Buôn lậu 200 triệu lít xăng giả: ‘Cảnh sát biển, biên phòng cho phép, xăng mới vào Việt Nam’
- Phạm Toàn
- •
Bị cáo Phan Thanh Hữu, người đứng đầu đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, khai phải được sự đồng ý của cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, mới báo tin cho tàu chuyển xăng vào Việt Nam.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả hôm 28/10, TAND Đồng Nai bắt đầu xét hỏi bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng).
Hai bị cáo này bị cáo buộc chủ mưu đứng đầu vụ án, cùng 72 bị cáo khác bị truy tố về các tội Buôn lậu, Nhận hối lộ theo Điều 188 và 354 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Viễn cùng nhóm bạn chi 53,4 tỷ đồng (60%) và ông Hữu góp 40% vốn để lén đưa xăng từ Singapore về Việt Nam. Từ đây, xăng lậu được bán cho hàng loạt công ty, cửa hàng xăng dầu khu vực phía Nam và một số ít bán qua Campuchia.
Tại tòa, bị cáo Viễn khai sử dụng hai tàu biển đăng ký quốc tịch Panama gồm Pacific Ocean (3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) vào cảng Vopak (Singapore) lấy hàng rồi chở về vùng biển Việt Nam. Sau khi lấy hàng xong về vị trí nào, vùng biển nào thì bị cáo Hữu là người trực tiếp điều động.
Khi được hỏi về việc nhập xăng lậu, bị cáo Hữu khai phải xin phép để hai tàu Pacific Ocean, Western Sea vào Việt Nam, sau đó sẽ đưa các tàu Nhật Minh ra ngoài biển để nhận xăng ở hai tàu này.
“Bị cáo xin và làm việc với ai?”, tòa hỏi. Bị cáo Hữu nói: “Phải làm việc và xin cảnh sát biển, biên phòng. Họ cho thì tàu chở xăng ở Singapore mới vào giao xăng được cho các tàu của bị cáo điều ra”.
Chủ tọa hỏi: “Còn lực lượng hải quan thì sao?”, bị cáo Hữu đáp: “Bị cáo không chơi với hải quan”.
Về cách thức mua hóa chất pha xăng, bị cáo Hữu khai khi bán xăng lậu ra thị trường thì bị khách hàng chê xăng có màu trắng. Do vậy, bị cáo Hữu đã lên mạng móc nối với một người để được hướng dẫn mua hóa chất về pha chế vào xăng lậu cho hợp màu vàng như thị trường rồi bán cho các đầu mối đưa đi tiêu thụ.
Trước đó, ngày 26/10, phiên tòa xét xử đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu đến phần công bố cáo trạng.
Ba kiểm sát viên thay nhau đọc bản cáo trạng từ sáng đến chiều nhưng cũng chỉ được 60/142 trang. Đến 16h cùng ngày, HĐXX quyết định kết thúc phiên tòa và hôm sau (27/10) tiếp tục.
Liên quan đến vụ việc, hôm 15/7, Toà án quân sự Quân khu 7 xác định từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, 9 cán bộ biên phòng, cảnh sát biển đã nhận khoảng 38 tỷ đồng để nhóm ông Hữu vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam và tiêu thụ xăng lậu trên biển trong thời gian dài.
Tòa tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) 15 năm tù; Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) 12 năm về tội Nhận hối lộ. Cựu đại tá Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh, 49 tuổi, bị phạt tù chung thân về tội Nhận hối lộ và Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. 11 bị cáo khác bị phạt từ 6 tháng 21 ngày đến 16 năm với ba nhóm tội danh Buôn lậu, Nhận hối lộ và Không tố giác tội phạm.
Từ khóa bộ đội biên phòng công an bảo kê buôn lậu xăng giả Cảnh sát biển buôn lậu xăng 200 triệu lít xăng giả