóng thành lập một chính phủ thân châu Âu.

Một tuyên bố chung nêu rõ: “trong những ngày tới, bốn đảng và đại diện của các nhóm dân tộc thiểu số sẽ làm việc về một chương trình quan trị chung dựa trên phát triển và cải cách, trong đó sẽ xem xét các ưu tiên của công dân Romania“.

Nhưng chúng ta phải rất thận trọng vì chúng ta vẫn chưa biết tương lai sẽ ra sao.

Các nhà phân tích dự đoán rằng bốn đảng nêu trên, vốn thường xuyên xung đột về các vấn đề chính sách, sẽ phải vật lộn để thống nhất các biện pháp cần thiết nhằm giảm thâm hụt ngân sách đang ở mức 8% sản lượng kinh tế Romania, mức thâm hụt lớn nhất trong khối EU. 

Các nhà phân tích, các công ty xếp hạng và EU cho rằng Romania cần phải tăng thuế, nhưng nếu làm thế sẽ làm xói mòn thêm sự ủng hộ đối với các đảng.

Các đảng liên minh cũng cho biết họ đang cân nhắc ủng hộ một ứng cử viên thân châu Âu duy nhất trong cuộc bầu cử tổng thống, để tăng cơ hội chiến thắng trước làn sóng ủng hộ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Không rõ liệu ông Georgescu có được phép tái tranh cử hay không khi các công tố viên đang điều tra chiến dịch tranh cử của ông.