Vụ thi thể trong bê tông: Nghi can tập phương thức lạ, khác Pháp Luân Công
- Bảo Minh
- •
Lời khai mới nhất của nghi can vụ “thi thể trong bê tông” ở Bình Dương cho thấy nhóm này đã tập một phương thức lạ khác chứ không phải Pháp Luân Công trước thời điểm xảy ra vụ án.
- Vụ “thi thể trong bê tông”: Những điều còn bỏ ngỏ
- ‘Tôn giáo’ và ‘tu luyện’ – cuộc đàn áp Pháp Luân Công nhìn từ góc độ này
- Pháp Luân Công là gì, nhân vụ việc án mạng tại Bình Dương
Tối ngày 23/5, VTC News đăng tin về lời khai mới của các nghi can trong vụ án người chết tìm thấy trong bê tông ở Bình Dương, trong đó có tình tiết trước thời điểm xảy ra vụ án gần 1 năm, những nghi can liên quan tập luyện theo một phương thức lạ khác chứ không phải Pháp Luân Công.
Theo lời khai mới thì các đối tượng cùng hai nạn nhân trước kia có tập luyện Pháp Luân Công và sau đó chuyển sang tập một phương thức lạ chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên môn “lạ” đó là gì thì cơ quan chức năng chưa công bố.
Vào tháng 10/2018, nhóm này bắt đầu đến thuê căn nhà ở Ấp 5, xã Hưng Hoà, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương để tập luyện một phương thức lạ.
Đến tháng 12/2018, các đối tượng chuyển đến Bà Rịa Vũng Tàu thuê một căn villa tiếp tục tập luyện, theo đó phải trải qua hai giai đoạn gọi là “tẩy tịnh” – tẩy bỏ những dơ bẩn của cơ thể và “tịch cốc” – không ăn cho đến khi thành chánh quả.
Theo lời khai của nghi can Phạm Thị Thiên Hà, “tịch cốc” (nhịn ăn) được khoảng 10 ngày thì anh Trần Đức Linh (quê Nghệ An) đã không chịu đựng nổi khổ hạnh và nhảy lầu bỏ trốn. Khi phát hiện, nhóm đối tượng dìu anh Linh lên phòng mà không đưa đi cấp cứu, và sau đó anh Linh đã tử vong.
Trí thức VN đã trao đổi với một vài học viên tập luyện Pháp Luân Công ở Việt Nam về tình tiết trên và được cho biết trong giáo lý của Pháp Luân Công không hề có những nghi thức liên quan đến “tẩy tịnh” hay “tịch cốc”.
“Người tu Pháp Luân Công lấy việc tu dưỡng tâm tính theo Chân – Thiện – Nhẫn và luyện 5 bài công pháp làm cơ sở. Ngoài ra, sinh sống và làm việc tại xã hội như người bình thường, không bỏ nhà cửa tập hợp cùng nhau để tu như vậy, cũng không có chuyện phải nhịn ăn (tịch cốc) hay tự tẩy rửa bản thân” – học viên N.X.H (Hà Nội) chia sẻ.
Chị H. cho biết, kể cả họ tu tập gì, thì trước khi đưa ra kết luận báo chí nên xem xét giáo lý môn đó có những điều như thế hay không, đừng vội quy chụp từ hành vi của một cá nhân ra nhận định về một tôn giáo hay giáo phái.
Một học viên khác là anh N.M.H (Hà Nội), khẳng định những người trên không phải tu luyện Pháp Luân Công vì môn tập này nghiêm cấm sát sinh, bao gồm cả tự sát.
Cô Lê Phú Hạnh (SN 1965, ngụ phường Phú Hoà, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) – một trong những người ban đầu được truyền thông nhà nước nêu tên và hình ảnh cho rằng là nghi can của vụ án nhưng sau đã gỡ tên, trong video phỏng vấn trực tiếp cho kênh Đại Kỷ Nguyên đã cho biết, trước đây có tiếp xúc với nhóm của Phạm Thị Thiên Hà từ tháng 9/2017, nhưng sau đó đã cắt đứt liên lạc từ tháng 10/2018 do thấy biểu hiện của nhóm Thiên Hà có những hành vi như hút thuốc, uống rượu – không phải pháp lý mà Pháp Luân Công dạy.
Cô Hạnh cũng cho biết kể từ khi “bị” báo chí đưa thông tin sai lệch lên mạng đã khiến cuộc sống đảo lộn, hàng xóm xa lánh. Cô Hạnh bày tỏ mong muốn báo chí Việt Nam cần đưa thông tin cải chính liên quan đến cá nhân cô để không gây ảnh hưởng tới uy tín của cô cũng như tương lai của con cái cô sau này.
Bảo Minh
Từ khóa Pháp Luân Công Dòng sự kiện thi thể trong bê tông ở Bình Dương Pháp Luân Công là gì