Trung Quốc đã điều gần 150 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay vận tải, và máy bay do thám, xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong tuần đầu tiên căng thẳng của tháng 10. Vụ việc này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể sớm thực hiện hành động liều lĩnh nguy hiểm và sử dụng vũ lực như bước tiếp theo trong nhiệm vụ “thống nhất” Đại Lục và Đài Loan.

Dưới đây là một số vấn đề chính giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Tại sao Trung Quốc gia tăng căng thẳng đối với Đài Loan?

Đài Loan và Trung Quốc Đại Lục đã được quản lý riêng biệt kể từ sau khi kết thúc cuộc nội chiến cách đây hơn 70 năm. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố rõ ràng rằng họ cuối cùng muốn kiểm soát hoàn toàn Đài Loan. Chính quyền cộng sản Trung Quốc gần đây đã tiến hành hàng loạt các cuộc xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan bắt đầu vào ngày “Ngày Quốc khánh” 1/10, đánh dấu 72 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên cầm quyền.

Một số chuyên gia tin rằng, hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc đối với Đài Loan có thể là kết quả của việc ĐCSTQ cảm thấy được thúc đẩy bởi hàng loạt sai lầm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, bao gồm cuộc rút quân hỗn loạn của Tổng thống Joe Biden ra khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại đang tăng cường luận điệu “Một Trung Quốc” của mình trong nhiều tháng qua.

Các chuyên gia khác nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự đấu đá nội bộ do sự cai trị hà khắc của ông ấy và hiệu quả trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc. Do đó, việc gia tăng căng thẳng với Đài Loan sẽ giúp khuấy động tinh thần yêu nước của người dân trong nước, đồng thời chuyển hướng sự chú ý sang các vấn đề khác.

shutterstock 1905717469
Liệu Trung Quốc có xâm lược Đài Loan? (Ảnh: Roman_Studio/ Shutterstock)

Trung Quốc có thực sự xâm nhập vào không phận của Đài Loan?

Thực tế, Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tránh xâm nhập vào không phận có chủ quyền thực tế của Đài Loan, được xác định là cách bờ biển của đảo quốc này 12 hải lý. Dù vậy, các máy bay Trung Quốc đã xâm nhập vào Vùng Nhận diện Phòng không của Đài Loan, khu vực mà một cuộc xâm nhập thường sẽ kích hoạt phản ứng của cảnh báo vô tuyến và sự đánh chặn của máy bay chiến đấu. Mặc dù ADIZ không được luật pháp quốc tế công nhận, nhưng nhiều quốc gia giám sát tất cả các hoạt động lưu thông hàng không đi vào khu vực này.

Tuy nhiên, các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào ADIZ của Đài Loan là hành động khiêu khích và chưa có tiền lệ. 

Liệu Trung Quốc có xâm lược Đài Loan?

Tác giả Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc, tóm tắt tình hình: “Nếu bạn nói với tôi Chiến tranh Thế giới lần III sẽ bắt đầu vào tuần tới, tôi sẽ không ngạc nhiên. Nếu bạn nói với tôi sẽ không có gì xảy ra, tôi sẽ không ngạc nhiên.” Luận điệu của Trung Quốc thề sẽ tái thống nhất với Đài Loan không phải là lời đe dọa suông, nhưng không rõ liệu liệu Trung Quốc có giải quyết vấn đề này thông qua chiến dịch quân sự có khả năng gây thảm họa hay không hoặc liệu họ có sẵn sàng giảm dần căng thẳng và khai thác các tình huống có lợi hay không.

Ông John Venable, một cựu binh Không quân Hoa Kỳ và hiện là giảng viên nghiên cứu chính của tổ chức Heritage Foundation, lưu ý rằng việc Trung Quốc điều con số kỷ lục 65 máy bay chiến đấu xâm nhập ADIZ của Đài Loan vào ngày 4/10 đã mô tả “một cách cơ bản mọi thứ bạn cần để xâm nhập và thực hiện cuộc tấn công toàn diện vào một khu vực hay một vùng.”

