‘Blogger’ nổi tiếng: Giới trung lưu Trung Quốc sống như thế nào?
Dưới đây là bài viết của một ‘blogger’ nổi tiếng trên mạng Sina Weibo của Trung Quốc, có hơn 3,5 triệu người theo dõi cho đến khi bị khóa tài khoản gần đây. Bài viết thể hiện suy nghĩ của tác giả về chủ đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, một mặt ở Trung Quốc nó là điều cấm kỵ, nhưng mặt khác lại là điều không thể tránh khỏi.
“Gần đây tài khoản Gongyuan@1874 của tôi trên Blog Sina bị đóng cửa bởi các nhà kiểm duyệt vì tôi thảo luận về phim nội địa.
Thực ra, nhiều năm trước, tôi đã từng bị mời “uống trà” (an ninh chất vấn) trong vụ án Yilishen Ponzi. Mặc dù vụ Yilishen được xác nhận bởi một Bí thư thành phố và một ngôi sao chính trị nổi tiếng (Bạc Hy Lai và Triệu Bản Sơn) nhưng rồi nó cũng phá sản. Chủ sở hữu Yilishen bỏ trốn, để lại phía sau sự mất mát trị giá 80 tỷ nhân dân tệ, nhiều tính mạng và gia đình tan vỡ. Mặc dù vậy, vị Bí thư Đảng kia lại được thăng chức và chuyển đến vùng tây nam, rồi vụ việc cũng bị khỏa lấp. Dân mạng có thảo luận về đề tài này trên trang do tôi quản lý vào thời điểm đó. Do vậy tôi bị đội An ninh Quốc gia gọi lên nói chuyện. Họ buộc tôi phải trải qua đào tạo tư tưởng hoặc bị nhốt trong một vài tuần.
Lúc đó tôi không có quan tâm gì đến chính trị. Có thể bạn không tin nhưng tôi không quan tâm đến chính trị kể cả cho đến bây giờ. Nhiều người không biết những điều tôi biết. Tôi không thích nói về công việc của mình trên internet.
Tôi làm video và phim thương mại, video âm nhạc và cho giới nổi tiếng. Chúng rất lãng mạn và chẳng liên quan gì đến chính trị.
Tôi nói với bạn bè rằng tôi không có hứng thú với chính trị, và điều đó đã bắt đầu một cuộc trò chuyện về chính trị. Chỉ đơn giản là tôi không thể chịu được những gì trước mắt. Nhưng thực ra, tôi luôn cảm thấy những cuộc thảo luận này vô nghĩa, bởi vì tôi không có nhiều quyền lực và thật khó để tạo nên bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào. Hầu hết bạn bè tôi được gọi là thuộc hạng trung lưu. Họ lo lắng cả ngày về việc kiếm tiền, mua loại nội thất hay chiếc xe nào và về những khoản chi phí ở trường quốc tế của con họ.
Tôi có một người bạn ở Hồng Kông cho con đi học cưỡi ngựa. Tiền học phí là 20.000 đô Hồng Kông/tháng. Anh ấy làm vậy hoàn toàn vì lý do xã hội, để con anh ta có thể hòa nhập với những đứa trẻ từ các gia đình khá giả và ông bố thì có cơ hội gặp gỡ phụ huynh của bạn con mình.
Có nhiều sự kiện xã hội khác ở Hồng Kông, nhưng anh ấy chưa bao giờ tham dự hoặc quan tâm đến chúng.
Trong quá khứ tôi cũng vậy, các thứ các loại đuổi theo bạn mặc dù bạn thậm chí không quan tâm đến chúng.
Tôi muốn kể về hai câu chuyện nhỏ.
Tôi sống ở Bắc Kinh trong 10 năm và gặp nhiều bạn bè ở đó. Một trong số đó là Wang Dali, một người gốc Bắc Kinh. Anh ấy từng sống ở Đông Thành. Sau khi nhà của họ bị phá dỡ, cha mẹ anh ấy đã sống ở một chỗ chật hẹp tại Nam Xương. Họ thêm tiền để mua một chỗ khác ở gần khu Đông Tứ Hoàn. Tiêu chuẩn sống của anh này khá cao và anh ấy chi 190.000 USD để sửa chữa chỗ ở. Khi đã hoàn toàn dọn về ở thì anh ấy liên tục bị ngứa da và rụng tóc.
Sau đó họ phát hiện ra nguyên nhân là do nguồn nước. Có một nhà máy nhựa ở đây và đất bị nhiễm độc.
Khi các phân khu được phát triển, Cơ quan Bảo vệ Môi trường yêu cầu cơ quan thầu khoáng phải làm sạch đất với chi phí là 90 triệu nhân dân tệ (13 triệu USD). Nhưng những người này đã làm gì? Họ hối lộ các quan chức một vài triệu nhân dân tệ và có được giấy chứng nhận dễ dàng.
Anh bạn tôi đã phải đến tắm ở các cơ sở tắm công cộng và uống nước đóng chai. Anh ấy sống như vậy trong 2 năm mà không có ai thèm quan tâm đến.
Anh ấy đã chi một triệu nhân dân tệ để sửa chữa chỗ này vì muốn có một cuộc sống tốt hơn. Nhưng rồi chẳng ai quan tâm đến anh hay những hàng xóm của anh. Không ai dám lên tiếng, ngay cả trong tin tức cũng không có.
Một người bạn khác ở Bắc Kinh của tôi làm việc trong lĩnh vực thương mại hàng hải. Vợ anh ấy đến từ Thiên Tân. Anh này lúc nào cũng muốn ở vila. Mặc dù thu nhập của anh ấy cao, nhưng một căn hộ ở Bắc Kinh giá trên 10 triệu nhân dân tệ. Khi anh ấy xoay sở để có được tiền đặt cọc, bố vợ anh bị ốm và phải vào bệnh viện. Không có bảo hiểm y tế, bạn tôi phải chi trả toàn bộ số viện phí. Sau khoảng 6 tháng, bố vợ anh qua đời.
