Toà phúc thẩm Mỹ không khôi phục sắc lệnh di trú của ông Trump
Toà Phúc Thẩm khu vực số 9 đã từ chối yêu cầu khôi phục lệnh hạn chế di trú của Tổng thống Donald Trump trong vụ tranh chấp pháp lý giữa chính quyền của ông và hai bang của Mỹ.
Toà ra phán quyết giữ y lệnh tạm ngừng sắc lệnh này mà một thẩm phán liên bang đã quyết định hôm 3/2.
“Chính phủ không chỉ ra được bằng chứng cho rằng bất kỳ một người ngoại lai đến từ bất kỳ môt quốc gia nào có tên trong sắc lệnh đã thực hiện một cuộc tấn công khủng bố ở nước Mỹ“, phán quyết của toà án nói.
>> Mỹ: Toà phúc thẩm nghe tranh luận vụ sắc lệnh di trú của ông Trump
Tổng thống Trump phản ứng lại phán quyết của Toà Phúc thẩm bằng một dòng tweet rằng ông sẽ tiếp tục đẩy vụ này lên Toà án cao hơn:
“Gặp lại quý vị ở Toà, an ninh quốc gia đang gặp nguy hiểm“, ông viết.
Ngoài ra, ông nói với báo giới tại Nhà Trắng ngay sau phán quyết rằng “đây là một quyết định có tính chính trị và chúng tôi sẽ gặp họ tại toà… theo tôi đây là một quyết sách mà chúng tôi sẽ chiến thắng rất dễ dàng“.
Những người ủng hộ Tổng thống lập luận rằng tổng thống Hoa Kỳ có quyền thiết lập chính sách nhập cư quốc gia và không phải giải thích quyết sách về vấn đề này, nhưng Toà phúc thẩm từ chối:
“Chính phủ đứng trên lập trường rằng chúng tôi hoàn toàn không được đánh giá quyết định của họ chứ không đưa ra bằng chứng giải thích rằng tại sao sắc lệnh hành pháp này lại cần thiết. Chúng tôi không đồng ý, như đã giải thích bên trên“, phán quyết ghi nhận.
BBC nhận định ông Trump có thể đẩy vụ tranh tụng lên Toà án Tối cao, nhưng một nước cờ hợp lý hơn có thể là chọn một toà án cấp thấp hơn trước khi thẩm pháp Neil Gorsuch, người được Tổng thống chọn, được thông qua và trở thành thẩm phán Toà án Tối cao.
Bộ Tư pháp đại diện cho chính quyền Mỹ trước toà, ra thông báo rằng họ đang xem xét quyết định và “cân nhắc các lựa chọn”.
Sắc lệnh hành pháp của tân Tổng thống nhằm thực hiện mục đích “thẩm tra lý lịch thận trọng” di dân tới Mỹ, nhưng gây nhiều chia rẽ và biểu tình trong và ngoài nước Mỹ. Sắc lệnh này không bất ngờ, vì chính ông đã kêu gọi một điều gần tương tự như vậy khi còn tranh cử, trong khi các vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra khắp châu Âu và cả ở Mỹ.
Tuy nhiên hai bang là Washington và Minnesota đã đệ đơn kiện cho rằng sắc lệnh này vi hiến và gây tổn hại tới công dân của họ.
Trọng Đức
Từ khóa Donald Trump