Vụ “thi thể trong bê tông”: Nhiều thông tin bị để “ẩn”?
- Xuân Tường
- •
Trong các ngày 19/5, 23/5, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra vụ án mạng giết người, phi tang xác trong bê tông phát hiện tại tỉnh này. Tuy nhiên, diễn biến truyền thông kết hợp thông tin do người từng tiếp xúc với nhóm Thiên Hà cung cấp cho thấy vụ việc có nhiều điểm khuất tất trong việc công bố thông tin.
- Vụ “thi thể trong bê tông”: Những điều còn bỏ ngỏ
- Pháp Luân Công là gì, nhân vụ việc án mạng tại Bình Dương
- Vụ “thi thể trong bê tông”: Thay đổi danh tính một trong 4 nghi phạm
1. Thông tin nhóm Thiên Hà không tu Pháp Luân Công đã được cung cấp cho công an từ trước
Theo xác nhận của chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ Nha Trang) và cô Lê Phú Hạnh (ngụ Bình Dương), trong các ngày 17-18/5, cả hai người cùng được công an mời lên cung cấp lời khai liên quan tới nhóm Thiên Hà – nhóm nghi phạm trong vụ án mạng tại Bình Dương.
Đáng chú ý, cả hai người làm chứng nói trên đều cung cấp thông tin nhóm Thiên Hà không tu theo Pháp Luân Công cho công an. Song, thông tin về nhóm nghi phạm gắn liền với môn tu luyện Pháp Luân Công vẫn được công bố tràn ngập trên mặt báo từ ngày 18/5 tới nay.
Cụ thể, chị Hồng cho biết khoảng 5-6h tối ngày 17/5, một người bạn gọi điện cho cô nói rằng có Công an tỉnh Bình Dương ra Nha Trang muốn điều tra về nhóm Thiên Hà, do chị là người đã gặp nhóm người này trước khi họ rời khỏi Nha Trang.
Theo chị Hồng, ban đầu chị cho rằng đã gặp nhóm đó cách đây 1 năm (tháng 10/2018 – chú thích), sau đó không liên lạc nữa, cảm thấy không còn liên quan tới nhóm người này nên từ chối gặp công an. Sau đó, chị nghĩ công an ra thu thập thông tin để điều tra mà họ không được biết, họ vẫn nghĩ Thiên Hà tu luyện Pháp Luân Công thì sẽ tạo ra thông tin bất lợi cho môn tu luyện này. “Trong khi mình biết rõ rằng Thiên Hà không tu luyện Pháp Luân Công nữa thì tại sao mình lại không đi ra nói?” – chị Hồng nhớ lại.
Sau khi cân nhắc, chị Hồng đồng ý gặp công an. Chị Hồng cho biết tối 17/5, chị gặp một công an tên Kiên tại một quán cafe. Kiên không ghi chép, chỉ xin phép ghi âm. Chị Hồng cho biết chị nói về tất cả những biểu hiện của Thiên Hà và nhóm người đi cùng, nhận định họ đã không còn tu luyện Pháp Luân Công với công an tên Kiên.
Sau đó, công an tiếp tục liên lạc hẹn gặp chị Hồng vào sáng hôm sau (18/5). Lúc 6h sáng ngày 18/5, tại trụ sở Công an tỉnh Nha Trang, chị Hồng gặp 3 người công an, trong đó có Kiên, một người ghi chép văn bản, người còn lại là thủ trưởng của Kiên. Chị Hồng cho hay lúc này chị lại phải nói lại từ đầu những lời mà công an tên Kiên ghi âm lại vào tối hôm trước. Tại thời điểm này, công an đã bắt được nhóm Thiên Hà – tình nghi là nghi phạm trong vụ án mạng tại Bình Dương vào lúc 1h đêm.
Tương tự, trong hai ngày 17-18/5, cô Hạnh tại Bình Dương cũng được công an mời lên cung cấp lời khai về nhóm Thiên Hà.
