Công ty CP thủy điện Đạt Phương Sơn Trà xây 64 trụ điện cao thế khi “không có trong chủ trương đầu tư và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, chưa được giao đất”.

quang ngai cong ty thuy dien xay 64 trụ diẹn xay dụng trai phep dẻ ban diẹn
Nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A (thuộc Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà). (Ảnh: datphuong.com.vn)

64 trụ điện kéo dài 25km qua hai huyện

Khoảng năm 2016, 2017, Công ty CP thủy điện Đạt Phương Sơn Trà (Công ty Đạt Phương) đã xây dựng 64 trụ điện và đường dây từ các tổ hợp thủy điện đấu nối đến Trạm biến áp 220 KV Sơn Hà (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi).

64 trụ điện kéo dài 25km qua hai huyện Sơn Tây và Sơn Hà, để nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A, Sơn Trà 1B và Sơn Trà 1C bán điện.

Riêng tại huyện Sơn Hà có 54 trụ, đi qua 6 xã, thị trấn, gồm: Sơn Kỳ, Sơn Hải, Sơn Thủy, Sơn Trung, Sơn Thượng và thị trấn Di Lăng, với đất hành lang tuyến hơn 28,4 ha, đất móng trụ gần 1,4 ha.

Xây 64 trụ điện khi chưa được cấp đất

Năm 2024, huyện Sơn Hà tiếp tục đầu tư 14 tỷ đồng thi công khẩn cấp chống sạt lở núi Van Cà Vãi ở tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng thì gặp khó khăn do vướng trụ điện (một trong 64 trụ điện) của Công ty Đạt Phương. Trụ điện này ở trên đỉnh núi Van Cà Vãi, nằm trong bán kính xử lý sạt lở.

Ông Phan Anh Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết biện pháp thiết kế thi công là nạo sạch phần đất yếu trên đỉnh đồi và sườn đồi để chống sạt lở, nên yêu cầu phải di dời trụ điện.

Tuy nhiên, Công ty Đạt Phương trả lời “di dời trụ điện là rất khó khăn và dường như không thể thực hiện được”.

Đáng chú ý, trụ điện ở đỉnh Van Cà Vãi và 63 trụ điện cao thế còn lại được xây trên đất chưa được chuyển đổi mục đích, chưa được giao và cho Công ty Đạt Phương thuê để truyền tải và bán điện trong 7 năm qua.

quang ngai cong ty thuy dien xay 64 trụ diẹn xay dụng trai phep dẻ ban diẹn 1
Trụ điện trên đỉnh Van Cà Vãi hiện rất gần mái cơ hạ độ cao chống sạt lở. (Ảnh: Viên Nguyễn/laodong.vn)

Trả lời tại cuộc họp báo quý 3 UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 18/10, bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, nói việc nhà đầu tư chôn hàng trụ điện này huyện có biết và thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn 5537 năm 2016 về xây dựng đường dây và giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng năm 2017.

Từ năm 2019, các bên liên quan đã tập trung giải quyết. Tuy nhiên, trong phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sơn Trà không có nội dung phê duyệt quỹ đất để xây dựng các trụ điện cao thế trên. Vì vậy, không có cơ sở thu hồi đất.

“Từ đó, dẫn đến công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất chưa thể thực hiện. Vị trí móng trụ có nhiều rắc rối nên huyện không giải quyết được”, bà Trà nói, theo báo Tuổi Trẻ.

Ông Võ Văn Rân, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi, cho rằng năm 2016-2017, cơ chế cho phép nhà đầu tư tự thỏa thuận bồi thường với chủ đất. Sau đó hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai. Tuy nhiên, đến nay thủ tục pháp lý đất đai vẫn chưa được chủ thủy điện hoàn thành.

Trong khi đó, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng không thể điều chỉnh vị trí để bổ sung trong các vị trí của dự án; còn Sở TN-MT Quảng Ngãi trả lời là không có vị trí nên không thể thu hồi đất của dân và tổ chức, cá nhân.

Ông Võ Minh Vương, Phó giám đốc Sở TN-MT, khẳng định đã rà soát 64 trụ điện cao thế trên chưa được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất năng lượng để xây dựng trụ điện.

Theo ông Vương, hành lang lưới điện không phải thu hồi đất, nhưng đất xây dựng trụ điện thì phải thu hồi đất, chuyển mục đích và giao đất để đầu tư xây dựng. “Điều kiện để chuyển mục đích và giao đất là phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất và phải có trong đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương. Qua rà soát, 64 trụ điện trên không phù với kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến vướng”, ông Vương nói.

Sau đó, bà Đinh Thị Trà tranh luận lại, cho rằng “do vướng từ chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sơn Trà đã không có các trụ điện trên. Chính vì thế các bên mới lúng túng xử lý”.

Trước tranh luận các bên, ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã giao Sở Công Thương, UBND huyện Sơn Hà phối hợp với các sở ngành liên quan, làm việc với Công ty Đạt Phương làm rõ và nêu hướng tháo gỡ, không thể kéo dài sự việc.

Tỉnh Quảng Ngãi ưu ái Công ty Đạt Phương

Báo Thanh Niên cho biết thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 24/8/2015 đã cho phép Công ty CP 30/4 Quảng Ngãi (năm 2022 đổi tên thành Công ty Đạt Phương) thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng đất với các hộ dân nằm trong dự án thủy điện, nhưng đủ điều kiện bồi thường theo quy định của luật Đất đai 2013; chủ đầu tư được phép lập thủ tục chuyển nhượng đất lúa bị thu hồi để chuyển nhượng dự án.

Trong khi chờ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở TN-MT Quảng Ngãi cho phép chủ đầu tư được xây dựng các hạng mục công trình trong đất quy hoạch; chỉ đạo Sở Xây dựng Quảng Ngãi cấp phép xây dựng cho các hạng mục tại công trình và còn nhiều chỉ đạo khác nhằm hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư dự án thủy điện, giúp chủ đầu tư tiến hành xây dựng dự án đúng kế hoạch. Trong đó, Sở Xây dựng Quảng Ngãi đã cấp phép xây dựng 10 trụ điện, còn 54 trụ điện được tỉnh Quảng Ngãi miễn cấp phép xây dựng.

Thế nhưng, từ 2015 đến nay, các thủ tục liên quan đến đất đai đối với 64 trụ điện 110 kV của Công ty Đạt Phương vẫn chưa xong. 64 móng trụ điện nói trên được xây dựng nhưng địa phương ở đây chưa đưa vào quy hoạch sử dụng đất. Trong khi đó, vào năm 2019, Thủy điện Sơn Trà 1 (thuộc Công ty Đạt Phương) đã đi vào vận hành sản xuất kinh doanh điện.

Minh Long