Thống đốc Arizona ký luật cấm dạy thuyết chủng tộc phê phán
- Như Ngọc
- •
Thống đốc Arizona Doug Ducey hôm thứ Sáu (9/7, giờ Mỹ) đã ký một dự luật thành luật để ngăn chặn các chính quyền địa phương trên toàn tiểu bang dạy thuyết chủng tộc phê phán (CRT), một ý thức hệ ảnh hưởng từ tư tưởng Marxist.
Dự luật mà Thống đốc Doug Ducey (thành viên Đảng Cộng hòa) ký thành luật là House Bill 2906. Dự luật này đã được Hạ viện Arizona thông qua với 31 phiếu ủng hộ, 25 phiếu chống và Thượng viện Arizona chuẩn thuận với tỷ lệ 16-12.
House Bill 2906 sẽ không cho phép “các chính quyền tiểu bang và địa phương yêu cầu nhân viên tham gia vào việc định hướng, đào tạo mà trong đó cho rằng một nhân viên nào đó là người phân biệt chủng tộc cố hữu, thành kiến giới tính hoặc kẻ áp bức dù là vô tình hay hữu ý”, văn phòng của Thống đốc Ducey tuyên bố trong bản thông cáo báo chí đăng trên trang azgovernor.gov.
Cũng trong bản thông cáo trên, Thống đốc Ducey cho hay: “Khi tôi nhậm chức, tôi đã cam kết sẽ sử dụng tiền của người nộp thuế một cách có trách nhiệm và cấp tiền cho đào tạo về bình luận chính trị không phải là chi tiêu có trách nhiệm. Tôi sẽ không lãng phí công quỹ vào các bài thuyết giảng vốn ngụ ý sự ưu trội của bất kỳ chủng tộc nào và cản trở quyền tự do ngôn luận. House Bill 2906 sẽ góp phần giúp bảo vệ người dân Arizona chống lại các bài thuyết giảng mang tính chia rẽ và thoái lui”.
Tuần trước, ông Ducey cũng đã ký một dự luật khác (House Bill 2898) để cấm dạy thuyết chủng tộc phê phán trong các trường học. Luật này quy định các trường học không thể dạy rằng một chủng tộc hay một nhóm sắc tộc nào đó là ưu trội hơn chủng tộc hay nhóm sắc tộc khác và không thể tuyên bố rằng một người nào đó là kẻ phân biệt chủng tộc căn cứ vào chủng tộc của họ.
Dân biểu Jake Hoffman nói: “Đây là luật đầu tiên trên toàn quốc cấm dạy thuyết phân biệt chủng tộc ở cấp độ toàn chính quyền, biến Arizona thành bang lãnh đạo toàn quốc trong cuộc chiến với chương trình giảng dạy mang tính chia rẽ này. Arizona ủng hộ tuyên bố của Martin Luther King Jr rằng mọi người nên được đánh giá theo tính cách của họ, chứ không phải dựa vào màu da. Tôi biết ơn sự ủng hộ của Thống đốc Ducey và các đồng nghiệp của tôi trong việc thông qua đạo luật quan trọng này”.
Dân biểu Michelle Udall nói: “Chúng ta nên tập trung vào việc mang mọi người lại gần nhau, chứ không phải khiến mọi người chia rẽ. Thuyết chủng tộc phê phán sẽ không làm được gì ngoài việc gia tăng chia rẽ trong các cộng đồng của chúng ta, điều mà tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể đồng thuận để ngăn chặn. Tôi đánh giá cao sự ủng hộ của các đồng nghiệp và thống đốc để thông qua luật này”.
Những người phản đối thuyết chủng tộc phê phán cho rằng đây là nhánh phái sinh của thuyết phê phán vốn có nguồn gốc từ trường phái tư tưởng Maxist châu Âu.
Theo trang web Criticalrace.org của Legal Insurrection Foundation, thuyết chủng tộc phê phấn khác với phong trào Quyền Dân sự bởi vì những người đề xướng thuyết này “thách thức mọi nền tảng của trật tự tự do, chẳng hạn như chủ nghĩa duy lý, luật hiến pháp và tính hợp lý của luật pháp”.
“Những nhà lý luận chủng tộc phê phán lập luận rằng đời sống xã hội, cấu trúc chính trị và các hệ thống kinh tế Mỹ được hình thành dựa trên chủng tộc và theo quan điểm của họ đó là một sự xây dựng xã hội”, theo Criticalrace.org. Trang web này lưu ý rằng thuyết chủng tộc phê phán thường gắn liền với phong trào “chống phân biệt chủng tộc”.
Trang web nêu trên tuyên bố thêm rằng “trong con mắt của các nhà lý luận chủng tộc phê phán, thì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống bắt nguồn từ sự thống trị của chủng tộc trong đời sống xã hội Mỹ” và những nhà lý luận này tin rằng những hệ thống như vậy cần phải bị xóa bỏ.
Một số nhà phê bình thuyết chủng tộc phê phán đã gọi lý thuyết này đơn thuần áp dụng học thuyết “đấu tranh giai cấp” của chủ nghĩa Marx vào các vấn đề liên quan đến chủng tộc, trong đó những người đề xướng thuyết chủng tộc phê phán đã bôi nhọ người da trắng là những kẻ đàn áp và văn hóa phương Tây là áp bức.
Như Ngọc (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa bang Arizona Thuyết chủng tộc phê phán Thống đốc Doug Ducey