Trung Quốc có thể gây sức ép gì đối với Bắc Hàn?
- Tân Bình
- •
Tình hình bán đảo Triều Tiên đang leo thang căng thẳng hơn bao giờ hết. Cả Hoa Kỳ và Bắc Hàn đều khẩu chiến mạnh mẽ và các bên bắt đầu có các dấu hiệu quân sự. Chính quyền Tổng thống Trump không loại trừ giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng bằng vũ lực, nhưng ưu tiên phương án thông qua Trung Quốc để ép chế độ Kim Jong Un từ bỏ tham vọng hạt nhân. Nhưng vấn đề là Bắc Kinh có lựa chọn gì với chế độ độc tài Bình Nhưỡng?
Như đã biết, Bắc Hàn hiện tại có thể thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 bất cứ thời điểm nào. Trong khi, Hoa Kỳ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để trừng phạt Bình Nhưỡng bằng sức mạnh quân sự. Nhưng bên cạnh đó, ông Trump cũng liên tục đánh tiếng hy vọng Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình, cụ thể là thông qua đòn bẩy kinh tế.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Tập tại Floria, Hoa Kỳ hồi đầu tháng 4 vừa qua, và tiếp đó là cuộc điện đàm kéo dài nhiều giờ giữa hai nhà lãnh đạo này trước dịp Bình Nhưỡng tổ chức đại lễ duyệt binh mừng 105 ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành hôm 15/4, đã có một số tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Bắc Hàn.
Trước khi gặp trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Trump luôn nghĩ rằng Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn kinh tế Bắc Triều Tiên và không khó để gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Nhưng tại buổi trao đổi với tờ Wall Street Journal, Donald Trump thừa nhận rằng ông Tập đã cung cấp cho ông một cái nhìn khai sáng về quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên: “Sau khi lắng nghe [ông Tập] trong 10 phút, tôi nhận ra nó không dễ dàng như vậy. Tôi cảm thấy khá mạnh mẽ rằng họ [Bắc Kinh] có sức mạnh to lớn đối với Bắc Hàn. Nhưng nó không giống như điều ta nghĩ”.
Vậy Trung Quốc gặp khó gì trong việc gây sức ép lên Bắc Hàn và họ có muốn can dự vào Bình Nhưỡng như ông Trump kỳ vọng?
Trung Quốc có thể bóp nghẹt nền kinh tế Bắc Hàn?
Câu trả lời là có thể. Bắc Kinh kiểm soát hoàn toàn kinh tế Bắc Hàn nhưng không hề muốn chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ.
Các số liệu thống kê kinh tế trong những năm gần đây cho thấy kinh tế Bắc Hàn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người hàng xóm lớn mạnh và là đồng minh quan trọng nhất của mình. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp 90% nhiên liệu, 80% hàng tiêu dùng và 45% thực phẩm cho Bắc Triều Tiên từ đầu thập niên 1990.
Bắc Triều Tiên chiếm gần một nửa viện trợ ra quốc tế của Trung Quốc. Năm 2010, trong số 64 triệu USD ngũ cốc nhập khẩu của nước láng giềng, Trung Quốc chiếm tới 94%. Còn lại là lương thực viện trợ của Mỹ, Canada cùng một số mua lại từ Ukraine và Thái Lan.
Để thuận tiện cho hoạt động trao đổi hàng hóa, Trung Quốc còn xây một cây cầu bắc qua sông Yalu (tỉnh Đan Đông) trị giá 250 triệu USD để nối với một khu kinh tế đặc biệt ở Bắc Triều Tiên. Sự gần gũi về địa lý đã biến Đan Đông thành trung tâm thương mại lớn nhất giữa hai nước. Khi Triều Tiên chịu cấm vận về ngân hàng và thiếu ngoại tệ, họ đã gửi rất nhiều xe tải qua đây, mang theo khoáng sản để đổi lấy hàng hóa của Trung Quốc.
Theo số liệu từ Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc, thương mại hai chiều Trung Quốc – Bắc Triều Tiên tăng đều trong những năm gần đây: trong năm 2014, thương mại giữa hai nước đã đạt 6,86 tỷ USD, tăng từ khoảng 500 triệu USD trong năm 2000.
Bất chấp căng thẳng leo thang ở Bình Nhưỡng gần đây, hôm thứ Năm (13/4), Trung Quốc cho biết thương mại với Bắc Hàn vẫn tiếp tục mở rộng. Theo đó, cho thấy thương mại của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên đã tăng 37,4% trong quý I năm nay so với cùng kỳ 2016. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 54,5%, và nhập khẩu tăng 18,4%. (số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố tại một cuộc họp báo Ở Bắc Kinh).
Trung Quốc mua quặng sắt, kẽm và các khoáng chất khác từ Bắc Triều Tiên, cũng như số lượng ngày càng tăng của hải sản và hàng may mặc sản xuất tại các nhà máy dệt may được trang bị tốt của Bắc Hàn. Trung Quốc thông báo rằng nhập khẩu sắt từ Bắc Triều Tiên đã tăng 270% trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, Bắc Hàn phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù Trung Quốc không công bố chính thức nhưng số liệu do Hàn Quốc đưa ra cho thấy sản lượng này lên đến hơn 500.000 tấn hằng năm. Số liệu của Liên Hợp Quốc còn cho thấy Bắc Triều Tiên nhập khẩu thêm 200.000 tấn sản phẩm liên quan từ dầu mỏ hằng năm.
Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Bắc Hàn như vậy, nên không ngạc nhiên khi ông Trump luôn thúc ép Bắc Kinh gây sức ép lên chính quyền Kim Jong Un.