Cô Hạnh cho hay ngày 17/5, Công an phường Phú Hòa mời cô lên để làm hộ khẩu điện tử. Cô Hạnh lên trụ sở công an phường, ngồi viết kê khai hộ khẩu. Khoảng 9h, công an phường cho biết không cần làm nữa, có mấy anh bên công an hình sự tỉnh mời cô lên hỗ trợ để lấy lời khai vụ án hai người chết trên Bàu Bàng.
Cô Hạnh cho hay lúc đó cô mới biết về vụ việc và đi theo công an lên tỉnh luôn để cung cấp lời khai. Cô Hạnh nói toàn bộ những gì mình biết về nhóm Thiên Hà, với những hành vi, biểu hiện không còn là tu theo Pháp Luân Công, như hút thuốc, uống rượu…
Cô Hạnh cho hay khai tới hơn 9h tối thì họ cho về, nói về cố nhớ lại những gì biết về Thiên Hà, mai lên bổ sung thêm. Ngày 18/5, cô lên cho lời khai và khoảng 10h sáng thì về. Vào thời điểm này, các kênh thông tin đã công bố thông tin Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ 4 nghi phạm trong vụ án, trong đó có tên của cô – Lê Phú Hạnh (ngụ Bình Dương) nằm trong danh sách nghi phạm.
Như vậy, thông tin nhóm Thiên Hà không tu theo Pháp Luân Công đã được cả 2 người làm chứng cung cấp độc lập cho phía Công an tỉnh Bình Dương. Vậy vì sao thông tin về nhóm nghi phạm gắn liền với Pháp Luân Công vẫn được công bố tràn ngập trên mặt báo từ ngày 18/5 tới nay, mà không có bất cứ thông tin đối chứng nào đi kèm? Vì sao Pháp Luân Công lại trở thành trọng tâm đưa tin với hàm ý là “nguyên nhân gây ra án mạng” của nhóm nghi phạm, trong khi 2 người làm chứng với 4 lần cung cấp lời khai đã cho hay nhóm nghi phạm không tu Pháp Luân Công?
Việc truyền thông gắn liền Pháp Luân Công với nhóm nghi phạm là do lực lượng chức năng sơ suất trong cung cấp thông tin cho báo chí, hay do báo chí sai sót trong săn tin và vội vã kết luận? – câu hỏi này còn đang bỏ ngỏ.
2. Sai danh tính nghi phạm, từ chối cải chính
Đại Kỷ Nguyên ngày 23/5 đăng một clip dài hơn 11 phút, với nội dung phỏng vấn cô Lê Phú Hạnh khi cô này bị cho là một trong 4 nghi phạm của vụ án mạng tại Bình Dương.
Theo nội dung phỏng vấn, cô Hạnh xác nhận trong hai ngày 17-18/5, cô Hạnh (ngụ Bình Dương) lên công an tỉnh cung cấp lời khai về nhóm Thiên Hà. 10h sáng ngày 18/5, cô Hạnh trở về nhà.
Vào thời điểm này, bắt đầu từ 2h30 sáng ngày 18/5, các kênh truyền thông đồng loạt đăng tin 4 nghi phạm trong vụ án bị Công an tỉnh Bình Dương bắt ngay trước cổng khu dân cư Tiamo Phú Thịnh (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) khi đang trên đường bỏ trốn. Tên và ảnh của cô Lê Phú Hạnh nằm trong danh sách nghi phạm. Cô Hạnh hoàn toàn phủ nhận thông tin này: “Nó hoàn toàn là bịa đặt. Lúc đó cô đang ở nhà, làm sao có chuyện ngồi chung ô tô với Hà để bị bắt được“.
