Bác sĩ TQ khoe thực hiện 100 ca ghép phổi, nguồn gốc nội tạng bị đặt câu hỏi
- Ninh Tâm
- •
Gần đây, ông Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu), phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Vô Tích ở tỉnh Giang Tô, khoe trên Internet rằng ông đã thực hiện 100 ca phẫu thuật ghép phổi vào năm 2024, khiến cư dân mạng đặt câu hỏi về nguồn gốc phổi hiến tặng. Một người đàn ông đến từ Quảng Đông nói với Epoch Times về ca ghép phổi của mình, ông nói bệnh viện cho biết thời gian chờ tối thiểu để được ghép phổi là 1 hoặc 2 ngày là có người hiến tặng.
Tài khoản Weibo của bác sĩ Trần có tên là “Những lời nói chân thành của Trần Tĩnh Du”, đã xác nhận ông là phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Vô Tích, đại biểu Nhân đại toàn quốc (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc) khóa 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong hồ sơ Weibo của mình, ông tự nhận là người hướng dẫn tiến sĩ, giám đốc phẫu thuật lồng ngực và giám đốc khoa ghép phổi; mỗi sáng thứ Hai, ông đều làm việc tại phòng khám ngoại trú trên tầng ba của Trung tâm khám bệnh đặc biệt của Bệnh viện Nhân dân Vô Tích; mỗi chiều thứ Năm, ông làm việc ở phòng khám ngoại trú của Khoa Quốc tế thuộc Cơ sở Tân Giang của Bệnh viện số 2 thuộc Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu. Ông được mệnh danh là “người ghép phổi số 1 Trung Quốc”.
Vào ngày 2/1 năm nay, Trần Tĩnh Du đã đăng trên Weibo rằng ông đã thực hiện 205 ca ghép phổi ở Vô Tích và 165 ca ghép phổi ở Hàng Châu vào năm 2023, ngoài ra còn có các cuộc hội chẩn phẫu thuật trên khắp Trung Quốc.
Vào ngày 18/7, Trần Tĩnh Du lại đăng bài khoe rằng ông đã “chạy đi chạy lại” giữa Vô Tích và Hàng Châu, đã hoàn thành ca ghép phổi kép trong một ngày. Ca phẫu thuật tại Bệnh viện số 2 của Đại học Chiết Giang đã trở thành ca ghép phổi thứ 100 của ông trong năm nay. Bài đăng này của ông có 2.882 bình luận, nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi về nguồn gốc nội tạng.
Phóng viên của Epoch Times đã liên hệ với Lưu Hạo (hóa danh), một người đàn ông Quảng Đông đã được ghép phổi cách đây vài năm. Ông mắc bệnh bụi phổi do công việc và phải lựa chọn biện pháp ghép phổi để kéo dài mạng sống.
Ca phẫu thuật cấy ghép của Lưu Hạo là do ông Trần Tĩnh Du thực hiện. Lưu Hạo cho biết tình trạng thể chất hiện tại của ông về cơ bản giống như người bình thường, nhưng không thể làm công việc nặng nhọc và phải dùng thuốc chống đào thải suốt đời.
Khi đó, Lưu Hạo đến Vô Tích để phẫu thuật vì ngưỡng mộ ông Trần Tĩnh Du. Lưu Hạo nói với phóng viên rằng lần đầu tiên ông mang hồ sơ bệnh án của mình đến Bệnh viện Nhân dân Vô Tích để ông Trần Tĩnh Du chẩn đoán và đánh giá, đồng thời tiến hành nhiều cuộc kiểm tra khác nhau. Chỉ khi bác sĩ tin rằng có thể thực hiện được ca cấy ghép, thì ông mới được đưa vào danh sách cấy ghép, và sau đó là cần chờ đợi một nguồn cung phù hợp.
Ông cho biết, lúc đó ông đã thuê một căn nhà gần bệnh viện và đợi khoảng 10 ngày thì có người hiến tạng. “Người hiến tạng phải được đánh giá độ phù hợp, chiều cao và kích thước phải phù hợp, cần xếp hàng, thời gian chờ đợi muộn nhất có thể kéo dài đến nửa năm và nhanh nhất là một hoặc hai ngày.”
Ca phẫu thuật ghép phổi của ông Lưu Hạo tiêu tốn tổng cộng khoảng 700.000 nhân dân tệ (khoảng 97.000 USD), bao gồm thuốc men, phí hiến tặng, phí phẫu thuật, v.v. Chi phí tự chi trả cho thuốc vượt quá 200.000 nhân dân tệ (khoảng 28.000 USD) và chi phí của người hiến tặng là 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.000 USD).
