Vụ khai thác lậu 736 tỷ đồng đất hiếm: Cựu Thứ trưởng được đề nghị án treo
- Phạm Toàn
- •
VKSND TP. Hà Nội đề nghị mức án từ án treo đến 18 năm tù cho 27 bị cáo trong vụ khai thác trái phép đất hiếm tại Yên Bái.
- Trung Quốc thắt chặt xuất cảng đất hiếm sang Hoa Kỳ để trả đũa
- Một công ty ở Bình Dương khai thác trái phép 50.284 m3 đất tầng phủ

Ngày 14/5, VKSND TP. Hà Nội cho biết sau hai ngày xét xử, cơ quan này đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với 27 bị cáo trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm tại Yên Bái, gây thiệt hại lớn.
Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc (SN 1958) bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, với mức án đề nghị 30-36 tháng tù, cho hưởng án treo.
VKS xác định hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương không đủ điều kiện, chỉ có giấy chứng nhận đầu tư đã hết hạn. Tuy nhiên, các cán bộ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sử dụng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011, đề xuất cấp phép. Ông Ngọc, sau khi xem xét, vẫn ký giấy phép khai thác từ năm 2019 đến tháng 10/2023, dẫn đến việc Công ty Thái Dương khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú.
VKS đánh giá ông Ngọc không vụ lợi và có nhiều đóng góp cho lĩnh vực môi trường. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia nghiên cứu, bảo vệ môi trường, nên không cần thiết cách ly khỏi xã hội.
Cùng tội danh trên, ông Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, bị đề nghị 5-6 năm tù. Ông Thuấn khai trong một buổi sinh nhật, ông nhận được bó hoa và giỏ hoa quả từ ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bên trong có 500 triệu đồng. Ông gọi điện trả lại nhưng không được, sau đó quên không xử lý.
Ông Đoàn Văn Huấn bị đề nghị tổng hợp mức án 12-15 năm tù, bao gồm: 5-6 năm tù về tội Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; 4-5 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; và 3-4 năm tù về tội Gây ô nhiễm môi trường. VKS buộc ông Huấn và Công ty Thái Dương nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính, hơn 736 tỷ đồng.
Ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam, đối diện mức án cao nhất, tổng hợp 16-18 năm tù, với 12-13 năm tù về tội Buôn lậu và 4-5 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ năm 2019 đến 2023, ông Tuấn mua hơn 3,5 triệu kg quặng đất hiếm từ Công ty Thái Dương, chế biến và xuất khẩu 473.000 kg sang Nhật Bản, Áo, Trung Quốc, trị giá gần 380 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhóm lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cũng bị xét xử. Ông Hồ Đức Hợp, Giám đốc, bị đề nghị 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù; ông Lê Công Tiến, Phó Giám đốc, bị đề nghị 30-36 tháng tù; và ông Bùi Đoàn Như, Trưởng phòng Khoáng sản, bị đề nghị 24-30 tháng tù. Ngoài ra, 5 cựu cán bộ khác của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở này bị đề nghị 2-5 năm tù.
Bên cạnh đó, VKS làm rõ hành vi buôn lậu đất hiếm sang Trung Quốc. Từ tháng 10 đến tháng 11/2021, ông Lưu Đức Hoa (quốc tịch Trung Quốc) mua 2.160 tấn quặng đất hiếm từ ông Huấn, ngụy trang dưới dạng “hỗn hợp chất Oxalate” trong bao bì ghi “Bảo Khang Rice”, xuất khẩu qua cảng Đình Vũ, Hải Phòng.
Ông Trần Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dương Liễu Logistics, hỗ trợ xuất khẩu hơn 200 tấn đất hiếm, trị giá 501.950 USD (khoảng 12,8 tỷ đồng).
VKS đánh giá vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, nhưng xem xét tình tiết khoan hồng với một số bị cáo.
Trong 27 bị cáo, hai bị cáo được đề nghị mức án bằng thời gian tạm giam, trả tự do tại tòa; 4 bị cáo được đề nghị án treo; các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24 tháng đến 18 năm tù.
Hiện các bị cáo đã nộp hơn 30 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Từ khóa án treo Công ty Thái Dương Hà Nội buôn lậu khai thác đất hiếm cựu thứ trưởng