Theo nguồn tin của Trí thức Việt Nam, sau khi biết danh tính 4 nghi phạm được công bố qua báo chí, ngay trong ngày 18/5, cô Hạnh đã đến Công an tỉnh Bình Dương, hỏi vì sao có việc đưa thông tin sai, lấy hình từ trên facebook của cô gắn kèm tên tuổi, địa chỉ cư trú. Tuy nhiên, công an phủ định việc cung cấp thông tin và cho hay chờ xử án xong sẽ chỉnh sửa lại.
4 ngày sau sự việc – ngày 22/5, một số trang báo lớn “lặng lẽ” sửa đổi danh tính của nghi phạm, trong đó Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (40 tuổi, ngụ TP.HCM) được thay thế cho Lê Phú Hạnh (54 tuổi, ngụ Bình Dương), không kèm thông tin cải chính hay xin lỗi hoặc chịu trách nhiệm đối với người bị làm tổn hại. Đến sáng ngày 24/5, vẫn có trang tin dẫn hình cô Hạnh để chỉ nghi phạm Nguyễn Ngọc Tâm Huyên.
Cô Hạnh cho biết sau khi báo chí đưa tin cô nằm trong nhóm nghi phạm giết người, cuộc sống của cô bị xáo trộn, hàng xóm xa lánh, khiến cô khổ tâm. Trước tình trạng báo chí đưa tin sai lệch không thể kiểm soát, cô Hạnh bày tỏ mong muốn báo chí có bài đính chính, xin lỗi, giúp cô lấy lại danh dự và uy tín, để không ảnh hưởng đến tương lai của con cô.
Theo quy định, trách nhiệm cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí trong vụ việc phức tạp có liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn là của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương. Trường hợp báo chí phản ánh thông tin không đúng sự thật hoặc không đầy đủ về các vấn đề thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, thì Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm yêu cầu cơ quan báo chí đó đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật (Điều 7, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công an, ban hành kèm Quyết định số 6263/QĐ-BCA ngày 12/11/2013 của Bộ Công an).
Tuy nhiên, việc cải chính đến nay vẫn chưa được thực hiện. Vì sao trong một vụ trọng án lại có sai sót về danh tính nghi phạm, còn việc sửa đổi thì diễn ra chậm trễ? Đặc biệt là khi tên của nghi phạm công bố sai lại là tên của người vừa đến cơ quan công an để cung cấp thông tin? Điều này bộc lộ điểm khuyết thiếu đối với trách nhiệm của cơ quan chức năng trước việc bảo đảm thông tin truyền thông là đúng sự thật, như quy định nêu trên đã nêu rõ.
3. Cách thức đưa tin kiểu “chỉ tang mạ hòe”?
Theo nguyên tắc “Suy đoán vô tội” thể hiện tại Điều 13, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, trong vụ án mạng tại Bình Dương, yếu tố truyền thông đã đẩy vụ việc lên đến đỉnh điểm của sự công kích. Trước khi có phán quyết của tòa án, phần đông dư luận đã tự kết luận nghi phạm là tội phạm và nguồn gốc gây tội ác là do “tà đạo”. Mặc dù vậy, nhìn lại sơ lược diễn biến truyền thông của vụ án có thể thấy một vài điểm bất hợp lý.
Từ ngày 18/5, sau khi các nghi phạm bị tạm giữ, các bản tin cập nhật về vụ án bắt đầu được đưa kèm theo các cụm từ “giáo phái”, “giáo phái chưa được công nhận”, “P.L.C”, “Pháp Luân Công”, “Pháp luân công”. Trong hai ngày 18-19/5, các cụm từ này dần được gỡ bỏ, hoặc thay thế bằng cụm từ khác; một số bản tin vẫn giữ nguyên. Sang các ngày 20-21/5 (sau khi khởi tố vụ án), một số kênh thông tin tiếp tục xuất bản các bài viết xoay quanh vụ việc gắn liền với cụm từ “Pháp Luân Công”.