Ông nói với các phóng viên rằng 20 hoặc 30 đồng nghiệp của ông cũng đã trải qua ca phẫu thuật ghép phổi giống ông. Ông Trần Tĩnh Du thực hiện từ 200 đến 300 ca phẫu thuật ghép phổi mỗi năm cho các bệnh nhân đến từ Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hà Nam, Bắc Kinh, Sơn Đông và những nơi khác. Ông đã tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân ghép phổi, trẻ nhất là 2 tuổi và lớn nhất là 82 tuổi.
Phóng viên của Epoch Times dùng thân phận là bệnh nhân, đã gọi điện đến Khoa Cấy ghép của Bệnh viện Nhân dân Vô Tích, một nhân viên lễ tân xác nhận rằng bệnh viện thực hiện từ 100 đến 200 ca ghép phổi mỗi năm. Nhân viên lễ tân này nói rằng trước tiên phải đến bệnh viện để được bác sĩ đánh giá. Nếu vượt qua bước đánh giá thì sẽ được đưa vào danh sách cấy ghép, sau đó phải đợi. “Có người sẽ nhận được ngay khi họ đến, một số người có thể phải đợi cả năm”.
Nhân viên này cũng nói với các phóng viên: “(Cấy ghép) 1 lá phổi có giá 500.000 nhân dân tệ (khoảng 70.000 USD) và 2 lá phổi có giá 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 140.000 USD).”
Khi phóng viên hỏi về nguồn gốc của các nguồn cung phổi, nhân viên này nói rằng anh không biết, vấn đề này chỉ có thể hỏi bác sĩ.
Lưu Hạo cho biết, các bác sĩ sẽ không tiết lộ thông tin của người hiến tặng, “với tư cách là một bệnh nhân, thì họ cũng không cho bạn biết”. Ông nói rằng khi bệnh nhân thực hiện loại phẫu thuật cấy ghép này, về cơ bản họ không hỏi bác sĩ về những tình huống này.
Việc ông Trần Tĩnh Du khoe khoang trên Internet khiến cư dân mạng đặt câu hỏi về nguồn gốc cơ quan nội tạng được hiến tặng. Bản thân ông Trần đã phản ứng bằng cách đăng một bài viết lên mạng cho rằng người hiến tặng là bệnh nhân chết não.
Có cơ sở pháp lý nào cho việc sử dụng nội tạng của người “chết não” trong phẫu thuật cấy ghép? Trên thực tế, ông Trần Tĩnh Du đã đề xuất tại kỳ họp “lưỡng hội” của ĐCSTQ kể từ năm 2015 về việc cần nhanh chóng lập pháp càng sớm càng tốt về chết não.
Trên thực tế cho đến nay, phương pháp xác định tử vong được pháp luật Trung Quốc công nhận là chết tim, và nó luôn được coi là tiêu chí duy nhất để xác định tử vong, tức là định nghĩa tử thi theo luật hiện hành của Trung Quốc vẫn lấy chết tim làm tiêu chuẩn thống nhất. Tuy nhiên, tim của người chết não vẫn chưa ngừng đập, và tim chưa đạt đến trạng thái chết tim khi lấy nội tạng, từ góc độ pháp lý, thân thể này nên được cho là “còn sống”, và “hành vi lấy nội tạng từ người sống” là một tội nghiêm trọng, bác sĩ sử dụng dao mổ phải bị trừng phạt theo luật hình sự.
Ngay từ năm 2016, ông Trần Tĩnh Du đã bị Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) điều tra. Ông ta bị nghi ngờ tham gia sâu vào việc thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công, và bị nghi ngờ liên quan đến hành vi phạm tội diệt chủng và giết người.
Nguồn nội tạng chính: Người tập Pháp Luân Công bị giam giữ trái phép
Vào ngày 28/6, WOIPFG đã công bố “Báo cáo điều tra về tội ác cấp nhà nước của ĐCSTQ, thu hoạch số lượng lớn nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống (Giai đoạn điều tra: 2020-2023)”. Báo cáo xác nhận rằng tội ác thu hoạch nội tạng từ người tập Pháp Luân Công còn sống của ĐCSTQ là nghiêm trọng và vẫn tiếp diễn.
