Ngoài 3 nguyên nhân xoay quanh thu nhập và môi trường phát triển, áp lực tinh thần mới đây được UBND TP.HCM xác nhận là lý do khiến số công chức, viên chức (y tế, giáo dục…) nghỉ việc tại TP tiếp tục tăng lên.

tp hcm xac dinh them van hoa cong so la ly do khien cong chuc nghi viec
Cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của tại UBND quận Thủ Đức, năm 2020. Năm 2021, Thủ Đức được nâng cấp lên TP, tuy nhiên ghi nhận có số cán bộ, công chức thôi việc nhiều nhất. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thành phố.

Báo cáo cho hay từ ngày 1/5 đến 30/9/2023, TP.HCM có 23 công chức nghỉ việc và 179 viên chức thôi việc. Tuy nhiên cùng trong thời gian này, thành phố tuyển thêm 64 công chức và 781 viên chức (gấp 4 lần số công chức, viên chức nghỉ việc).

Nhìn nhận nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, UBND TP.HCM cho rằng có 5 nguyên nhân, gồm (1) chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ, (2) cơ hội thăng tiến, (3) áp lực công việc, (4) tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, (5) văn hóa công sở.

UBND TP.HCM cho rằng chế độ tiền lương theo quy định chung của Trung ương hiện nay đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Ngoài tiền lương theo quy định hiện hành, TP.HCM cải thiện thu nhập cho cán bộ công chức bằng việc chi thu nhập tăng thêm căn cứ vào kết quả đánh giá thực hiện nhiệm vụ hằng quý. Tuy nhiên, các chính sách đãi ngộ hiện tại chưa đáp ứng được điều kiện sống, tạo động lực để mọi người an tâm làm việc.

Mức lương và đãi ngộ thấp càng thể hiện rõ khi đặt cạnh chế độ đãi ngộ, tiền lương do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đưa ra để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.

Không chỉ thu nhập, UBND TP cho rằng môi trường làm việc với cơ chế bổ nhiệm hiện nay chưa tạo điều kiện cho các nhân tố trẻ phát huy hết tiềm năng và cơ hội phát triển. Việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy và biên chế giảm nên việc cất nhắc, đề bạt cán bộ trẻ khó khăn hơn.

Tiếp đến là tình trạng quá tải công việc, đặc biệt là sau dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) vẫn tiếp diễn trong khi chưa có cơ chế, quy định pháp lý để khuyến khích cũng như bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung…

Để giải quyết tình trạng trên, UBND TP.HCM đưa ra đề án, đề xuất 7 nhóm giải pháp, gồm: (1) Tăng thu nhập; (2) tạo cơ hội thăng tiến; (3) giảm áp lực công việc; (4) tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; (5) tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm; (6) chính sách nhà ở và hỗ trợ tiếp cận nhà ở; (7) nâng cao chất lượng văn hóa công sở, cải thiện môi trường công vụ.

Đối với các giải pháp trên, chính quyền TP.HCM đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế, chính sách đặc thù, tăng định mức chi hoạt động cho các cơ quan, đơn vị; thực hiện cơ chế khoán biên chế, số lượng người làm việc gắn với nâng cao tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Song song với đó, TP.HCM đề xuất sẽ tuyển chọn lãnh đạo, quản lý bằng cách thi tuyển cạnh tranh, làm tốt việc quy hoạch nhân sự gắn với luân chuyển, đưa về cơ sở để nâng cao năng lực để tạo nguồn lãnh đạo, cán bộ quản lý trẻ tuổi.

Hồi trung tuần tháng 8/2022, UBND TP.HCM công bố từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, tổng cộng 6.177 cán bộ, công chức, viên chức tại TP này đã xin thôi việc.

Trong đó, lĩnh vực giáo dục cao nhất với 2.436 người, tiếp theo là lĩnh vực y tế với 2.145 người.

Ở cấp thành phố, cán bộ, công chức thôi việc nhiều nhất là tại Sở Xây dựng với 23 người, tiếp đến là Sở Kế hoạch và Đầu tư là 22 người. Ở cấp huyện, TP. Thủ Đức có số cán bộ, công chức thôi việc nhiều nhất, 40 người.

Tại thời điểm này, UBND TP công bố có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.

Nguyễn Sơn