TP.HCM dự kiến xây dựng 42 công viên dọc hành lang sông Sài Gòn để tạo hạ tầng đa chức năng. Quỹ đất hành lang sông cũng được xem xét để chuyển đổi sang đất dịch vụ, thương mại, du lịch.

tp hcm du kien xay 42 cong vien doc bo song sai gon
Sông Sài Gòn. (Ảnh: Dong Nhat Huy/shutterstock)

UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, giai đoạn 2020-2045.

Đến nay, thành phố đã hoàn thiện việc rà soát, nghiên cứu định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển sông Sài Gòn để hình thành hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng, hoàn thành 80% khối lượng công việc giai đoạn 2021-2025.

Giai đoạn 2025-2030, TP.HCM sẽ tập trung tổng hợp rà soát quỹ đất dọc hành lang sông và đề xuất phương án tạo quỹ đất, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư.

Từ nay đến năm 2045, TP.HCM dự kiến xây dựng 42 công viên dọc hành lang sông Sài Gòn để tạo hạ tầng đa chức năng, phát triển kinh tế dịch vụ, tăng chất lượng cảnh quan và đa dạng sinh học. Quỹ đất dọc hành lang bờ sông sẽ được thành phố đề xuất chuyển đổi sang chức năng dịch vụ, thương mại, phục vụ du lịch để khai thác hiệu quả và tạo nguồn lực.

Các vị trí được nghiên cứu xây dựng chuỗi công viên dọc sông Sài Gòn thuộc 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức.

Thời gian tới, TP.HCM cũng định hướng đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xanh (công viên, kè bảo vệ bờ sông và bến thủy nội địa) theo nguyên tắc và phân kỳ, phân đoạn, phân vùng không gian, gắn với các dự án giao thông, hạ tầng đô thị.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông Vận tải) tổ chức nhiều chuyến khảo sát bờ sông của các đoàn chuyên gia trong nước, quốc tế để nghiên cứu đề xuất ý tưởng thiết kế quy hoạch. Các đơn vị cũng nghiên cứu, đề xuất các nguyên tắc, giải pháp đầu tư dự án, đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực.

Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt đầu từ Bình Phước sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TP HCM. Đoạn sông chảy qua TP HCM dài khoảng 80 km được ví như “dải lụa mềm” uốn lượn trong lòng thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm. Hiện dọc sông đoạn qua nội đô thành phố mới có một số công viên như Bạch Đằng, bờ sông bên Thủ Thiêm, công viên trong khu Vinhomes Central Park…

Toàn TP.HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Trong đó, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn khu vực ngoại thành. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở thành phố hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người nhưng thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha. Với dân cư thường trực ở thành phố hơn 10 triệu người, tỷ lệ trên chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người.

Minh Long