Sau mưa lớn kéo dài nhiều ngày, núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) bị sạt lở lớn, đất đá tựa như “thác” đổ xuống từ đỉnh núi. May mắn, quanh khu vực sạt lở không có hộ dân sinh sống nên không gây thiệt hại về tài sản và tính mạng.

Dòng “thác” đất đá từ đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) đổ xuống trong chiều 14/11/2021. (Nguồn: dẫn qua Ori/Facebook/TTVN biên tập)

Chiều 14/11, người dân sinh sống quanh khu vực núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) nghe thấy những tiếng ầm ầm, kèm theo đó là nước cuồn cuộn cùng với đất đá đổ từ đỉnh xuống hướng chân núi Bà Đen.

Theo clip ghi lại, người dân cho biết một lượng lớn đất đá từ trên cao đổ dồn xuống chân núi. Khu vực chân núi cách đó vài trăm mét, nước vẫn xối xuống gây ngập.

Theo báo địa phương, ông Trần Hải Sơn, Phó ban phụ trách Ban quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trong chiều 14/11 xác nhận thông tin trên. Ông Sơn cho hay do mùa mưa năm nay ở Tây Ninh kéo dài, lưu lượng mưa lớn, vừa có mưa lớn kéo dài suốt 2 tuần nên dẫn tới hiện tượng sạt lở cục bộ khu vực sườn núi phía sau chùa Bà (thuộc núi Bà Đen).

Ngoài ra, theo ông Sơn, sạt lở tập trung ở khu vực lưng chừng núi, tại một số nơi địa chất yếu, khu vực đá mồ côi. Khu vực sạt lở không thuộc phạm vi các công trình, dự án đang xây dựng quanh núi Bà Đen.

“Quanh khu vực sạt lở không có các hộ dân sinh sống nên không gây ra bất cứ thiệt hại nào về vật chất, con người cũng như hoa màu”, ông Sơn nói, cho biết Ban quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã khoanh vùng khu vực sạt lở, đánh giá mức độ và sẽ sớm đưa ra giải pháp khắc phục.

Trước tình hình mưa vẫn tiếp tục kéo dài, giới chức tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu các cơ quan liên ngành đánh giá những tác động địa chất có thể xảy đến, sớm có phương án xử lý nếu xảy ra hiện tượng sạt lở những ngày tới, ông Sơn cho hay.

Trước tin trên, một số người dân địa phương cho rằng xảy ra sạt lở là do ngọn núi Bà Đen đã bị tác động, khai thác quá độ.

Tài khoản Dao Phan cho hay: “Ngày xưa không có tham quan đỉnh núi. Không cung đường xe tới đỉnh thì có sạt lở không? Ngày nay khai thác quá độ sang lắp từ đỉnh vòng quanh núi, mẹ thiên nhiên nổi giận nên giờ này hậu quả sạt lở”.

Đồng ý kiến, tài khoản Trần Tâm viết: “Mẹ thiên nhiên nổi giận rồi đó, đào bới chặt cây phá đá. Núi Bà là nơi linh thiêng thờ Bà mà thành nơi moi tiền dân chúng”.

Tài khoản Tien Luuhoangtien phản đối nhận định của ông Trần Hải Sơn, Phó ban phụ trách Ban quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, rằng đá lớn lăn như vậy mà “cục bộ”.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: