Từ câu chuyện lương tiến sĩ 3 triệu – lương ‘ô sin’ 5 triệu: Thất nghiệp thực và thất nghiệp ‘ẩn’
- LÊ TRAI
- •
Lương một tiến sĩ tốt nghiệp tại Mỹ về chỉ 3 triệu đồng, nhưng nhà nước lại tốn chi phí đến 90 tỷ đồng cho một bài báo khoa học quốc tế. Đằng sau những câu chuyện này có điểm gì đáng chú ý?
Lương tiến sĩ: 100 nghìn/ngày
Theo diễn đàn khoa học vào sáng 30/8 tại Hà Nội do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, con số đội ngũ trí thức của Việt Nam đang tăng lên mạnh mẽ. Trong vòng 13 năm, từ năm 2000 tới năm 2013, đội ngũ trí thức cả nước tăng gần gấp 5 lần, từ khoảng 1,3 triệu người đến hơn 6,5 triệu người, trong đó số thạc sỹ từ 10.000 người lên hơn 118.653 người (tăng 11,86 lần), số tiến sĩ tăng từ 12.691 người lên 24.667 người (tăng 1,94 lần).
Ngoài ra, còn khoảng 400.000 trí thức Việt kiều trên tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, việc có tận dụng được sự ‘tăng trưởng trí thức’ trên hay không được ‘cảnh báo’ khi GS. Nguyễn Lân Dũng nêu lên một nghịch lý: lương của một tiến sĩ tốt nghiệp tại Mỹ về làm việc trong viện nghiên cứu khoa học chỉ trên dưới 3 triệu, trong khi đó, lương cho ‘ô sin’ giúp việc nhà lên tới gần 5 triệu, chưa kể tiền ăn uống. “Mức lương như vậy làm sao đủ để sống tại Hà Nội?” – GS. Dũng đặt câu hỏi, đồng thời cho hay nhiều bạn cùng khóa với người tiến sĩ ấy đã ở lại nước ngoài làm việc để có mức thu nhập tương xứng.
Thù lao không tương đương, đồng nghĩa người trí thức buộc phải chia sẻ quỹ thời gian vào các công việc mang lại thu nhập có thể không liên quan tới việc vận dụng, phát triển chuyên môn. Nghịch lý lãng phí chất xám đang diễn ra ngay tại trong nước, đối với lực lượng trí thức trình độ quốc tế sẵn sàng quay trở lại Việt Nam làm việc.
GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các viện nghiên cứu các xưởng sản xuất (pilot) vừa để thực hành, ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, vừa tạo thêm thu nhập cho đội ngũ trí thức.
Thất nghiệp thực và thất nghiệp ‘ẩn’
Câu chuyện về đời sống của giới trí thức, lao động có học vấn trên gợi nhắc tới những sự việc mới công bố gần đây: cả nước có gần 200.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp và việc tốn tới 90 tỷ đồng ngân sách cho 1 bài báo khoa học quốc tế tại một viện nghiên cứu nhà nước.
Theo Bản tin thị trường lao động do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa cung cấp, quý II/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó những người có trình độ từ đại học trở lên đứng đầu danh sách, 191.300 người. Kế đến là lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, 94.800 người.
So với quý I/2016, số người thất nghiệp trong quý II tăng 16.400 người, đưa tỷ lệ thất nghiệp qua hai quý tăng từ 2,25% lên 2,29%.
Việc các cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cũng không khác gì mấy so với câu chuyện lương tiến sĩ chỉ 3 triệu, trong khi lương ‘ô sin’ 5 triệu. Điểm khác biệt duy nhất là một bên là con số thất nghiệp thực, khi người lao động không có việc làm, không có thu nhập, còn một bên là tình trạng thất nghiệp ‘ẩn’, khi người trí thức có việc làm đúng chuyên môn nhưng mức thù lao lại thấp hơn nhiều lần so với trình độ, năng suất lao động khả dụng.
Không phải tiền thuế nộp về ngân sách nhà nước không đủ để chi trả lương cho giới trí thức. Có thể dẫn sự việc trung bình 90 tỷ đồng cho 1 bài báo khoa học quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN (VASS) làm ví dụ.
Tháng 4 vừa qua, Nhóm dự án S4VN (Trắc lượng Khoa học Việt Nam) công bố bảng thống kê ISI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học – Institute for Scientific Information – ISI) của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN (VASS) giai đoạn 2011-2015.
Tổng số lượng bài báo công bố ISI của VASS trong 5 năm qua là 22 bài (tổng số lượt trích dẫn là 63). Năm nhiều nhất là 2013 với 7 bài và năm thấp nhất là 2011 với 2 bài. Con số chi ngân sách cho VASS từ 2011 đến 2015 là hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương 90,6 triệu USD. Trung bình 90 tỷ đồng cho 1 bài báo khoa học quốc tế.
Riêng năm 2015, tổng chi ngân sách nhà nước cho viện này lên đến 504,5 tỷ đồng (khoảng 22,67 triệu USD). Viện có 5 bài báo công bố quốc tế ISI. Trung bình 100,9 tỷ đồng cho 1 bài báo.
Trong khi đó, tổng số công bố ISI của Việt Nam trong năm 2015 là 2.775 bài.
Câu hỏi về tình trạng lãng phí ngân sách được đặt ra. Càng đáng quan tâm hơn khi VASS được biết là nơi tập trung các nhà khoa học xã hội đầu ngành của quốc gia, với trên 2.000 người, trong đó hơn 700 nhân sự có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, làm việc trong 5 đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện, 32 đơn vị nghiên cứu khoa học, 5 đơn vị sự nghiệp khác (trong đó có 1 cơ sở đào tạo sau đại học và 2 nhà xuất bản).
Con số chênh lệch lớn giữa hàng nghìn người có học hàm, học vị cao, hàng trăm tỷ đồng ngân sách, với thành quả nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế dừng ở mức khiêm tốn làm dấy lên mối nghi ngại, liệu bộ máy đó hoạt động có xứng đáng với số tiền mà người dân đóng thuế để chi trả?
Về lý thuyết, những đề tài nghiên cứu giúp mang lại nguồn thu nhập cho các giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu. Nhưng trên thực tế, tình trạng ‘chạy’ nhiều dự án để kiếm thu nhập khiến người làm nghiên cứu ít có công trình nghiên cứu thực sự, vốn đòi hỏi nhiều tâm sức, thời gian và tiền bạc. Còn đi xin tài trợ cho đề tài tâm huyết, thì những nhà nghiên cứu mệt mỏi vì bị ràng buộc bởi quá nhiều những quy định hành chính như họp hội động xét duyệt, nghiệm thu, giải trình kinh phí…
Có sự bất hợp lý nào không, khi mà tiền lương trả thực tế cho người làm nghiên cứu thì thấp, còn chi phí cho các dự án nghiên cứu thì lại quá tầm hình dung? Việc chi tiêu ngân sách không hợp lý không chỉ dẫn tới sự bất hợp lý giữa lương và thu nhập thực tế, sự bất bình đẳng giữa các đối tượng trí thức đã có việc làm, mà còn gián tiếp gây nên tình trạng thất nghiệp thực tế của lao động có chuyên môn khi ngân sách bị dành ra quá lớn vào việc nuôi bộ máy công chức, thay vì sử dụng hiệu quả cho việc đầu tư để sử dụng nguồn nhân sự có chuyên môn vừa được đào tạo.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa thu nhập thực tế ô sin GS Nguyễn Lân Dũng lãng phí ngân sách công chức tiến sĩ