Chính quyền Bắc Kinh đã có một số động thái ban đầu, nhưng nó là hết sức nhỏ nếu so với những gì chính quyền Tập Cập Bình có thể làm.
Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu than từ Bắc Hàn hôm 19/2, dẫn tới rất nhiều tàu chở than của Bình Nhưỡng đã phải chạy có tải trở về mà không thể giao hàng.
Nhưng ngay cả trong lệnh cấm này, giới quan sát vẫn đặt hoài nghi về việc thực thi trên thực tế. Có nhiều thông tin cho rằng nhiều thương nhân Trung Quốc vẫn có thể nhập “lậu” than từ Bắc Hàn bằng cách không ghi vào số liệu hải quan.
Điều mà ông Trump và quốc tế chờ đợi ở Trung Quốc là những lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn với Bình Nhưỡng ví như việc Bắc Kinh ngừng bán dầu. Đó mới là “thảm họa” thực sự cho chính quyền nhà Kim.
Trung Quốc chưa chính thức lên tiếng về khả năng trừng phạt Bắc Hàn bằng cách ngừng cung cấp dầu. Tuy nhiên, tờ Hoàn Cầu thời báo, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, ngày 12/4 có bài viết kêu gọi Bắc Triều Tiên dừng mọi kế hoạch tên lửa và hạt nhân, đồng thời cảnh báo về các lệnh trừng phạt “chưa từng có” như cấm nhập khẩu dầu nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có hành động khiêu khích.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo hôm thứ Năm (13/4) rằng Washington không nên mong đợi Trung Quốc siết chặt người hàng xóm và cũng là đồng minh của mình đến mức các lệnh trừng phạt sẽ gây ra bất ổn, và có thể dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng về chính trị?
Câu trả lời là không. Trung Quốc không hề muốn Bắc Hàn thay đổi chế độ, và cũng không có khả năng trực tiếp can dự tới điều này. Các chuyên gia quốc tế đánh giá, mối quan hệ Trung – Triều rất khó tách rời, được ví như “môi hở, răng lạnh”.
Bắc Hàn là vùng đệm cực kỳ quan trọng ở cửa ngõ phía đông nam Trung Quốc, nơi có thể ngăn chặn những sự xâm lấn tiềm năng từ các đồng minh của Mỹ ở đây là Nhật Bản và Nam Hàn; thành phố Vladivostok của Nga cũng chỉ cách biên giới Bình Nhưỡng khoảng 13km.
Trung Quốc coi sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm hàng đầu của mình. Daniel Sneider thuộc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương của Stanford cho biết: “Đối với người Trung Quốc, sự ổn định và tránh chiến tranh là những ưu tiên hàng đầu”.
Bóng ma về hàng trăm nghìn người tị nạn Bắc Triều Tiên tràn vào Trung Quốc là một lo lắng rất lớn cho Bắc Kinh. “Trung Quốc sẽ ưu tiên tránh thảm hoạ trên biên giới. Đặc biệt, trong trường hợp Bắc Triều Tiên sụp đổ sẽ phá hủy vùng đệm chiến lược của Trung Quốc và có thể đưa quân đội Hoa Kỳ quá gần Bắc Kinh“. John Delury của Đại học Yonsei nói. Hiện tại, lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc vào khoảng 29.000 quân.
Mặc dù, mối quan hệ giữa Tập Cận Bình và Kim Jong Un khá lạnh nhạt (hai nhà lãnh đạo này chưa từng gặp nhau kể từ khi lên cầm quyền ở mỗi nước). Nhưng không vì thế mà Bắc Kinh muốn và có thể can dự vào chính trị Bình Nhưỡng. Trường hợp của Kim Jong Nam, người vừa được cho là bị chính người em trai quyền lực của mình ra lệnh ám sát vào hôm 13/2 là một ví dụ cho thấy tính độc lập tương đối của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh.
Kim Jong-nam đã sống ở Bắc Kinh và Macau dưới sự bảo vệ của nhà nước Trung Quốc hơn một thập niên. Vụ ám sát Kim, mà chính phủ Hàn Quốc gọi là “hành động khủng bố” do chế độ Bắc Triều Tiên thực hiện, thực sự gây sốc cho lãnh đạo Trung Quốc.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Lãnh tụ tối cao Bắc Hàn nhắm vào một nhân vật thân Trung Quốc. Cuối năm 2013, chú của Kim Jong Un là Jang Song Taek, người đã cố gắng khôi phục nền kinh tế Bắc Triều Tiên thông qua cải cách thị trường do Trung Quốc tư vấn, đã bị xử tử.
Điều này nói nên rằng, dù phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế, nhưng chế độ Kim Jong Un hiện tại có sự độc lập tương đối về chính trị. Nhà Kim làm được điều này vì biết rõ chính quyền Bắc Kinh, với lợi ích địa chính trị cực lớn ở Bình Nhưỡng, sẽ không bao giờ mạnh tay với người hàng xóm của mình. Hơn nữa, ô hạt nhân là cái mà Kim Jong Un coi là hữu hiệu để bảo vệ quyền lực của cá nhân và không dễ gì từ bỏ tham vọng đó.
Trong ngắn và trung hạn chế độ Kim Jong Un với tham vọng hạt nhân rất lớn vẫn là cái “gai” khó gỡ trong mắt của Hoa Kỳ và các nước đồng minh và kể cả Trung Quốc. Bình Nhưỡng vẫn thực sự là một bài toán khó giải với cộng đồng quốc tế.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Tập Cận Bình Quan hệ Mỹ - Trung