Trong các ngày 22-23/5, việc nói thẳng “Pháp Luân Công” được giảm thiểu, thay thế bằng cụm từ “giáo phái lạ”. Sang ngày 24/5, mở đầu bằng thông tin vụ án, một số bài báo nhằm chỉ ra tu luyện của Pháp Luân Công sẽ dẫn đến trạng thái cực đoan, thậm chí có những bài viết tập trung hoàn toàn vào yếu tố Pháp Luân Công, như “Những biến tướng của Pháp luân công”, “Pháp luân công nằm trong danh sách 11 tà giáo gây hại nhất”…
Với dòng thông tin được dẫn dắt như trên, kết hợp hành vi gây án, phi tang xác được miêu tả chi tiết qua các bản tin cập nhật, truyền thông trở thành chất xúc tác đẩy tư duy của số đông người đọc sang kết luận trạng thái tinh thần bất thường do tu luyện Pháp Luân Công là nguyên nhân dẫn tới hành vi giết người.
Tuy nhiên, theo tội phạm học, diễn biến tâm lý bên trong của người gây tội chỉ là một trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Các yếu tố cấu thành tội phạm gồm chủ thể phạm tội, diễn biến tâm lý bên trong của người gây tội, đối tượng bị gây hại, hậu quả của hành vi. Phải có đủ 4 yếu tố này mới cấu thành tội phạm. Thiếu một trong 4 yếu tố này, thì không phải là tội phạm.
Thực tế, bên cạnh phần đông người đọc bị cuốn theo dòng sự kiện, một bộ phận công chúng dần đi tới thắc mắc, hay đặt dấu hỏi về phương thức truyền thông “chỉ tang mạ hòe” (chỉ cây dâu để mắng cây hòe) diễn ra trong hơn một tuần qua đối với vụ án mạng tại Bình Dương.
Theo thống kê sơ bộ, từ ngày 15/5 đến sáng ngày 24/5, tổng cộng 307 tin, bài chứa từ khóa “thi thể” “xác chết” “bê tông”. Từ ngày 18/5 bắt đầu xuất hiện thêm từ khóa “Pháp Luân Công”, “giáo phái lạ”. Cụ thể, từ ngày 18/5 đến sáng ngày 24/5, tổng cộng 241 tin, bài từ khóa “thi thể” “xác chết” “bê tông” “Pháp Luân Công”; 242 tin bài chứa từ khóa “thi thể” “xác chết” “bê tông” “giáo phái lạ” . Bình quân 30~34 tin, bài về vụ án được xuất bản mỗi ngày (1,2~1,4 tin, bài mỗi giờ), trong đó, vụ án được gắn liền với cụm từ “Pháp Luân Công”, “giáo phái lạ”.
Vụ án mạng tại Bình Dương được đưa tin gắn liền với cụm từ “Pháp Luân Công”, “giáo phái lạ” với bình quân 30~34 tin, bài được xuất bản mỗi ngày (1,2~1,4 tin, bài mỗi giờ)
***
Chiều ngày 23/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thiên Hà (SN 1988), Trịnh Thị Hồng Hoa (SN 1953), Lê Ngọc Phương Thảo (SN 1990), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (SN 1979), tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi “Giết người” trong vụ án phát hiện tại Bình Dương.
Về mặt truyền thông, tính tới thời điểm hiện tại, vụ án tiếp tục được cập nhật với các thông tin xoay quanh “Pháp Luân Công” hay “giáo phái lạ”. Điều này có thể thúc đẩy lối tư duy quán tính, sớm kết luận “Pháp Luân Công” hay “giáo phái lạ” là tác nhân gây nên vụ trọng án. Song nhìn từ phương diện khác, cách đưa tin “kỳ lạ” trong thời gian qua có thể là chất xúc tác thúc đẩy dân chúng tò mò hơn tìm hiểu sự thật về Pháp Luân Công.
Xuân Tường
Từ khóa Pháp Luân Công là gì Pháp Luân Công Phạm Thị Thiên Hà thi thể trong bê tông Dòng sự kiện thi thể trong bê tông ở Bình Dương