TP.HCM sẽ tăng thêm 52 phó chủ tịch cấp huyện, xã
- Minh Long
- •
TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và 48 xã, phường, thị trấn có thêm phó chủ tịch UBND để giải quyết tình trạng quá tải công việc.
Nội dung được đề cập trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM do Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi vừa ký.
Theo Nghị quyết 98, TP.HCM được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy. Cụ thể, các huyện sẽ được 3 phó chủ tịch UBND; các xã, phường, thị trấn có dân số trên 50.000 người được 3 phó chủ tịch UBND.
Hiện TP.HCM có 5 huyện, trong đó 2 huyện loại 1 là Bình Chánh và Củ Chi đã có 3 phó chủ tịch. Ba huyện loại 2 là Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ hiện có 2 phó chủ tịch.
Riêng TP. Thủ Đức sẽ có 4 phó chủ tịch UBND và 2 phó chủ tịch HĐND.
Với cấp xã, thành phố có 48 xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân. Các phường, xã này hiện có 2 phó chủ tịch UBND.
Như vậy, khi triển khai Nghị quyết 98, TP.HCM sẽ tăng thêm 4 phó chủ tịch UBND cấp huyện và 48 phó chủ tịch UBND cấp xã.
Sở Nội vụ được yêu cầu trình kế hoạch bổ sung các phó chủ tịch UBND trong tháng 7 này.
Cũng liên quan tới tổ chức bộ máy, trong tháng 8/2023, UBND TP. Thủ Đức cùng Sở Nội vụ trình đề án thành lập Ban Đô thị thuộc HĐND TP. Thủ Đức.
Trong tháng 9/2023 sẽ trình đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm; định mức quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã; tổ chức bộ máy TP. Thủ Đức…
Hơn 46.000 cán bộ dôi dư nếu tiếp tục sáp nhập huyện, xã
Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong phiên họp chiều 12/7.
Báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ vừa làm việc với 63 tỉnh, đưa ra phương án dự kiến sắp xếp 33 huyện, 1.327 xã.
Trong đó, có khoảng 16 đơn vị cấp huyện ở đô thị và 400 đơn vị cấp xã ở đô thị phải sắp xếp. Từ đó, Bộ Nội vụ cũng tính toán dự kiến số cán bộ công chức dôi dư tương ứng.
Theo đó, số cán bộ lãnh đạo cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người, cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người.
Về kinh phí thực hiện, theo Nghị quyết, việc thực hiện sáp nhập huyện, xã sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm.
Với mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/ xã, ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần khoảng hơn 1.300 tỷ đồng. Số tiền này để địa phương sử dụng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Từ khóa TP Thủ Đức cán bộ dôi dư TP.HCM sáp nhập huyện xã