Phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% khi Luật giá trị gia tăng chính thức được thi hành từ ngày 1/7/2025.

baolongan.gov .vn
Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền, tỉnh Long An. (Ảnh: baolongan.vn)

Ngày 26/11, truyền thông Nhà nước đưa tin Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) mới với 407/451 đại biểu tham gia đồng ý. Luật này sẽ áp thuế 5% với phân bón.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trừ một số trường hợp khác.

Nhiều ý kiến trước đó cho rằng áp thuế VAT 5% với phân bón, ngân sách được tăng thêm 1.500 tỷ đồng, tuy nhiên, người nông dân phải gánh chịu do giá phân bón tăng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay: “Nếu áp dụng thuế suất 5%, các đơn vị nhập khẩu phân bón sẽ phải nộp vào ngân sách 1.500 tỷ đồng thuế VAT từ khâu nhập khẩu (lấy theo kim ngạch nhập khẩu 2023). 

Tuy nhiên, kim ngạch phân bón nhập khẩu sẽ có xu thế giảm do áp dụng thuế VAT 5%, dẫn đến số thu thực tế vào ngân sách cũng sẽ thấp hơn con số 1.500 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Mạnh, số thuế VAT thu được từ phân bón nhập khẩu sẽ còn phải bù trừ với phần thuế VAT, và sẽ còn phải hoàn cho doanh nghiệp trong nước nên tác động tăng thu ngân sách do áp dụng thuế VAT 5% không đáng kể và nếu có cũng sẽ thấp hơn nhiều so với con số 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó theo ông Mạnh, số tiền ngân sách thu được sẽ không chuyển hoàn toàn vào giá bán để tạo gánh nặng cho người nông dân, vì nông dân có thể lựa chọn mua phân bón sản xuất trong nước có giá rẻ hơn thay vì mua phân bón nhập khẩu.

Các đơn vị nhập khẩu sẽ phải cân đối giá bán một cách hài hòa với mặt bằng chung trên thị trường trong nước.

“Thu của người sử dụng phân bón 5.700 tỷ đồng mà bảo giảm được giá bán…”

 Trước đó thảo luận về việc này, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn báo cáo đánh giá tác động cho thấy nếu áp thuế 5% như đề xuất thì mỗi năm Nhà nước sẽ thu khoảng 5.700 tỷ đồng, trong đó hoàn thuế cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách nhà nước được 4.200 tỷ đồng.

“Bây giờ thu của người sử dụng phân bón 5.700 tỷ đồng mà bảo giảm được giá bán, tôi thấy không thuyết phục. Đề nghị phải đánh giá rất sát chỗ này. Bởi vì giá thành với giá bán là hoàn toàn khác nhau, giá bán còn phụ thuộc vào thế giới”, ông Giang nói.

Ông Giang phân tích theo quy định hiện hành thì mặt hàng phân bón không chịu thuế, chứ không phải là thuế suất 0% nên doanh nghiệp không được khấu trừ hoàn thuế đầu vào. Do đó ông này đề xuất phương án thuế 0% thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế. Nhà nước “mất” khoảng 1.500 tỷ/năm, theo tốc độ tăng có thể lên tới 2.000 tỷ đồng/năm, nhưng giá bán của người nông dân ổn định, không tăng.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết không thể quy định mức thuế suất 2% hay 0% cho phân bón vì mức thuế 0% chỉ áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, mục tiêu cải cách thuế VAT là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết đi tiếp xúc cử tri tỉnh Long An, và cũng nhận được điện thoại từ nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng việc đánh thuế phân bón là chưa ủng hộ người nông dân. Bà con phản ánh những nông dân nào có điều kiện sản xuất tập trung, chất lượng cao mới có lãi nhưng đa số người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn sản xuất theo hộ gia đình.

“Sản xuất nông nghiệp đã khó rồi, giờ lại đánh thuế vào người nông dân thì người ta sẽ bỏ ruộng hoặc có phản ứng ngược lại thì tình hình an ninh nông thôn sẽ phức tạp”, ông Tới lo ngại.

Khánh Vy (t/h)