WOIPFG liệt kê những bằng chứng mới nhất trong báo cáo: Nhà phê bình kinh tế Nhật Bản Ushio Sugawara đã làm chứng rằng ông đã chứng kiến một người là nguồn cung nội tạng, là một người tập Pháp Luân Công ở độ tuổi 20 bị cắt gân tay và chân; ông Lục Thụ Hằng (Lu Shuheng), một người Mỹ gốc Hoa đến từ California, tố cáo rằng người thân của ông đã tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng tàn bạo người tập Pháp Luân Công mà không gây mê tại Bệnh viện Cảnh sát Vũ trang Thượng Hải, v.v.
Vào ngày 22/6/2016, cựu Quốc vụ khanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Canada – ông David Kilgour (đã qua đời) và luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã hợp tác với nhà báo điều tra người Mỹ Gutmann để công bố báo cáo điều tra mới nhất về nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ— “Thu hoạch nội tạng đẫm máu / Đại thảm sát: Phiên bản cập nhật” (Bloody Harvest/The Slaughter: An Update). Họ tuyên bố rằng trong 15 năm qua, ước tính có khoảng 1,5 triệu ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng đã được thực hiện ở Trung Quốc Đại Lục. Nguồn nội tạng chính là từ người tập Pháp Luân Công.
Vào ngày 25/6 năm nay, Hạ viện Mỹ đã thông qua ‘Dự luật Bảo vệ Pháp Luân Công‘, đây là dự luật đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt pháp lý đối với tội ác thu hoạch nội tạng từ người tập Pháp Luân Công còn sống một cách tàn bạo của ĐCSTQ. Vào ngày 31/7, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã giới thiệu ‘Dự luật bảo vệ Pháp Luân Công’ tại Thượng viện Hoa Kỳ.
ĐCSTQ tuyên truyền hiến tạng, số lượng thanh thiếu niên mất tích tăng đáng kể
Vào ngày 28/4 năm nay, 14 cơ quan bao gồm Ủy ban Y tế quốc gia, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và Liên đoàn Chữ thập đỏ Trung Quốc cùng ban hành “Ý kiến về thúc đẩy Phát triển lành mạnh của việc hiến tạng người”, khuyến khích người dân ký vào đơn đồng ý hiến tạng tự nguyện.
Văn kiện này nêu rõ, cần phấn đấu đạt mức tăng hơn 10% về số lượng đăng ký tự nguyện hiến tạng người hàng năm trong 5 năm tới, và phấn đấu đạt tỷ lệ hiến tặng quốc gia trên một triệu người trong vòng 5 năm, đạt được mục tiêu 8%; cũng cần tích cực tạo ra bầu không khí xã hội với việc hiến tặng là vinh quang.
Ngay khi tin tức này xuất hiện, đã vấp phải sự phản đối rất lớn từ cư dân mạng. Một số người cho rằng:
“Hãy ngừng biểu diễn, bên dưới sân khấu đã không còn khán giả.”
“Ai khuyến khích đề xướng thì để người nhà của người đó quyên tặng trước.”
“Hợp pháp hóa mua bán có hợp pháp không? Đáng sợ!”
Phương Minh (hóa danh), một công dân Bắc Kinh, nói với phóng viên Epoch Times rằng bản thân ông sẽ không hiến tạng và cũng sẽ nói với gia đình và bạn bè của mình đừng hiến tạng, “Ai hiến tạng thì sẽ tuyệt giao với người đó, không bán mạng cho những nhóm lợi ích kia được”.
Ông cũng nói: “Nó đi ngược lại đạo đức. Nếu không được kiểm soát, có thể bị mất con và bị thu hoạch (nội tạng)”.
Ông còn cho biết, hiện nay con ông ngày nào cũng được đưa đón vì ông hoàn toàn không yên tâm, nếu nhà trường tổ chức khám sức khỏe thì nhiều phụ huynh rất lo lắng, trong đó có việc tiêm chủng do nhà trường tổ chức, v.v. Cha mẹ sẽ bảo con cái họ không tham gia.
“Con gái tôi năm nay 16 tuổi, nếu nhà trường cưỡng chế thì tệ nhất nó sẽ không đi học. Quan trọng là phải giữ được mạng sống.”
Sau khi cơ quan chức năng công bố các tài liệu nêu trên, cư dân mạng lo ngại phát hiện, số lượng thanh thiếu niên trong số những người mất tích gần đây ngày càng gia tăng. Cư dân mạng cũng tiến hành thống kê và đăng tải những hình ảnh lên mạng. Thật đáng sợ khi nhìn thấy những danh sách dài này. Trong danh sách người mất tích được công bố trên mạng gần đây, người ta phát hiện rằng thanh thiếu niên hầu như biến mất mỗi ngày trong vài tháng qua.
