Thủ tướng thân Đài Loan của Tuvalu thất cử, ngoại giao liệu có chuyển hướng sang Bắc Kinh?
- Trí Đạt
- •
Thủ tướng thân Đài Loan của Quốc đảo Tuvalu ở Thái Bình Dương đã thua trong cuộc bầu cử quốc hội, theo kết quả bầu cử được công bố hôm thứ Bảy (27/1). Kết quả này cũng làm dấy lên đồn đoán rằng chính phủ tương lai của nước này có thể sẽ thực hiện một sự chuyển hướng ngoại giao.
Hãng tin AFP đưa tin, ông Kausea Natano, người đã lãnh đạo Tuvalu kể từ tháng 9/2019, đã không tái đắc cử với tư cách thành viên Quốc hội tại khu vực bầu cử Funafuti trên đảo chính và sẽ phải thôi giữ chức vụ này.
Trong khi ông Natano tuyên bố là người ủng hộ nhiệt thành đối với Đài Loan thì một số đối thủ của ông, như cựu Thủ tướng Enele Sopoaga và Bộ trưởng Tài chính Seve Paeniu, lại không loại trừ ý tưởng xem xét lại lập trường của Tuvalu nếu đắc cử. Ông Enele Sopoaga đã bày tỏ lo ngại về một hiệp ước an ninh mới với Úc, một dấu hiệu cho thấy ông có thể đang nghiêng về việc nối lại quan hệ hợp tác với Bắc Kinh.
Với dân số khoảng 12.000 người, Tuvalu không có đảng phái chính trị nào trong quốc hội, mỗi khu vực bầu cử trong số 8 khu vực bầu cử trên đảo bầu ra 2 thành viên trong tổng số 12 thành viên, một trong số đó sẽ được bầu làm thủ tướng và chịu trách nhiệm thành lập chính phủ. Ủy viên bầu cử Tuvalu, ông Tufoua Panapa, cho biết các tân nghị sĩ sẽ họp vào tuần tới để bỏ phiếu bầu thủ tướng, thời gian chính xác sẽ được tổng đốc thông báo. Quá trình lựa chọn thủ tướng của đất nước có thể mất một thời gian. Theo báo cáo, một trong những nguyên nhân là do nhu cầu đưa các đại biểu dân cử từ các đảo bên ngoài về đảo thủ đô. Cuộc hành trình bằng thuyền có thể mất tới 27 giờ.
Tuvalu là một trong 12 quốc gia cuối cùng công nhận Đài Loan kể từ khi Nauru, một quốc đảo khác ở Thái Bình Dương, cắt đứt quan hệ với Đài Bắc vào giữa tháng 1 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Đây cũng là một trong ba đồng minh Thái Bình Dương còn lại của Đài Loan. Ngoài Tuvalu, chỉ có Palau và Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương còn công nhận Đài Loan. Trước Nauru, Bắc Kinh đã nhận được sự công nhận ngoại giao từ Quần đảo Solomon và Kiribati vào năm 2019.
Ông Kausea Natano (Ảnh: Getty Images)
Trong bối cảnh cuộc chiến ngoại giao đang diễn ra giữa Trung Quốc và Đài Loan tại các quốc đảo Thái Bình Dương và sự cạnh tranh khốc liệt giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cuộc bầu cử này được tiến hành với sự quan tâm lớn từ Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan và Úc.
AFP cho biết, Trung Quốc đang mạnh mẽ lôi kéo các đồng minh của Đài Loan ở khu vực Thái Bình Dương nhằm cô lập Đài Loan về mặt ngoại giao và tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc.
Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố rằng, họ hiểu phần lớn các ứng cử viên được bầu “ủng hộ việc duy trì tình hữu nghị giữa hai nước” (Tavalu và Đài Loan).
Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố sẽ theo dõi sát sao những diễn biến sau bầu cử và tiếp tục tăng cường tình hữu nghị, hợp tác với các thành viên mới được bầu để đảm bảo quan hệ ổn định.
Ngoại trưởng Úc Penny Wong bày tỏ mong muốn được hợp tác với chính phủ mới của Tuvalu. Bà nói trong một tuyên bố trên mạng xã hội: “Úc và Tuvalu là những người bạn lâu năm và có chung lợi ích trong việc xây dựng một khu vực Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và hòa bình hơn.”
Ông Kausea Natano đã ký một thỏa thuận rộng rãi với Australia vào tháng 11 năm ngoái, cho phép Canberra xem xét mối quan hệ an ninh của Tuvalu với các nước khác cũng như các dự án cảng và viễn thông để đổi lấy bảo đảm quốc phòng và cho phép di dân đối với những công dân bị đe dọa do mực nước biển dâng cao.
Thỏa thuận này được coi là một nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) với tư cách là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng ở các đảo Thái Bình Dương, nhưng đã bị một số nhà lập pháp Tuvalu chỉ trích.
Ông Enele Sopoaga cho biết, ông muốn thỏa thuận của Úc bị hủy bỏ vì nó vi phạm chủ quyền của Tuvalu. Ông đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters vào thứ Bảy.
Trong khi đó, ông Seve Paeniu cho biết ông sẽ tuân thủ thỏa thuận với Úc.
Từ khóa Đài Loan Tavalu đồng minh Đài Loan