Vụ gây mùi hôi thối đến tức thở: Chủ đầu tư bãi rác Đa Phước bị phạt gần 1,6 tỷ đồng
- Nguyễn Quân
- •
Mắc nhiều lỗi sai phạm như không xây lắp công trình bảo vệ môi trường, không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác theo cam kết, xả nước thải vượt chuẩn ra kênh… chủ đầu tư bãi rác Đa Phước (TP.HCM) bị phạt hơn 1,58 tỷ đồng.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường) đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 1,58 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – đơn vị xử lý môi trường tại bãi rác Đa Phước.
5 vi phạm trong vận hành được xác định sau khi kiểm tra như sau:
Thứ nhất, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Cụ thể, Công ty đã không xây lắp, cải tạo các module xử lý nước rỉ rác với tổng công suất là 6.080 m3/ngày/đêm theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, mà chỉ có các module xử lý nước thải với công suất thiết kế là 4.280 m3/ngày/đêm của dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 3.000 tấn/ngày.
Ngoài ra, không xây lắp bổ sung công trình xử lý nước thải cho dự án nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày, dẫn đến hiện nay, công ty đang lưu giữ trái quy định 700.000 m3 nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Thứ hai, không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp số 2.
Thứ ba, không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành. Công ty đã chôn lấp rác đạt công suất trên 3.000 tấn/ngày từ tháng 3/2015 nhưng chưa được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Thứ tư, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24h) đến dưới 1.200 m3/ngày (24h) (nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải MBR có công suất xử lý thực tế 1.000 m3/ngày/đêm)
Đối với hành vi này, công ty bị phạt tăng thêm 10% của mức phạt tiền đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nêu trên với thông số tổng phốt pho vượt 1,4 lần.
Thứ năm, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày (24h) đến dưới 2.500 m3/ngày (24h) (nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý hóa lý có công suất xử lý thực tế khoảng 2.200 m3/ngày/đêm).
Nước thải của công ty đều được xả ra kênh Rạch Ngã Cạy.
Ngoài xử phạt hành chính với tổng số tiền 1,585 tỷ đồng, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam phải có biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm, như hoàn thành và vận hành thường xuyên các công trình, hệ thống xử lý nước thải; chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định và nhanh chóng xử lý toàn bộ khối lượng nước rỉ rác đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2…
Báo cáo kế hoạch khắc phục lên Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM và Tổng cục Môi trường trước ngày 30/6; báo cáo việc hoàn thành khắc phục các hậu quả vi phạm trước ngày 31/8.
Nếu công ty không chấp hành theo quyết định xử phạt, Tổng cục Môi trường cho biết sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
Đây là kết quả kiểm tra, xử lý sau khi vào tháng 12/2016, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình ra yêu cầu Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ ngành và UBND TP.HCM làm rõ các sai phạm của bãi rác Đa Phước theo nội dung đơn tố cáo của ông Đoàn Văn Đức.
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) là công ty 100% vốn nước ngoài. Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn hơn 32 triệu USD, được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007. Năm 2016, bãi rác Đa Phước được xác định là nguyên nhân gây ra mùi hôi thối ở khu vực Nam Sài Gòn (rõ nhất vào tháng 8, tháng 9), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của dân cư. Trước đó, vào đầu năm 2016, Thanh tra TP.HCM kết luận giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Mỗi năm ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng cho việc xử lý chôn lấp rác giá cao khi chuyển 2.000 tấn rác/ngày từ bãi rác Phước Hiệp (UBND TP quyết định đóng cửa vào tháng 2/2014) về Đa Phước. Theo tính toán, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý 1 tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD) so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố. Giới chuyên gia về môi trường tính toán TP.HCM đang cho VWS xử lý 5.000 tấn/ngày, tức là mỗi năm ngân sách phải chi nhiều hơn cho công ty này 3 triệu USD; “và việc đó đã kéo dài gần chục năm nay là điều vô lý“. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa bãi rác Đa Phước ô nhiễm không khí TPHCM Chủ đầu tư bãi rác Đa Phước bị phạt