5 năm thu gần 30.000 tỷ đồng tiền phí sử dụng đường bộ
- Vĩnh Long
- •
Theo tổng kết của Bộ GTVT, tổng số tiền thu phí sử dụng đường bộ từ năm 2013 tới nay lên tới gần 30.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2017 số tiền ước tính thu dự kiến 7.047 tỷ đồng, lớn nhất trong vòng 5 năm qua.
Bộ GTVT vừa công bố Dự thảo báo cáo Hội nghị tổng kết và đánh giá 5 năm hoạt động (2013 – 2017) của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.
Tổng nguồn vốn quỹ (sau khi hoàn tất thu năm 2017) là 46.417 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ thu phí sử dụng đường bộ là 29.497 tỷ đồng, chiếm 63,5%; nguồn vốn quỹ từ ngân sách cấp bổ sung là 16.920 tỷ đồng, chiếm 36,5%.
Trong tổng quỹ trên, cấp để bảo trì quốc lộ 33.392 tỷ đồng (72%), cấp để bảo trì đường địa phương 10.323 tỷ đồng (22%).
Mức chi bảo trì quốc lộ tăng đần qua các năm từ 2013 đến 2017, lần lượt là 5.004 tỷ đồng, 5.648 tỷ đồng, 6.807 tỷ đồng, 7.652 tỷ đồng, 8.281 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, nguồn quỹ nói trên chỉ đáp ứng được trung bình gần 45% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ. Năm 2017 với mức phí thu cao nhất cũng chỉ đáp ứng 50,3% nhu cầu tối thiểu.
Bộ GTVT cho biết trước khi thu phí đường bộ, năm 2012, Việt Nam có tổng chiều dài trên 279.925 km đường bộ, trong đó quốc lộ 16.758 km, đường tỉnh 25.449 km, đường huyện 51.720 km, đường đô thị 17.025 km, đường chuyên dùng 7.837 km và trên 161.136 km đường xã.
Về cơ bản đến nay ưu tiên tập trung giải quyết việc bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch, đảm bảo kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông của đất nước. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp trong những năm gần đây, các đợt nắng nóng, mưa bão xảy ra liên tục và kéo dài tại khu vực miền bắc và miền trung đã gây thiệt hại rất lớn cho các công trình giao thông đường bộ.
Ngoài ra, nhu cầu vận tải trên đường bộ tăng nhanh – tỷ lệ vận tải hành khách trên đường bộ bằng 90% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 70% tổng khối lượng vận tải hàng hóa. Theo Bộ GTVT, nhu vầu vận tải đường bộ tăng, kéo theo số lượng ô tô giai đoạn 2012-2017 tăng, bình quân 15%/năm. Dự kiến trong giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ ô tô sẽ tăng 10 -13%/năm.
Việc các thành viên Hội đồng Qũy Trung ương thay đổi liên tục trong thời gian ngắn, việc một số địa phương đã cắt giảm phần kinh phí từ ngân sách địa phương dành cho bảo trì sau khi có nguồn vốn 35% từ Quỹ trung ương hỗ trợ, việc bãi bỏ thu phí xe máy cũng nằm trong số những nguyên nhân khiến quỹ gặp khó khăn. Đặc biệt, việc bãi bỏ thu phí xe máy được nhận định làm giảm gần 2.500 tỷ đồng so với đề án xây dựng ban đầu. Điều này làm mất tính chủ động và vỡ kế hoạch Quỹ bảo trì đường bộ đã hoạch định trong 5 năm đầu tiên – dự thảo nhận định.
Theo nhận định, hiện kinh phí bảo dưỡng thường xuyên mới đạt khoảng 18% vốn của Quỹ, trong khi cơ cấu tỷ lệ % dành cho bảo dưỡng hợp lý cần phải tăng lên đạt mức 22% – 25%.
Theo dự báo, hiện hoạt động của Qũy Bảo trì đường bộ trong năm 2017 tạm thời chưa bị gián đoạn cho công tác bảo trì quốc lộ do công tác lập, tạm giao kế hoạch thu chi… đã được Qũy triển khai từ cuối năm 2016. Tuy nhiên sang năm 2018 sẽ bộc lộ các bất cập như hết quý I hàng năm mới có thể triển khai việc bảo trì do tháng 11 Quốc hội mới thông qua dự toán thu chi ngân sách hằng năm, sau đó ngân sách mới giao cho Bộ GTVT và Qũy Bảo trì đường bộ thực hiện dự toán thu chi. Thời điểm thực hiện được việc bảo trì đã sát mùa mưa bão.
Nguồn kinh phí theo thông tư Quy định chuyển theo hằng quý, gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện bảo trì. Dự thảo cho hay nếu nguồn vốn nằm tại Qũy, thì công tác giải ngân nên được chuyển theo hàng tháng.
Công tác dự phòng, giao bổ sung kế hoạch (đặc biệt là đối với hoạt động hỗ trợ các địa phương khắc phục thiên tai và sửa chữa cấp bách đường bộ) được thực hiện hàng năm và do Hội đồng Qũy Trung ương quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật, theo quy trình mới sẽ gửi sang Bộ Tài chính và chỉ thực hiện trên cơ sở thống nhất của Bộ GTVT và Bộ Tài chính.
Việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch thu (bao gồm hụt thu và vượt thu) phải trình ra Thường vụ Quốc hội để xem xét điều chỉnh kế hoạch thu chi cho Qũy. Theo Quỹ bảo trì đường bộ, như vậy sẽ rất mất thời gian, không kịp thời sử dụng để triển khai các công việc, không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đóng góp từ xã hội.
Quỹ Bảo trì đường bộ ra đời năm 2012, hiện là quỹ lớn nhất do người dân đóng góp, Nhà nước quản lý. Qũy Bảo trì đường bộ thu phí từ các phương tiện hằng ngày, tuy nhiên, việc chi chưa được công bố cụ thể, công khai.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa BOT Quỹ bảo trì đường bộ