Những người theo dõi Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh muốn tránh cuộc xâm lược vũ trang hoặc tấn công quân sự vào Đài Loan. Học tập binh pháp “Nghệ thuật Chiến tranh” của Tôn Tử, chiến lược gia quân sự Trung Quốc (thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên), giới lãnh đạo Trung Quốc muốn đạt được kết quả mong muốn mà không cần phải chiến tranh. Trung Quốc đã giành lại được quyền kiểm soát Hồng Kông thông qua thỏa thuận với Anh. Tuy nhiên, ông Tập dường như phớt lờ những biện pháp không khéo trong ngoại giao và có thể ông muốn phô trương sức mạnh của Trung Quốc, đặc biệt khi ông cảm thấy một chính quyền yếu kém ở Washington. 

Người Đài Loan có muốn chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc không?

Các quan chức Đài Loan đã tăng cường quan điểm khi Trung Quốc tăng cường sự gây hấn. Trong bài báo bình luận về vấn đề ngoại giao, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thề rằng đảo quốc này sẽ không khuất phục trước chiến dịch gây áp lực của Trung Quốc.

Theo tờ The Guardian, cuộc thăm dò gần đây chỉ ra rằng người Đài Loan sẵn sàng bảo vệ quốc gia của mình trong trường hợp bị xâm lược. Cuộc khảo sát hồi tháng 10 cho thấy, 77,6% những người được hỏi trả lời rằng họ sẽ chiến đấu, trong khi cuộc thăm dò vào đầu năm cho thấy khoảng phân nửa dân số trên đảo quốc này lo lắng rằng chiến tranh đang cận kề. Điều quan trọng đáng chú ý là hầu hết các công dân Đài Loan tự coi mình là người Đài Loan, chứ không phải người Trung Quốc. Người Đài Loan xem Trung Quốc là cường quốc nước ngoài đang tìm cách chiếm quê hương của họ.

Liệu một thỏa thuận kiểu Hồng Kông có thể được thực hiện đối với Đài Loan?

Không có khả năng để Đài Bắc đồng ý với Bắc Kinh về một thỏa thuận kiểu Hồng Kông, vốn sẽ đưa đến dàn xếp chính trị “một quốc gia, hai chế độ”. Mặc dù ý tưởng này đã được Trung Quốc đề xuất trong quá khứ, nhưng Đài Loan đã bác bỏ đề xuất như vậy vào năm 2019, nhấn mạnh rằng thỏa thuận này đã thất bại tại Hồng Kông.

Bắc Kinh đã thất hứa gần như tất cả các cam kết của họ sẽ cho phép nền dân chủ, chế độ tự trị, và sự tự do kinh doanh phát triển mạnh mẽ ở Hồng Kông. Sự can thiệp sâu rộng của Trung Quốc vào Hồng Kông và hiện trường của các cuộc biểu tình quy mô lớn sau khi Trung Quốc đàn áp các thể chế dân chủ ở Hồng Không là bằng chứng thêm nữa cho người Đài Loan thấy rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) đơn giản là không thể tin tưởng.

Đài Loan có thể đẩy lùi cuộc xâm lược của Trung Quốc không?

Khả năng quân sự của Trung Quốc hoàn toàn áp đảo Đài Loan cả về vũ khí có sẵn và nhân lực tổng thể. Mặc dù Đài Loan đã và đang mua vũ khí từ Hoa Kỳ, nhưng đảo quốc này không có bất cứ nơi nào gần kho vũ khí của Trung Quốc. Đài Bắc cũng có ít máy bay quân sự hơn và một đội bay cũ hơn nhiều so với Bắc Kinh.

Liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan hay không?

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Đài Loan “có mối quan hệ không chính thức mạnh mẽ”. Mặc dù Hoa Kỳ duy trì “mối quan hệ văn hóa, thương mại, và các mối quan hệ không chính thức khác” với Đài Loan, nhưng kể từ năm 1970, Hoa Kỳ đã chính thức xác nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc và công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “chính phủ hợp pháp duy nhất” của Trung Quốc. Hoa Kỳ “không ủng hộ Đài Loan độc lập” nhưng Hoa Kỳ cam kết giúp Đài Loan “duy trì khả năng phòng vệ”.

