Từ năm 2025, bỏ xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe
- Minh Long
- •
Bộ Y tế ban hành thông tư mới, trong đó bỏ quy định bắt buộc phải xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe đối với người lái xe.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 36/2024 quy định về tiêu chuẩn, quy trình khám sức khỏe lái xe, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.
Thông tư này thay thế cho Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT.
Một điểm mới trong thông tư này là xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn.
Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 24/2015, một trong những thủ tục bắt buộc khi thực hiện khám cận lâm sàng sức khỏe lái xe là xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu.
Còn tại Thông tư số 36/2024, việc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe không còn là quy định bắt buộc, chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.
Cũng theo Thông tư mới, trường hợp khám sức khỏe để cấp, đổi giấy phép lái xe bắt buộc phải xét nghiệm 5 loại nồng độ ma túy (thông tư cũ chỉ xét nghiệm 4 loại).
Riêng trường hợp khám sức khỏe định kỳ với người hành nghề lái ô tô bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn và 5 loại ma túy.
Một số điểm mới nữa của Thông tư số 36 như: không còn yêu cầu khám thai sản vì ít liên quan đến tiêu chuẩn sức khỏe lái xe; giá trị sử dụng của giấy khám sức khỏe tăng từ 6 tháng lên 12 tháng kể từ ngày ký kết luận.
Quy định bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe của Thông tư số 24/2015 tồn tại đến nay đã hơn 9 năm, bị cho là bất hợp lý.
Theo kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ chỉ ra bất cập trong quy định về hồ sơ cấp, cấp đổi giấy phép lái xe.
Theo kết luận, tại quy trình cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ có yêu cầu giấy khám sức khỏe của người lái xe, trong đó có chỉ định “xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”.
Tuy nhiên, theo cơ quan thanh tra, kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe.
“Việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn tại thời điểm khám sức khỏe của người đề nghị cấp giấy phép lái xe là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe”, Thanh tra Chính phủ cho hay.
Kết luận nêu báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam xác định từ năm 2021 – 2023, toàn ngành giao thông vận tải cấp hơn 9,9 triệu giấy phép lái xe các loại. Nếu tính đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm, chi phí người dân phải bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý khi khám sức khỏe cấp bằng lái xe là khoảng 350 tỷ đồng.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe theo hướng “bỏ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở” để tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân.
Từ khóa thanh tra chính phủ Bộ Y tế thi bằng lái xe nồng độ cồn khám sức khỏe lái xe