Vào ngày 2/8, Chu Hâm Nguyên (Zhou Xinyuan), 18 tuổi, đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã mất liên lạc sau khi rời nhà vào khoảng 9h sáng gần Tông Quan, quận Kiều Khẩu. Phóng viên của Epoch Times đã liên lạc với chị gái của Chu vào ngày 4/8. Người chị cho biết em trai cô vừa mới thi xong đại học và đã nhận được thông báo đỗ đại học. Mọi chuyện vẫn bình thường trước khi em ấy ra ngoài vào ngày thứ 2 và không bao giờ về nhà. Gia đình đã cố gắng hết sức để tìm kiếm, nơi nào có thể tìm đều đã tìm hết, nhưng đều không tìm thấy.
Ngày thứ 6 sau khi Chu Hâm Nguyên biến mất, ngày 7/8, cảnh sát tìm thấy thi thể của Chu. Khi phóng viên của Epoch Times liên lạc lại với người chị gái vào ngày 9/8, cô nói với phóng viên rằng chưa nhìn thấy thi thể và bị cảnh sát đuổi ra ngoài, “vì đây là lần đầu tiên gia đình tôi gặp phải chuyện như vậy và không hề biết phải giải quyết thế nào, cũng không biết vì sao em trai lại bị giết. Bây giờ chúng tôi chỉ chờ kết quả của cảnh sát.”
Phóng viên hỏi cô có nghi ngờ nội tạng bị lấy đi hay không. Cô nói rằng trên mạng có nhiều người nói như vậy, và cô không dám đọc những tin tức đó. Cô không còn muốn nói chi tiết nữa. Cảnh sát cũng yêu cầu cô xóa các bài đăng và video trên Internet và cô cũng không muốn đề cập đến vấn đề này nữa, chỉ muốn vụ việc được phai nhạt dần.
Theo truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin, vào ngày 2/8, Chu Hâm Nguyên lần đầu tiên bắt xe buýt đến bến xe buýt ở Hán Dương. Khoảng 7h tối hôm đó, Chu gọi cho chị gái mình. Người chị nói với truyền thông Đại Lục rằng rõ ràng có một người ở đầu bên kia điện thoại (giọng của một người đàn ông khoảng 30 tuổi) đang dạy em trai mình nói chuyện. Cô cảm thấy em trai mình đang bị kiểm soát, khi cô yêu cầu chuyển sang cuộc gọi video thì bị từ chối. Sau đó, gia đình đã gọi điện cho cảnh sát, video giám sát cho thấy Chu Hâm Nguyên và một ông già lạ mặt bắt taxi trực tuyến và rời khỏi bến xe. Tài xế công nghệ xác nhận cả hai xuống xe tại một ngã tư ở Thái Điện, Vũ Hán. Cảnh sát cho biết, nghi phạm họ Đặng (nam, 64 tuổi) đã bị bắt.
Chu Hâm Nguyên 18 tuổi cao 1,78m và nặng 90 kg, đã tốt nghiệp trung học. Thành tích thi đại học năm nay của Chu rất tốt, không có áp lực thành tích, hơn nữa thân thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, sự thật đằng sau vụ sát hại một cậu bé to lớn như vậy vẫn chưa được hé lộ, và có thể sẽ mãi mãi trở thành một bí ẩn.
Lý Mẫn (hóa danh), có con trai 6 tuổi đã mất tích cách đây 20 năm, đến nay cô vẫn đang tìm kiếm tung tích con, cô nói với Epoch Times rằng trước đây trẻ nhỏ thường dễ mất tích, bị bắt cóc đưa đi bán, nhưng bây giờ việc buôn bán trẻ em 18 tuổi là điều không thể. Cô nói: “Cá nhân tôi rất phản đối việc hợp pháp hóa cấy ghép nội tạng, đặc biệt là hiện nay chúng ta đang ở thời đại big data. Tôi chỉ có thể nói hai câu này, hai câu này đã nói lên tất cả những gì tôi muốn nói. Một số việc chúng ta biết nhưng hiện nay vẫn không cách nào nói ra. Những gì tôi nói thì những người nên hiểu thì có lẽ đều hiểu…”
Từ khóa Mổ cướp nội tạng Thu hoạch nội tạng sống Ghép phổi Trần Tĩnh Du Pháp Luân Công