Chính quyền Biden dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với một tổ chức Trung Quốc để thuyết phục Bắc Kinh ra tay ngăn dòng ma túy fentanyl chảy vào Mỹ.

Joe biden tap can binh
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại San Francisco hôm 15/11. (Ảnh cắt từ video)

Cái tên Viện Khoa học Pháp y của Bộ Công an Trung Quốc đã được loại bỏ khỏi danh sách trừng phạt thương mại, một phần trong nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden thuyết phục Bắc Kinh tăng cường kiểm soát fentanyl, chất ma túy hiện đang hoành hành tại Mỹ gây ra nhiều cái chết và nhiều hơn nữa những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Viện đã bị đưa vào danh sách đen vào năm 2020, khi Washington cáo buộc viện ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm thiểu số khác, và Mỹ đã ngăn cản viện này nhận hầu hết hàng hóa từ các nhà cung cấp Mỹ.

Năm ngoái, ông Tần Cương, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã miêu tả thật là “sốc” khi Mỹ, quốc gia lâu nay vẫn luôn bày tỏ sự thất vọng trước việc Bắc Kinh thiếu hợp tác về fentanyl, lại trừng phạt một viện mà ông tuyên bố là cần thiết để kiểm soát ma túy.

Quyết định loại bỏ viện khỏi danh sách được công bố hôm Thứ Năm, một ngày sau cuộc gặp mặt được chờ đợi từ lâu giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco, bên lề hội nghị của APEC. Trong cuộc gặp mặt này, chủ đề kiểm soát fentanyl đã được đề cập đến như một trong hai chủ đề chính, bên cạnh việc nối lại đường dây liên lạc của quân đội hai nước.

Là một phần của cuộc họp, hai bên đã đồng ý thành lập một nhóm làm việc về hợp tác chống ma túy. Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã khẳng định việc thành lập nhóm làm việc này, và Trung Quốc đã cam kết thực hiện để ngăn chặn các chuyến hàng ma túy chết người. Phía Trung Quốc và Hội đồng An ninh đã không trả lời thêm chi tiết khi được Reuters hỏi.

Ngay sau thỏa thuận này, chính quyền Biden đã bị chỉ trích bởi các nhà hoạt động nhân quyền và Đảng Cộng hòa, những người cáo buộc chính quyền Biden đã mềm mỏng với Bắc Kinh về cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ.

Rayhan Asat, luật sư nhân quyền gốc Duy Ngô Nhĩ, nói cô nhận ra vấn đề cấp bách do fentanyl đặt ra, nhưng quyết định mới nhất của Mỹ đã dấy lên ra nghi ngờ về cam kết của Mỹ trong quyết sách về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

“Theo luật liên bang, Hoa Kỳ có nghĩa vụ pháp lý phải giải quyết các tội ác tàn bạo một khi chúng đã được xác định là như vậy. Câu hỏi đặt ra sau đó là: Việc giải quyết một vấn đề có nên được ưu tiên hơn việc giải quyết nạn diệt chủng không? Chúng ta không thể giải quyết cả hai vấn đề sao?”, cô nói.

Khủng hoảng fentanyl ở Mỹ

Trong nội bộ nước Mỹ, vấn đề fentanyl là một trong những quốc nạn, và cũng là một trong những chủ đề khiến Đảng Dân chủ bị chỉ trích gay gắt trong thời gian ông Biden cầm quyền. Năm 2022, ước tính 110.000 người Mỹ đã mất mạng vì dùng quá liều chất ma túy này.

Nếu fentanyl giết 110.000 người Mỹ mỗi năm, thì nó sẽ giết chết 550.000 người Mỹ trong 5 năm, vậy là chỉ đứng thứ 2 sau nội chiến Mỹ hồi thế kỷ 19. Những năm đó 750.000 binh sỹ chết đi trong gần 5 năm nội chiến, đánh dấu kỷ lục cao nhất về tổn thất về người cho nước Mỹ trong những thảm họa do con người gây ra, trong toàn lịch sử nước Mỹ sau thời lập quốc đến hôm nay.

Trung Quốc đã bị nhiều nhà lập pháp Mỹ và các chuyên gia coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn fentanyl hoành hành ở Mỹ. Như Chuck Schumer (Đảng Dân chủ) vào tháng trước đã nói các hãng Trung Quốc “đang đổ dầu vào lửa cho khủng hoảng fentanyl lan tràn khắp nước Mỹ. Tất cả mỗi người chúng ta đều biết rằng các gia đình chúng ta đang mất đi thân nhân nam nữ trẻ tuổi vì fentanyl!”

Chính quyền Biden đã coi việc ngăn chặn các hóa chất “tiền chất” fentanyl là ưu tiên hàng đầu của Washington, sau khi tỷ lệ tử vong do dùng quá liều fentanyl này đã tăng hơn gấp 3 lần từ năm 2016 đến năm 2021, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Trước khi cuộc gặp mặt giữa hai nguyên thủ quốc gia diễn ra tại San Francisco, Reuters đã dẫn những phỏng đoán của một số chuyên gia về khả năng chính quyền Biden sẽ nhượng bộ, bất chấp rằng trước đó Mỹ đã vài lần tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc. Sau sự kiện họp mặt diễn ra, Reuters đã có ý phê bình kín đáo Tổng thống Biden khi trích dẫn lời của ông, rằng ông kể đã nói chuyện một cách “blunt” —nói thẳng tưng không thèm nể nang gì— với người cùng cấp Tập Cận Bình.

Một nhà bình luận chính trị độc lập, giáo sư John Mearsheimer đã từng phân tích rằng sai lầm lớn nhất của Mỹ trong chiến lược vĩ mô là đánh mất trọng tâm. Mỹ đã sa lầy vào chiến tranh ở Đông Âu và Trung Đông, dẫn đến việc Mỹ không thể tập trung sức mạnh để đối phó Trung Quốc, vốn là đối đầu số 1 của Mỹ. Thay đổi an bài quan hệ ngoại giao có từ thời Donald Trump, chính quyền Biden đã đẩy Nga, một cường quốc thứ 3 mới nổi, về phía Trung Quốc.