Tình hình COVID-19: Bộ trưởng Tài chính Israel kêu gọi bãi bỏ quy định áp dụng Thẻ Xanh
- Phan Anh
- •
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 18/1/2022, thế giới ghi nhận thêm khoảng 2,6 triệu ca mắc COVID-19 mới và 6.870 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 303.345.895 ca, trong đó có khoảng 5.188.640 người thiệt mạng.
Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 464.769 ca; Mỹ đứng thứ 2 với 301.508 ca; tiếp theo là Ấn Độ (277.740 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 887 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Nga (688 ca) và Ấn Độ (442 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 68.239.371 người, trong đó có 876.012 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 37.896.011 ca nhiễm, bao gồm 487.226 ca tử vong. Nước này lại đang trở thành một điểm nóng lây nhiễm do biến thể Omicron sau một thời gian dài lắng dịu khi vượt qua làn sóng chết chóc đầu năm 2021. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 23.211.894 ca bệnh và 621.517 ca tử vong.
Pfizer sản xuất đại trà vắc-xin ngừa biến thể Omicron
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla cho biết phiên bản cải tiến của vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng này sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 3/2022 và hãng đang triển khai sản xuất đại trà. Vắc-xin mới không chỉ ngừa biến thể Omicron mà còn cả những biến thể khác.
Chủ tịch Bourla bày tỏ hy vọng vắc-xin mới sẽ đạt được khả năng bảo vệ tốt hơn nhiều so với hiện tại. Ông cũng trích dẫn các thông tin nghiên cứu về các loại vắc-xin hiện tại. Cụ thể, dữ liệu từ Vương quốc Anh cho thấy 20 tuần sau mũi tiêm cơ bản thứ 2, cả vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna chỉ có 10% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ biến chứng nghiêm trọng sau khi nhiễm biến thể Omicron, tuy nhiên hiệu quả của mũi bổ sung (mũi thứ 3) lên đến 75%.
Trong khi đó, người phát ngôn chi nhánh Pfizer tại Séc Tomáš Sazima cũng đã xác nhận hãng đang phát triển vắc-xin ngừa Omicron. Ông nêu rõ hiện Pfizer cùng công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đang tiếp tục thu thập dữ liệu thí nghiệm bổ sung và đánh giá hiệu quả thực sự của vắc-xin để xác nhận khả năng phòng ngừa biến thể Omicron. Theo ông, các lô đầu tiên có thể được sản xuất và xuất xưởng trong vòng 100 ngày, tùy thuộc vào tiến độ cấp phép của cơ quan quản lý. Pfizer và BioNTech trước đó đã bắt đầu phát triển một loại vắc-xin cải tiến vào cuối tháng 11/2021. Hai công ty cũng thông báo kế hoạch sản xuất 4 tỷ liều vào năm 2022.
Pháp: Số ca nhập viện mới do COVID-19 tăng cao nhất kể từ tháng 11/2020
Bộ Y tế Pháp ngày 18/1 cho biết số ca mắc COVID-19 nhập viện tại nước này đã tăng 888 ca lên mức 25.775 ca. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ đầu tháng 11/2020 – trước khi chiến dịch tiêm phòng được triển khai tại Pháp. Số lượng bệnh nhân COVID-19 điều trị trong bệnh viện cao nhất trước đó là hơn 25.000 ca ghi nhận hôm 17/12/2020.
Viện nghiên cứu Pasteur tuần trước cho biết đơn vị này từng dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ tăng lên mức cao đỉnh điểm vào giữa tháng 1, kế đó số ca nhập viện sẽ lập đỉnh vào nửa cuối tháng này.
Quốc hội Pháp ngày 16/1 cũng đã phê chuẩn các biện pháp phòng dịch mới nhất của chính phủ, trong đó có việc yêu cầu xuất trình “thẻ thông hành vắc-xin” khi tới các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim và đi các chuyến tàu chặng dài. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện có gần 78% dân số Pháp đã tiêm đầy đủ các mũi cơ bản.
Israel: Bộ trưởng Tài chính kêu gọi bãi bỏ quy định áp dụng thẻ xanh COVID-19
Ngày 18/1 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Liberman đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt việc sử dụng rộng rãi Thẻ Xanh (Green Pass) như một chứng nhận tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 để được ra vào các địa điểm cố định.
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Liberman khẳng định bản thân đang làm việc với “tất cả cơ quan chức năng” nhằm bãi bỏ quy định về Green Pass và “duy trì nhịp sống thường nhật cho tất cả người dân”. Theo ông, rất nhiều chuyên gia cho rằng không có logic nào về y tế hay truyền nhiễm học trong việc áp dụng Green Pass. Vậy nên, điều này trực tiếp tác động tiêu cực tới nền kinh tế, sinh hoạt thường nhật và không đóng góp đáng kể gì trong xoa dịu sự lo lắng của công chúng.
Hiện Israel vẫn áp dụng quy định sử dụng Green Pass để vào nhiều địa điểm công cộng hay riêng tư. Green Pass được cấp cho những người đã tiêm mũi vắc-xin bổ sung (mũi thứ 3) hoặc đã tiêm mũi thứ 2 trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, dữ liệu dịch bệnh cho thấy trong làn sóng lây lan do chủng Omicron gây ra có rất nhiều ca đã tiêm đầy đủ vắc-xin nhưng vẫn bị mắc COVID-19.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện COVID-19 Bản tin COVID-19