Một cuộc khảo sát gần đây do Trường Đại học Quốc gia Seoul thực hiện cho thấy gần một nửa số người tham gia khảo sát nói rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

phong-thu-ten-lua
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. (Ảnh Lockheed Martin)

Cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất (IPUS) của Đại học Quốc gia Seoul công bố hôm 2/10 cho thấy 46% số đáp viên đánh giá Trung Quốc là “nước đe dọa lớn nhất tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, cao gần gấp ba lần so với cuộc khảo sát năm ngoái.

Chỉ có 33% đáp viên xem Bắc Hàn là nước đe dọa lớn nhất, giảm gần một nửa so với con số 64% vào năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi IPUS thực hiện khảo sát hàng năm từ năm 2007, số đáp viên đánh giá Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn Bắc Hàn.

Cuộc khảo sát của IPUS đưa ra các câu hỏi để đáp viên trả lời quan điểm của họ về các nước láng giềng của Hàn Quốc.

Tâm lý thù địch của người dân Hàn Quốc với Trung Quốc tăng lên vào thời điểm đang diễn ra bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao liên Triều.

Trong năm nay đã có những hoạt động ngoại giao đáng kể giữa Bắc Hàn và các nước láng giềng, cũng như với Mỹ. Vào tháng Tư, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã tới địa phận Hàn Quốc thuộc khu phi quân sự hai miền để họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trở thành lãnh đạo Bắc Hàn đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ miền Nam. Vào tháng Chín, ông Moon đã tới thăm Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn.

Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy người dân Hàn Quốc đang phát triển quan điểm tích cực hơn về miền Bắc, ngay cả khi hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt lý thuyết vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ tạm dừng bằng thỏa thuận đình chiến, chứ không phải hiệp ước hòa bình chính thức.

Mặc dù cuộc khảo sát mới nhất chỉ ra rằng 56% đáp viên tin Bắc Hàn sẽ sử dụng vũ lực để đe dọa Hàn Quốc, nhưng con số đó cũng đã giảm 15% so với năm 2017. Hơn 3/4 người Hàn Quốc vẫn cảm thấy một mối đe dọa thường trực từ kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Nhà nghiên cứu cao cấp của IPUS, Choi Gyu-bin nhận định rằng sự thay đổi trong thái độ của người dân Hàn Quốc đối với Trung Quốc liên quan tới cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước khi Mỹ triển khai lắp đặt hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc từ hai năm trước.

Ông Choi cho hay: “Chúng tôi tin rằng người dân cảm thấy gần gũi hơn với Bắc Hàn vì tiến triển trong mối quan hệ giữa hai miền từ khi chính phủ hiện tại nắm quyền. Trong khi đó, sau khi triển khai THAAD năm 2016, kéo theo sự trả đũa kinh tế từ Trung Quốc đã tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới đánh giá của người dân Hàn Quốc về Trung Quốc”.

Vì lo sợ khả năng của radar trong hệ thống THAAD có thể được sử dụng để theo dõi không phận Trung Quốc, chế độ Bắc Kinh đã trừng phạt Hàn Quốc vì cho Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa này, áp đặt các hạn chế lên các doanh nghiệp Hàn Quốc và tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc quy mô lớn.

Vào tháng 2/2017, Lotte đã đồng ý nhượng đất sân golf cũ của mình cho Mỹ lắp đặt hệ thống THAAD, điều này đã khiến Lotte trở thành mục tiêu chính trong việc trả đũa kinh tế của chế độ Trung Quốc. Trong nhiều tháng, tập đoàn xây dựng này đã bị đình trệ dự án công viên giải trí Lotte tại Thẩm Dương, thành phố miền đông bắc Trung Quốc.

Năm ngoái, chế độ Trung Quốc cũng hạn chế người dân nước này đi du lịch Hàn Quốc và dùng công cụ tuyên truyền nhà nước để kêu gọi người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc.

Vào đầu những năm 1990, khi cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân Bắc Hàn lần đầu nổ ra, chế độ cộng sản Bắc Kinh đã dẫn dắt các cuộc đàm phán ba bên và sáu bên, nhưng không giải quyết được vấn đề này. Sau đó, tới năm 2006, Bắc Hàn đã thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên.

Xuân Thành

Xem thêm: