Cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào làm gì sau khi về hưu?
- Huệ Anh
- •
Tháng 3/2013, sau khi ông Hồ Cẩm Đào mãn nhiệm, đã trao lại mọi quyền lực cho ông Tập Cận Bình, nhưng không giống như cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân dù nghỉ hưu vẫn hay xuất hiện và thích can thiệp việc chính sự, ông Hồ Cẩm Đào chỉ xuất hiện trong ba dạng trường hợp.
Tại Đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 11/2012 ông Hồ Cẩm Đào giải nhiệm chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và đến “lưỡng hội” Trung Quốc vào tháng Ba năm sau tiếp tục trao trả lại chức Chủ tịch nước.
Việc ông Hồ Cẩm Đào “rút lui triệt để” được cho là phá vỡ “truyền thống” trước đó của ông Giang Trạch Dân (sau khi mãn nhiệm vẫn tiếp tục làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm hai năm), giúp ông Tập Cận Bình nhanh chóng ổn định vị thế để loại bỏ tình trạng ông Giang Trạch Dân can thiệp vào chính sự. Vì lý do này mà nhiều lần ông Tập Cận Bình công khai ca ngợi người tiền nhiệm.
Ngay tháng thứ hai sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức đã đưa ra “Tập 8 điều”, trong đó đề cập rất cụ thể đối với giới lãnh đạo ĐCSTQ, trong đó nhấn mạnh “trừ khi được trung ương thống nhất bố trí, cá nhân không được công khai xuất bản tác phẩm, bài phát biểu, không gửi thư chúc mừng, điện chúc mừng, không viết lời đề từ, đề chữ lưu niệm”.
Theo một thống kê thực hiện vào năm 2012, ông Giang Trạch Dân đã viết “lời đề từ” và “chữ lưu niệm” đến gần 40.000 chữ, nhiều hơn so cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông với gần 30.000 chữ.
Nhiều nhà quan sát cho rằng quy định của ông Tập Cận Bình là nhắm vào ông Giang Trạch Dân, vì dù đã giải nhiệm nhưng ông Giang ưa can thiệp việc chính sự và viết chữ lưu niệm, mục đích của ông Tập là để loại bỏ triệt để những ảnh hưởng của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Không lâu sau khi ông Tập Cận Bình đưa ra “Tập 8 điều”, ông Giang Trạch Dân đã thường xuyên “xuất hiện” tỏ ý “chống lại”. Nhưng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập cũng theo đó ngày càng quyết liệt hơn, thay thế hàng loạt người cũ từng được ông Giang Trạch Dân đưa lên, nổi bật là xử lý Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng và nhân vật chính trị hàng đầu giúp ông Giang kiểm soát hai lực lượng Vũ cảnh và Công an là Chu Vĩnh Khang, qua đó về cơ bản đã loại bỏ được tình trạng can thiệp việc chính sự của ông Giang Trạch Dân.
Tháng 1/2015, gia đình ông Giang Trạch Dân gồm cả ba thế hệ đi du ngoạn Đông Sơn Lĩnh tại Hải Nam, chuyến đi đã được ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam khi đó là La Bảo Minh tháp tùng. Ông Giang Trạch Dân dặn ông La Bảo Minh, “Phải tích cực quảng bá cho Đông Sơn Lĩnh, trở về Bắc Kinh ta sẽ hỗ trợ quảng bá”. Tuy nhiên, trong khi ông Giang Trạch Dân còn chưa trở về Bắc Kinh thì thông tin chuyến đi trên truyền thông Trung Quốc đại lục đã bị chặn hoàn toàn, các bài viết đã đăng phải gỡ bỏ.
Kể từ đó, về cơ bản ông Giang Trạch Dân đã bị cấm cửa đi du ngoạn. Theo quy định liên quan, các lãnh đạo ĐCSTQ sau khi nghỉ hưu muốn đi dã ngoại cần phải được thông qua bố trí.
Nhưng ông Hồ Cẩm Đào sau khi nghỉ hưu không phô trương như ông Giang Trạch Dân, chỉ lộ diện trong ba trường hợp:
Trở về quê
Ngày 27/12/2012, ông Hồ Cẩm Đào trở về quê nhà ở Thái Châu tỉnh Giang Tô sau 34 năm xa cách; tháng 9/2013, ông Hồ Cẩm Đào trở về quê tổ ở thôn Long Xuyên huyện Tích Khê tỉnh An Huy.
Thăm lại nơi cũ
Tháng 12/2012, ông Hồ Cẩm Đào về thăm lại một số địa bàn thuộc tỉnh Quý Châu, là nơi ông từng là Bí thư Tỉnh ủy.
Tháng 04/2014, ông về thăm lại Đồng Nhân thuộc tỉnh Quý Châu.
Vào ngày 7/5/2015, ông thăm lại huyện Bắc Xuyên tỉnh Tứ Xuyên.
Giải trí bên ngoài
Tháng 4/2013, một tháng sau khi giải nhiệm Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào đã đến thăm danh thắng nổi tiếng ở Dương Sóc tỉnh Quế Lâm.
Tháng 4/2014, ông xuất hiện tại Học viện Nhạc Lộc thuộc Đại học Hồ Nam và thành cổ Phượng Hoàng tại Hồ Nam.
Vào ngày 20/10/2015, ông đã đến thăm núi Võ Di tỉnh Phúc Kiến.
Ngày 26/1/2017, ông xuất hiện tại chợ hoa đường Tây Hồ tỉnh Quảng Châu.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Hồ Cẩm Đào Tập Cận Bình Giang Trạch Dân