Sửa Hiến pháp, Putin có thể nắm quyền đến năm 2036
- Đức Trí
- •
Những đồn đoán về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ làm gì sau năm 2024, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông chấm dứt, đã kết thúc, sau khi ông tuyên bố ủng hộ một đề nghị thay đổi hiến pháp giúp ông có thể tiếp tục nắm quyền cho tới năm 83 tuổi (năm 2036).
Phát biểu trước Viện Duma, Hạ viện của Quốc hội Nga hôm 10/3, ông Putin nói về đề xuất thay đổi hiến pháp của một nữ nghị sĩ sẽ giúp ông “lách luật” giới hạn nhiệm kỳ trong Hiến pháp:
“Đề xuất loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho bất kỳ ai, bao gồm cả tổng thống tại nhiệm… Về nguyên tắc, lựa chọn này là khả thi, nhưng với một điều kiện – nếu tòa bảo hiến ra phán quyết chính thức rằng sự sửa đổi hiến pháp này không trái với các nguyên tắc trong điều khoản chính của Hiến pháp”.
Hồi tháng Giêng, ông Putin khiến giới quan sát chính trị cả thế giới đồn đoán về tương lai chính trị của mình sau khi loan báo một loạt thay đổi trong chính trị Nga và ý định sửa đổi Hiến pháp. Theo luật, ông phải từ bỏ vai trò tổng thống vào năm 2024 khi nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp, nhiệm kỳ thứ tư toàn bộ, của ông kết thúc.
Nay Putin dẫn ví dụ của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt để làm căn cứ tiền lệ cho việc từ bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với bản thân ông. Putin nói việc ông Roosevelt phục vụ tới 4 nhiệm kỳ do chiến tranh và những khó khăn mà nước Mỹ phải trải qua là một ví dụ cho thấy nhiệm kỳ tổng thống đôi khi là không cần thiết.
“Trong điều kiện đất nước đang trải qua những cú sốc và nhiều khó khăn, tất nhiên sự ổn định có lẽ là quan trọng hơn và phải là ưu tiên”, ông Putin cho biết, nhấn mạnh rằng Nga vẫn đang phục hồi sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết năm 1991.
Theo Reuters, những người chỉ trích Putin dự đoán nếu tòa án hiến pháp Nga thông qua đề nghị này và cuộc bỏ phiếu toàn quốc vào tháng Tư tới chuẩn thuận theo ý của tổng thống, ông có thể tiếp tục phục vụ thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa.
Nếu có thể làm vậy và sức khỏe cũng như cử tri cho phép, Putin có thể nắm quyền tới năm 2036 khi ông 83 tuổi, Reuters nhận định. Hiện không có một nhân vật chính trị nào ở Nga đủ sức cạnh tranh với hình ảnh của ông Putin. Vốn là một cựu sĩ quan tình báo KGB, đang trong nhiệm kỳ tổng thống thứ tư và cũng từng làm thủ tướng Nga, ông Putin đã thống trị sân khấu chính trị Nga trong suốt 2 thập kỷ qua.
Ông chưa tiết lộ kế hoạch của mình cho tương lai, nhưng nói ông không thích ý tưởng của thời Liên Xô về một lãnh tụ trọn đời, người nắm quyền đến tận lúc chết. Nhưng Putin cũng nói rằng ông sẽ ủng hộ giới hạn nhiệm kỳ khi mà nước Nga “trưởng thành về chính trị” hơn.
Ông có mặt tại phiên họp Quốc hội hôm thứ Ba 10/3, sau khi bà Valentina Tereshkova, nghị sĩ Đảng Nước Nga Thống Nhất cầm quyền và là phụ nữ đầu tiên bay ra ngoài không gian, nói trước nghị viện rằng bà đề đang xuất một sửa đổi hiến pháp để đưa con số nhiệm kỳ đã giữ của ông Putin về 0, giúp ông có thể tiếp tục ra tranh cử vào năm 2024 nếu ông muốn.
Lý giải về động thái bất ngờ này, bà Tereshkova nói cử tri đã nói với các nhà lập pháp rằng họ muốn Putin “ở gần” cho dù bất kể xảy ra sự thay đổi hiến pháp nào.
“Nếu có chuyện gì không hay đột ngột xảy ra thì sao?” Tereshkova nói trước viện Duma. “Ông ấy (Putin) có thể ủng hộ, hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta”.
Viện Duma đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của bà Tereshkova ngay sau đó, cùng với các đề nghị sửa Hiến pháp của ông Putin trong phiên đọc thứ hai trong số tổng cộng ba phiên. Toàn bộ nước Nga sẽ bỏ phiếu về các đề nghị thay đổi Hiến pháp này vào tháng Tư.
Nhà chính trị đối lập Alexei Navalny nói rằng ông tin Putin đã sẵn sàng để trở thành tổng thống trọn đời trong khi đồng minh của Navalny là Ivan Zhdanov lên án hành động của Putin là “đảo chính hiến pháp”.
Các nhà hoạt động đối lập tuyên bố họ sẽ biểu tình chống lại cái mà họ cho là hành động viết lại Hiến pháp vì lợi ích của những kẻ cầm quyền. Một nhóm hoạt động nói với Reuters rằng họ đã nộp đơn xin phép tổ chức biểu tình vào ngày 21/3.
Moscow trước đó thông báo sẽ ngừng mọi sự kiện tập trung hơn 5.000 người ở thủ đô cho tới ngày 10/4 để ngăn ngừa dịch viêm phổi Vũ Hán.
Đức Trí
Xem thêm:
Từ khóa Vladimir Putin Liên bang Nga bầu cử Nga