Không còn tiền cho vila nữa. Mẹ vợ anh sức khỏe yếu kém nên anh và vợ phải thăm nom thường xuyên. Họ nghĩ đến chuyện mua một vila ở Thiên Tân. Đây có vẻ là một lựa chọn tốt vì giá nhà ở Thiên Tân rẻ hơn và họ có thể chi trả cho một căn nhà kiểu vila và đồng thời còn chăm sóc được cho bà mẹ vợ.
Sau một thời gian dài xem nhà, cuối cùng họ mua một căn 160 m2 có nhiều tầng. Rẻ hơn nhiều so với một căn như vậy ở Bắc Kinh. Họ dùng số tiền còn lại để đặt cọc một chiếc BMW X5.
Mỗi ngày anh ấy lái xe đi làm trên đường cao tốc. Anh này thích lái xe và anh rất hạnh phúc.
Sau đó vợ anh có thai và phải ở nhà với mẹ. Bà mẹ vợ sống trên tầng, còn vợ chồng họ thì sống bên dưới. Kể từ lúc anh ấy sắp xếp tốt, đời sống gia đình cũng trở nên hài hòa.
Cuộc sống êm đềm cho đến một đêm xảy ra vụ nổ lớn. Nhà của họ rung chuyển và nền nhà dường như di động. Những căn nhà gần nhà hàng xóm của anh bị đổ sụp. Anh ấy kể không khác gì bộ phim “Ngày Độc lập”.
Đó là vụ nổ nhà máy hóa chất ở Thiên Tân mà cả thế giới đều đưa tin. Các nhà chức trách sắp xếp cho gia đình anh đến ở trong một khách sạn nhỏ gần đó. Khi anh ấy về nhà lấy một số vật dụng cần thiết thì căn nhà đã bị cảnh sát bao quanh và anh không được phép vào.
Cũng như nhiều cư dân khác, một hôm anh ấy lẻn vào và phát hiện nhà mình bị cướp phá thành một đống hỗn độn. Khi anh khiếu nại với nhà cầm quyền thì được bảo là “hãy tôn trọng tình hình chung”.
Sau một vài tháng trời, công ty bất động sản tìm được một tổ chức thí nghiệm cho biết nhà của họ giờ đã an toàn, có thể về ở được.
Anh ấy hỏi làm sao mà ở được khi có một vết nứt khổng lồ trên tường như thế. Công ty bất động sản bảo anh hãy lấy xi-măng trám lại chỗ đó.
Hiện giờ gia đình anh đang thuê một chỗ ở Thông Châu. Còn nhà của anh ấy thì vẫn ở đó, không được sửa chữa với một vết nứt lớn.
Tôi đã nghĩ sẽ đặt cho 2 câu chuyện này một tiêu đề là “Cuộc sống ảo tưởng của giới trung lưu Trung Quốc”. Nhưng chắc là nó sẽ bị xóa mất nên tôi quyết định không đặt tên như vậy.
Vì sao tôi gọi đó là một ảo tưởng? Bởi vì cứ khi nào bạn nghĩ bạn đang có một cuộc sống tốt thì nó có thể dễ dàng biến mất một cách đột ngột.
Các bạn tôi và tôi kiếm tiền cũng khá. Chúng tôi có thể chi trả cho một cuộc sống thoải mái ở một thành phố lớn. Nhưng cuộc sống này có thể biến mất vì bất kỳ lý do gì, chẳng hạn như đất độc hại, các vật liệu nguy hiểm được lưu trữ gần đó hay thậm chí vì sương mù.
Tất cả những thứ này đều có liên quan đến chính trị. Tôn Trung Sơn từng nói rằng hễ còn có con người thì chính trị còn tồn tại. Chính trị là một phần của đời sống. bạn nói bạn không quan tâm về chính trị, nhưng sớm muộn gì chính trị cũng bắt được bạn.
Vì vậy tôi muốn làm hết mình để quan tâm về chính trị và thay đổi xã hội. Nhưng tôi thật ngây thơ.
Năm ngoài tài khoản của tôi bị khóa 3 lần. Hai lần đầu vì thảo luận về chính trị và nói về Zhao Wei (người trợ lý của luật sư nhân quyền Li Heping). Tôi có thể hiểu được vì sao tài khoản của mình bị khóa.
Lần này thì là vì thảo luận về phim nội địa.
Hôm nay tôi để ý thấy rằng nhiều album của ca sĩ bị gỡ xuống. Giờ thì đến lượt phim, truyền hình và âm nhạc bị lên án làm chính trị.
Tôi đi đến một nhận thức khiêm tốn rằng năng lực của mình quá bé nhỏ. Được gọi là tầng lớp trung lưu, tất cả những gì tôi sở hữu có thể biến mất một cách bất ngờ. Tôi nghĩ tôi có quyền lực, nhưng thật sự nó không là gì cả.
Quan tâm đến cộng đồng, các vấn đề thời sự và kế sinh nhai của người dân là vô nghĩa.
“Hãy thay đổi thế giới từng chút một”, nói nghe thì hay lắm nhưng không có ai làm cả.
Tôi không thể thay đổi thế giới, tôi chỉ có thể thay đổi chính mình.
Trước khi 25 tuổi, tôi không bao giờ nghĩ về việc di cư. Nhưng tôi đang làm việc chăm chỉ để hướng về nó đây.”
Bảo Minh lược dịch
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc Vụ nổ Thiên Tân Giới trung lưu