Tình hình COVID-19: Anh khuyến nghị tiêm liều bổ sung cho tất cả người trưởng thành
- Phan Anh
- •
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 29/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 401.316 ca mắc COVID-19 mới và 4.709 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 248.525.180 ca, trong đó có khoảng 4.892.970 người thiệt mạng.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 29/11, thế giới có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Anh khuyến nghị tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung cho tất cả người trưởng thành
Các cố vấn khoa học của chính phủ Anh ngày 29/11 khuyến nghị chương trình tiêm mũi vắc-xin bổ sung của nước này cần được mở rộng cho tất cả người trưởng thành, đồng thời rút ngắn một nửa thời gian giữa mũi tiêm thứ hai và mũi bổ sung xuống còn 3 tháng.
Trong cuộc họp báo ngày 29/11, các nhà khoa học từ Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) cũng khuyến cáo trẻ em từ 12-15 tuổi cần tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 2. Trước đó, trẻ em trong nhóm tuổi này được khuyến nghị tiêm 1 mũi duy nhất.
JCVI lưu ý mũi bổ sung không nên được thực hiện sớm hơn 3 tháng sau mũi thứ 2, đồng thời việc mở rộng chương trình tiêm mũi bổ sung phải tuân theo thứ tự ưu tiên đã được thực hiện trong giai đoạn 1 và 2 của chương trình tiêm chủng nhằm đảm bảo những người dễ bị nhiễm bệnh nhất được bảo vệ đầu tiên.
JCVI đưa ra các khuyến nghị trên khi số ca mắc COVID-19 với biến thể mới Omicron tại Anh đã tăng lên 11 người, trong đó có 6 trường hợp mới được phát hiện tại Scotland và 2 tại London.
Giải thích lý do rút ngắn thời gian giữa mũi tiêm thứ 2 và mũi bổ sung so với 6 tháng theo khuyến nghị trước đây, Chủ tịch JCVI, Giáo sư Wei Shin Lim, cho biết thông thường việc kéo dài thời gian giữa các mũi tiêm sẽ tăng hiệu quả bảo vệ của vắc-xin. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng cần cân bằng giữa việc kéo dài thời gian để tăng phản ứng miễn dịch với việc tận dụng cơ hội để phát huy tối đa tác dụng của mũi bổ sung.
Nam Phi cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh do biến thể Omicron
Ngày 29/11, Tiến sĩ Salim Abdool Karim – chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Nam Phi, cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể tăng gấp 3 lần trong tuần này do sự lây lan của biến thể Omicron.
Giới chức y tế Nam Phi đã báo cáo trên 2.800 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 28/11, tăng mạnh so với mức trung bình 500 ca/ngày trong tuần trước và 275 ca/ngày trong tuần trước nữa.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến của Bộ Y tế Nam Phi, Tiến sĩ Karim cho biết biến thể Omicron có thể lây truyền nhanh hơn, do đó số ca mắc mới có thể gia tăng. Ông dự báo Nam Phi có thể ghi nhận trên 10.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày vào cuối tuần tới và hệ thống y tế sẽ đối mặt với áp lực lớn trong 2-3 tuần tới.
Cũng theo Tiến sĩ Karim, các loại vắc-xin ngừa COVID-19 lưu hành hiện nay có thể có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng và nhập viện do nhiễm biến thể Omicron. Ông cho hay hiện còn quá sớm để khẳng định liệu những người nhiễm Omicron có các triệu chứng lâm sàng nặng hơn so với người nhiễm các biến thể trước đó.
Cùng ngày, Tiến sĩ Waasila Jassat tại Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với nguy cơ tử vong vì COVID-19 ở nước này. Phát biểu họp báo, bà Jassat nêu rõ: “Chúng tôi đang thu thập thông tin về tất cả các ca nhập viện vì COVID-19. Tuy nhiên, chúng tôi không thực hiện xét nghiệm gen đối với tất cả bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19, vì vậy chúng tôi không biết liệu họ nhiễm biến thể Delta hay Omicron”.
Trước đó, ngày 25/11, các nhà khoa học và Bộ Y tế Nam Phi công bố thông tin về biến thể Omicron với cảnh báo rằng biến thể này có khả năng lây lan và kháng vắc-xin cao hơn các biến thể trước. Mặc dù các nhà khoa học nhấn mạnh cần nhiều tuần nghiên cứu để xác định tác động đầy đủ của hơn 30 đột biến từ biến thể, nhiều quốc gia đã ngay lập tức áp dụng lệnh cấm đi lại và đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Nam Phi và một số nước láng giềng.
Tổ chức Y tếTthế giới (WHO) đánh giá biến thể mới Omicron có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ toàn cầu ở mức “rất cao”, có thể gây ra những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh. Trong văn bản tư vấn kỹ thuật gửi tới 194 nước thành viên, WHO kêu gọi đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho những nhóm ưu tiên cao và đảm bảo chuẩn bị sẵn các kế hoạch ứng phó để giảm thiểu tác động nhằm duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu.
Thái Lan yêu cầu du khách từ châu Phi được nhập cảnh vẫn phải cách ly
Thái Lan đã yêu cầu những người đến từ các quốc gia ở châu Phi không thuộc diện cấm nhập cảnh vẫn phải cách ly trong 14 ngày và được xét nghiệm COVID-19 nhiều lần trong bối cảnh toàn thế giới lo ngại về biến thể mới Omicron.
Trợ lý của người phát ngôn Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 Thái Lan (CCSA) Apisamai Srirangson ngày 29/11 cho biết khách quốc tế sẽ không được phép vào nước này nếu đến từ 8 quốc gia châu Phi là Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ ngày 2/12. Những người đến từ các quốc gia châu Phi khác sẽ được cách ly tại các cơ sở được chỉ định trong 14 ngày và được xét nghiệm COVID-19 ba lần. Những người đã đến Thái Lan từ ngày 15/11 và đã rời khỏi khu cách ly trước 14 ngày sẽ được truy vết và theo dõi cho đến ngày thứ 14. Ngoài ra, những người đến từ các nước châu Phi sẽ không được phép vào Thái Lan theo chương trình “xét nghiệm và lên đường” hoặc chương trình “Hộp cát du lịch”.
Thái Lan đã cấm các du khách (ngoại trừ người Thái Lan) đến từ những quốc gia châu Phi nói trên từ ngày 2/12 do lo ngại về biến thể Omicron. Những người đến từ các quốc gia ở miền Nam Phi trước ngày 2/12 sẽ bị cách ly trong 14 ngày và trong thời gian này sẽ được thực hiện ba xét nghiệm RT-PCR. Cũng do lo ngại về biến thể Omicron, chính quyền Thái Lan cũng tạm hoãn kế hoạch xét nghiệm cho người nước ngoài bằng xét nghiệm kháng nguyên thay cho các xét nghiệm RT- PCR từ ngày 16/12.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện COVID-19 Bản tin COVID-19