Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cáo buộc Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (Học viện Quân y) hưởng lợi bất chính hơn 2,1 tỷ đồng từ việc bán tăm bông, ống môi trường trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.

ong ho anh son
Thượng tá Hồ Anh Sơn (phải) và ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á tại buổi họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit test COVID-19, ngày 5/3/2020. (Ảnh: tapchitoaan.vn)

Theo dự kiến, ngày 27/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội sẽ xét xử 7 bị cáo liên quan vụ án Việt Á. Trong đó 4 cựu sĩ quan quân đội cao cấp, từ thiếu tá đến đại tá.

Cựu thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (Học viện Quân y) – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test COVID-19 do Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, do vụ lợi cá nhân nên Trịnh Thanh Hùng – Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ Khoa học Công nghệ) đã thông đồng với Phan Quốc Việt – Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Thượng tá Hồ Anh Sơn, đưa Công ty Việt Á vào tham gia đề tài với vai trò phối hợp, sản xuất thử nghiệm 20.000 kit test COVID-19 và sau đó để Việt Á được cấp phép, sản xuất thương mại trái pháp luật bộ kit.

Ngoài ra, ông Sơn bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vụ lợi cá nhân trong việc mua, bán tăm bông, ống môi trường dán nhãn Viện nghiên cứu y dược học Quân sự, Học viện Quân y và cung cấp cho Việt Á để bán cho các cơ quan, tổ chức sử dụng phòng chống dịch. Tổng số tiền ông Sơn hưởng lợi trái phép hơn 2,1 tỷ đồng.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương thể hiện, khoảng tháng 7/2020, do thị trường khan hiếm các vật tư y tế nên ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, nói với ông Hồ Anh Sơn tìm mua các dụng cụ lấy dịch tỵ (tăm bông và ống môi trường) cung cấp cho Công ty Việt Á để bán lại, cạm kết sẽ cho ông Sơn hưởng toàn bộ lợi nhuận.

Ông Sơn đã nhờ nhân viên cấp dưới tìm mua giúp các ống Falcon, tăm bông cứng và tăm bông mềm của các cửa hàng, đại lý tại Hà Nội.

Sau khi mua các vật tư y tế, ông Sơn tiếp tục nhờ nhân viên cấp dưới và một số sinh viên thực tập tại Viện Nghiên cứu y dược học quân sự pha chế các dung dịch vào ống Falcol (lúc này gọi là ống môi trường, có tác dụng bảo quản mẫu bệnh phẩm chứa vi rút COVID-19).

Để hợp thức nguồn gốc cho các vật tư này, ông Sơn cho in các tem có hình logo của Viện Nghiên cứu y dược học quân sự rồi nhờ cấp dưới và một số sinh viên thực tập dán lên các ống môi trường (mục đích để thể hiện là hàng của Học viện Quân y). Hàng giao cho Công ty Việt Á đều có một tờ hướng dẫn sử dụng có chữ Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.

Từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2021, tổng số các vật tư y tế mà ông Sơn cung cấp cho Công ty Việt là 103.500 ống môi trường, 87.000 tăm bông cứng và 571.000 tăm bông mềm.

Trong số này, có hơn 65.000 ống môi trường, 35.130 bộ lấy mẫu, 35.130 tăm bông cứng và 35.130 tăm bông mềm dán tem in hình logo Viện Nghiên cứu y dược học quân sự Học viện Quân y. Số ống môi trường, tăm bông còn lại không gắn nhãn mác gì.

Sau khi tiếp nhận số vật tư có dán tem trên, Công ty Việt Á ký hợp đồng bán và cho mượn hàng cho các cơ sở y tế, như Phòng y tế thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương…

Việt Á đã bán được 100.152 ống môi trường, hơn 35.000 que tăm bông cứng, hơn 35.000 que tăm bông mềm cho các đơn vị trên. Tổng số tiền thu được là hơn 3,6 tỷ đồng. Sau khi trừ 15% tiền thuế giá trị gia tăng và phí hóa đơn, từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2021, phía Việt Á chuyển khoản hơn 3,1 tỷ đồng vào tài khoản của ông Sơn.

Ngoài số tiền 3,1 tỷ nói trên, phía Việt Á chuyển khoản cho ông Sơn 400 triệu đồng tiền giải thưởng Bảo Sơn (Việt tự nguyện cho ông Sơn); 58 triệu đồng tiền Công ty Việt Á gửi cho ông Sơn vì đã hỗ trợ xét nghiệm; tiền tăm bông, ống môi trường nhưng không gắn nhãn hiệu Viện Nghiên cứu y dược Quân sự, Học viện Quân y.

Tổng cộng từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2021, Công ty Việt Á đã chuyển khoản cho Sơn 6 lần với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định ông Sơn đã chi tiền mua vật tư, trả công cho nhân viên và một số sinh viên thực tập…, hưởng lợi bất chính hơn 2,1 tỷ đồng qua việc bán tăm bông, ống nghiệm môi trường gắn nhãn Viện nghiên cứu y dược học Quân sự, Học viện Quân y.

“Câu chuyện của Học viện Quân y hay Công ty Việt Á chỉ là những đại diện của việc toàn đất nước Việt Nam đã tạo ra bộ kit “made in Vietnam” – Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (Học viện Quân y) khi đại diện cho nhóm tác giả có công trình khoa học công nghệ tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã phát biểu như trên tại Lễ Công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020 diễn ra hồi tháng 8/2020.

 

Tháng 3/2020, sau khi Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia thông qua, Bộ Y tế đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. Bộ KH&CN đưa tin “Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu” và “WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á” trên website. Các thông tin này bị gỡ bỏ sau khi nhóm Việt Á bị bắt vào trung tuần tháng 12/2021.

Theo báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO về thiết bị chẩn đoán dịch COVID-19 ngày 20/10/2020, kết quả thẩm định của WHO với bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á là “Không được chấp nhận”.

Được Bộ Y tế cấp phép, Công ty Việt Á “thổi giá” bộ xét nghiệm COVID-19 (nâng khống giá lên khoảng 45%) khi bán cho CDC và các cơ sở y tế tại các tỉnh, thành phố, thu về gần 4.000 tỷ đồng, chi “hoa hồng” gần 800 tỷ đồng. Sau đó, tại kết luận điều tra xác định số tiền công ty này hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng, chi hối lộ hơn 106 tỷ đồng. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an giải thích con số đầu là theo lời khai ban đầu, con số sau là có căn cứ chứng minh.

Sơn Nguyên