Tuần này, Tổng thống Mỹ Biden tiết lộ, ông và ông Tập đã đồng ý “tuân thủ thỏa thuận về Đài Loan”, một sự đồng ý rõ ràng về cái gọi là học thuyết “mơ hồ về chiến lược”.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 8, Tổng thống Biden đã phát biểu rằng Hoa Kỳ sẽ kiên quyết bảo vệ Đài Loan nếu đảo quốc này bị tấn công, điều này đòi hỏi phải rút lại tuyên bố  của một quan chức chính quyền Mỹ, người đã nhấn mạnh chính sách của Hoa Kỳ “không thay đổi”. Chính sách mơ hồ về chiến lược của Hoa Kỳ đã giúp Đài Loan duy trì sự tự do, tuy nhiên việc chính quyền Biden quyết định rút hỗ trợ đối với các đồng minh Afghanistan mà không thông báo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với Đài Bắc.

Đài Loan có vũ khí hạt nhân không?

Mặc dù Đài Loan đã theo đuổi một số chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng chưa bao giờ thừa nhận công khai rằng đảo quốc này có những thiết bị như vậy. Đài Loan được cho là đã bắt đầu làm việc để chế tạo vũ khí hạt nhân sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1964. Mặc dù Đài Loan được cho là đã sản xuất plutonium cho chương trình hạt nhân trong những năm 1970, nhưng Hoa Kỳ cuối cùng đã gây sức ép buộc Đài Bắc chính thức ngừng việc nghiên cứu vào năm 1976. Tuy nhiên, các báo cáo khác chỉ ra rằng việc nghiên cứu hạt nhân ở Đài Loan đã tiếp tục bí mật thực hiện trong những năm 1980.

Nhiều người tin rằng Đài Loan đã âm thầm xây dựng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân chiến thuật, nếu được sử dụng sẽ khiến Trung Quốc phải tạm dừng nghiêm túc ý định xâm lược và có thể giúp đẩy lùi cuộc xâm lược trên biển của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Ông Sam Cohen, cha đẻ của bom neutron, khi còn sống đã tiết lộ với các phóng viên rằng Đài Loan có kho dự trữ vũ khí như vậy và ông đã đích thân hướng dẫn các nhân viên quân sự Đài Loan về cách sử dụng chúng. Bom neutron, được phát triển trong những năm 1970 và 80, là một thiết bị gây tranh cãi, có thể phát tán lượng lớn bức xạ trong khu vực mục tiêu giới hạn mà không cần đến một vụ nổ của vũ khí truyền thống. Một quả bom có thể giết người trong khi tàn phá rất ít các công trình có thể là lý tưởng cho một quốc gia nhỏ đang tìm cách đẩy lùi cuộc xâm lược của kẻ thù.

Rủi ro đối với Nhật Bản và Úc là gì?

Trong bài báo bình luận của mình, Tổng thống Thái Anh Văn cảnh báo, cuộc xâm lược thành công của Bắc Kinh vào Đài Loan “sẽ là thảm họa đối với hòa bình trong khu vực và hệ thống liên minh dân chủ”.

Nhật Bản có vẻ nhận thức sâu sắc về tình hình và đã nêu rõ sự căng thẳng ngày càng gia tăng này trong sách trắng quốc phòng hàng năm của mình vào tháng 7. Tokyo đặc biệt lo ngại do chuỗi đảo Okinawa của Nhật Bản nằm gần Đài Loan. Nhật Bản đã cam kết sẽ hỗ trợ bảo vệ Đài Loan, mặc dù nước này coi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng. Úc đã có mối quan hệ nguội lạnh với Trung Quốc và đã lên án hành động khiêu khích trên không gần đây của Trung Quốc đối với Đài Loan.

Việc ký kết hiệp ước AUKUS gần đây với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có nghĩa là Úc cuối cùng sẽ có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tên lửa tầm xa theo ý mình và có thể liên minh với bất kỳ hành động nào hoặc không hành động, nếu Hoa Kỳ quyết định tiếp nhận trách nhiệm chống lại cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.

Nhật Minh (Theo Newsmax)

Xem thêm: