Theo báo cáo của Financial Times hôm 7/11, ông Trần Thiếu Kiệt (Chen Shaojie), chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) của nền tảng phát trực tiếp Douyu Trung Quốc, đã bị chính quyền bắt giữ, trở thành doanh nhân công nghệ mới nhất gặp rắc rối ở Trung Quốc. 

Chen Shaojie
Ngày 17/7/2019, ông Shaojie Chen, CEO và Người sáng lập DouYu, ở giữa bên trái, chụp ảnh cùng các nhân viên trong đợt IPO của DouYu International Holdings LTD. tại sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. (Ảnh: Shutterstock)

Hai người quen thuộc với sự việc cho biết, ông Trần Thiếu Kiệt (39 tuổi), đã bị bắt đi cách đây vài tuần. Một trong số họ cho biết chính quyền đang điều tra các hoạt động khiêu dâm và đánh bạc trên nền tảng Douyu. Cả hai hoạt động này đều là bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Báo cáo dẫn lời một người thân cận với ông Trần cho biết: “Chúng tôi đã không thể liên lạc với anh ấy kể từ tháng 10. Anh ấy đã bị cơ quan công an bắt đi để điều tra nội dung khiêu dâm và cờ bạc trên trang web.”

Trước khi ông Trần Thiếu Kiệt mất tích, cơ quan quản lý internet đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cử một nhóm quan chức đến văn phòng của Douyu vào tháng 5 để tiến hành “tập trung giám sát chỉnh đốn và cải cách” kéo dài một tháng đối với “nội dung khiêu dâm và thô tục” được phát hiện trên nền tảng này.

Tờ Financial Times không thể liên lạc được với chính ông Trần Thiếu Kiệt. Douyu từ chối bình luận về nơi tung tích của ông Trần và cho biết “hoạt động kinh doanh của họ vẫn bình thường”

Trang “The Cover” tại Trung Quốc đưa tin đầu tiên về việc ông Trần Thiếu Kiệt mất tích, nói rằng Douyu đã xác nhận với kênh truyền thông này rằng họ đã “mất liên lạc” với  ông.

Được biết, với tư cách là Giám đốc điều hành của một công ty niêm yết, lần cuối cùng ông Trần Thiếu Kiệt xuất hiện công khai là khi ông tham dự hội nghị phân tích báo cáo tài chính quý 2 của công ty qua điện thoại vào tháng 8. Douyu chính thức trả lời rằng họ vẫn đang hiểu tình hình trong nội bộ.

Sau khi tin tức liên quan được lan truyền, “Douyu xác nhận CEO Trần Thiếu Kiệt đã mất liên lạc” nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trên weibo. Cư dân mạng để lại những bình luận tò mò: “Vậy chuyện gì đã xảy ra vậy?” “Mất liên lạc 3 tuần … là bị mời đi uống trà hay chạy trốn rồi?”, “Chuyện gì đã xảy ra vậy?”, “Hỏi nhân viên nội bộ: Vào [ngồi nhà giam] rồi”, v.v.

Thông tin công khai cho thấy, ông Trần Thiếu Kiệt sinh năm 1984 tại Tế Nam. Từ năm lớp 5 tiểu học đã mê chơi trò chơi điện tử. Khi còn học đại học, ông đã đi chơi ở quán cà phê Internet cả đêm và cuối cùng bỏ học vào năm thứ nhất đại học. Tuy nhiên, ở tuổi 25, Trần Thiếu Kiệt đã bán nền tảng trò chơi “Zhang men ren” do ông đồng phát triển cho Shanda, kiếm được hàng triệu nhân dân tệ, đây cũng là hũ vàng đầu tiên của ông; và một năm sau, ông đầu tư vào việc mua lại trang AcFun (còn gọi là A Site / Trạm A) và lần đầu tiên giới thiệu chức năng gửi tin nhắn bình luận trong video ở Trung Quốc.

Vào năm 2014, Trần Thiếu Kiệt đã độc lập kênh “truyền hình trực tiếp” của Trạm A và đổi tên thành Douyu TV, đồng thời nhận được hàng trăm triệu đô la đầu tư từ Tencent và những công ty khác. Vào tháng 7/2019, Douyu được niêm yết trên Nasdaq, với giá trị thị trường gần 30 tỷ nhân dân tệ vào ngày hôm đó. Giá trị thị trường của Douyu cao nhất là gần 50 tỷ nhân dân tệ. Vào tháng 10 cùng năm, Trần Thiếu Kiệt được thứ 1507  trong “Danh sách người giàu Hurun 2019″ với tài sản ròng 2,5 tỷ nhân dân tệ.

Trí Đạt