‘Siêu’ dự án nghỉ dưỡng Đại Ninh do Lâm Đồng cấp phép làm mất 257 ha rừng, vướng bồi thường
- Hoàng Minh
- •
Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh (Dự án Đại Ninh) tại huyện Đức Trọng được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 30/12/2010 với tổng vốn đầu tư lên đến 25.243 tỷ đồng.
Dự án nằm trên 4 xã của huyện Đức Trọng, gồm: Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan. Tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hơn 3.595ha, trong đó có 1.306 ha đất quy hoạch lâm nghiệp.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần đầu tư và du lịch Sài Gòn – Đại Ninh (công ty Sài Gòn – Đại Ninh).
Tỉnh ưu ái doanh nghiệp
Năm 2012, UBND tỉnh để doanh nghiệp này chuyển mục đích sử dụng đất để làm dự án. Theo đó, tổng diện tích đất chuyển mục đích gần 324 ha; tổng số tiền sử dụng đất phải nộp trên 226 tỷ đồng, sau khi miễn giảm 30%, số tiền sử dụng đất còn phải nộp trên 158 tỷ đồng.
Thế nhưng, doanh nghiệp này nhiều lần không nộp. Tính đến tháng 10/2018 tiền phạt chậm nộp là trên 104 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định điều chỉnh quyết định ban hành năm 2012, trong đó có nội dung chưa thực hiện việc chuyển mục đích sang đất ở đối với diện tích 166,5ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012.
Như vậy, diện tích đất ở đã được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng và công ty này không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền gần 262,5 tỷ đồng (bao gồm cả tiền phạt chậm nộp).
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ từng kết luận việc UBND tỉnh Lâm Đồng không quyết định thu hồi đất của dự án này là chưa thực hiện đúng theo quy định Luật Đất đai 2013, thể hiện sự tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
257 ha rừng bị “bốc hơi”
Từ khi được cấp phép, dự án đã có hàng loạt vấn đề sai phạm như khu dân cư trú đông, khu biệt thự mùa hè, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị trung tâm, khu công viên cây xanh, thể dục thể thao, vườn hoa, khu cổng mặt trời…
Đáng chú ý, theo Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, dự án Đại Ninh đã làm mất 257 ha rừng.
Trong đó, 140 ha rừng được Sở NN&PTNT xác định trữ lượng tại văn bản ngày 5/1/2016. Sở Tài chính xác định giá trị bồi thường tài nguyên rừng là hơn 6,6 tỷ đồng, phía công ty đã nộp đủ.
Còn 117 ha rừng (được xác định tại văn bản ngày 25/2/2011) có giá trị hơn 12,1 tỷ đồng, công ty không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị.
Sở NN&PTNT yêu cầu công ty Sài Gòn – Đại Ninh phải hoàn thành việc kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng tài nguyên rừng trên phần diện tích đất được thuê để thực hiện dự án, gửi hồ sơ về Chi cục Kiểm lâm trước ngày 30/9/2021 để kiểm tra, đánh giá và thẩm định lại.
Trước đó hồi tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 3 dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án Đại Ninh. Sau đó, chủ đầu tư có văn bản gửi nhiều cơ quan chức năng kiến nghị xem xét lại việc thu hồi dự án.
Tuy nhiên, ngày 8/7/2021, Thanh tra Chính phủ lại ra văn bản thông báo sửa đổi một số nội dung trong Kết luận số 929 theo hướng “rút lại kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất” đối với dự án này.
Cuối tháng 8/2021, Sở TN&MT Lâm Đồng có văn bản gửi Công ty Sài Gòn – Đại Ninh về việc gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng để thực hiện dự án. Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư cam kết nếu hết thời gian gia hạn không đưa đất vào sử dụng thì dự án Sài Gòn – Đại Ninh bị chấm dứt hoạt động (hoặc thu hồi) vô điều kiện. Đồng thời, chủ đầu tư của dự án này phải có văn bản chứng minh nguồn vốn đảm bảo tiếp tục thực hiện dự án.
Công ty Sài Gòn – Đại Ninh được thành lập vào đầu năm 2010, trụ sở hiện đặt tại phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ở thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group – 85%), và 7 cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại là: Hoàng Văn Thọ (2%), Đào Thúy Hằng (5%), Phan Văn Đức (5%), Nguyễn Văn Lam (0,5%), Trần Tấn Công (1%), Trần Hồng Thắng (0,5%) và Nguyễn Đình Tùng (1%). Đến tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp. Cuối năm 2017, Sài Gòn Đại Ninh nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, phần vốn chi phối 88,5% lúc này được chuyển sang bà Phan Thị Hoa. Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam có lịch sử khá lâu đời với tiền thân là một tổ hợp xuất khẩu thảm cói, thảm đay xuất khẩu sang Liên Xô. Giai đoạn 1997 – 2005, Phương Nam đã đầu tư quy hoạch xây dựng khu nhà ở Phường Tân Phú, Quận 7, TP Hồ Chí Minh với quy mô 26.444 m2. Đến năm 2006 liên doanh với Công ty Vàng bạc Đá quý TP.HCM (SJC) để kinh doanh vàng 9999 và trang sức vàng nữ trang ITALIA. Năm 2009, Phương Nam đã tiến hành kế hoạch đầu tư siêu dự án hơn 25.000 tỷ đồng tại tỉnh Lâm Đồng và thành lập nên Sài Gòn Đại Ninh. Đến tháng 1/2021, bà Phan Thị Hoa không còn là người đại diện theo pháp luật của Sài Gòn Đại Ninh Corp. Người được thay thế là ông Nguyễn Cao Trí, với vai trò Tổng Giám đốc. Ông Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn từ nhiều năm nay. Hệ sinh thái Capella Holding của vị doanh nhân sinh năm 1970 này trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella (Capella Holdings), ông Trí còn là lãnh đạo Công ty Lâu Đài Ven Sông, Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học Văn Lang; Chủ tịch hội Doanh nghiệp quận 1 nhiệm kỳ 2018-2023… |
Hoàng Minh
Lâm Đồng: Phá rừng thông hơn 36 năm tuổi để làm đường vào khu du lịch ở TP. Đà Lạt
Từ khóa Du lịch Dòng sự kiện Khu đô thị thương mại nghỉ dưỡng Đại Ninh