“Đại nhảy vọt” trong mắt người phương Tây
- Hồng Ngọc
- •
Ngày 2/2/1958, tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra bài xã luận “Khẩu hiệu hành động của chúng ta: Phản đối lãng phí, cần kiệm xây dựng đất nước”. Bài viết đề xuất khẩu hiệu “toàn quốc đại nhảy vọt” cho nền kinh tế quốc dân, nhưng cuối cùng lại dẫn đến kết quả là hàng triệu người bị chết một cách bất thường sau hàng loạt các cuộc vận động lần lượt diễn ra.
Trước sự kiện này có không ít bình luận về kết quả và ảnh hưởng mà Đại nhảy vọt mang đến. Các kênh truyền thông trong và ngoài Trung Quốc từ vài chục năm trước đến nay ít nhiều đều có nhắc tới. Dưới đây là góc nhìn của người phương Tây về cuộc vận động Đại nhảy vọt trong thời Mao Trạch Đông.
Định nghĩa về Đại nhảy vọt
Trong văn hóa phương Tây, Bách khoa toàn thư của Anh định nghĩa về Đại nhảy vọt như sau: ĐCSTQ trong khoảng thời gian từ 1958-1960 đã phát động một phong trào huy động lượng lớn người dân tham gia, đặc biệt là thông qua các phương thức như công xã nông thôn, tiến hành cuộc vận động quần chúng quy mô lớn nhằm mong muốn nhanh chóng giải quyết cục diện công nông nghiệp lạc hậu của Trung Quốc.
Định nghĩa này còn nói chi tiết về việc thông qua tiến hành vận động Đại nhảy vọt, Mao Trạch Đông hy vọng có thể dựa vào lực lượng người dân đông đảo hùng hậu ở Trung Quốc, tạo nên sự khác biệt so với Liên Xô trong việc phát triển công nghiệp và khoa học kỹ thuật trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội.
Phương Tây khi mô tả về Đại nhảy vọt, bên cạnh phần lịch sử, cũng thường tập trung mô tả sự căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô. Mao Trạch Đông tin rằng “nhân định thắng thiên” và chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ cổ động nhân dân tin rằng thông qua các cuộc vận động quần chúng quy mô lớn, có thể nhanh chóng thúc đẩy công nghiệp quốc gia phát triển vượt qua các quốc gia công nghiệp khác.
Nhưng cuối cùng, những luận điểm phân tích “hào nhoáng” của ĐCSTQ lại đưa đến một kết quả trái ngược hoàn toàn, chính là tiến hành Đại nhảy vọt gây ra lãng phí lớn về tư nguyên và vật lực, cuối cùng dẫn đến cái chết của hàng chục triệu người trong nạn đói lớn.
Nguyên nhân dẫn khởi Đại nhảy vọt
Mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Đảng Cộng sản Liên Xô trở nên bất hòa chính là một động lực chủ yếu khiến Mao Trạch Đông phát động Đại nhảy vọt ở Trung Quốc. Năm 1957, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tổ chức kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười ở Moscow đã phát biểu rằng công nghiệp của Liên Xô có thể vượt qua Mỹ trong vòng 15 năm, còn Mao Trạch Đông lại phát biểu rằng trong vòng 15 năm công nghiệp của Trung Quốc sẽ vượt qua Anh Quốc.
Các học giả phương Tây xem nguyên nhân chính của việc tiến hành Đại nhảy vọt là sau khi Mao Trạch Đông tiến hành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đặc biệt là khi Tổng bí thư Nikita Khrushchev của Đảng Cộng sản Liên Xô bắt đầu đoạn tuyệt với chủ nghĩa Stalin, đưa Liên Xô chuyển sang mô hình xã hội chủ nghĩa với trọng tâm phát triển công nghiệp và khoa học kỹ thuật, thì Mao Trạch Đông cũng hy vọng thông qua lợi thế về lượng nhân lực lớn ở Trung Quốc mà nhanh chóng thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Giới học giả phương Tây cũng tin rằng, một nguyên nhân khác giải thích cho việc Mao Trạch Đông phát động Đại nhảy vọt đến từ bên trong Trung Quốc. Mao Trạch Đông sau khi tiến hành “vận động phản hữu” trấn áp tàn khốc những phần tử trí thức hay cán bộ bên trong bên ngoài đảng dám phát biểu ý kiến bất đồng vào năm 1957, cũng hy vọng có thể thông qua việc đạt được phần nào “thắng lợi vĩ đại” về mặt chính trị và kinh tế mà chứng minh được rằng những chính sách của ông ban hành là đúng đắn.
Thảm họa chưa từng có trong lịch sử
Các học giả phương Tây nhận định rằng Đại nhảy vọt dẫn đến nạn đói lớn khiến hàng chục triệu người Trung Quốc chết bất thường. Theo phân tích thống kê, số lượng người chết bất thường trong giai đoạn Đại nhảy vọt ở Trung Quốc vào khoảng 18~45 triệu người. Học giả nổi tiếng người Hà Lan, ông Frank Dikötter cho biết: “Ép buộc, đe dọa, bạo lực có hệ thống là những cơ sở để cấu thành nên Đại nhảy vọt… Đây chính là vụ mưu đồ thảm sát quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại.”
Nhà kinh tế học Dwight Perkins nổi tiếng của Đại học Harvard cũng nhận định: “Đổ một số tiền đầu tư công cộng khổng lồ, sau cùng chỉ mang đến những hiệu quả kinh tế rất nhỏ, Đại nhảy vọt là thảm họa đầu tư lãng phí nhất trong lịch sử Trung Quốc.”
Trung Quốc hy vọng qua Đại nhảy vọt có thể mang đến một bước đột phá cho nền kinh tế, nhưng rốt cuộc lại dẫn đến sự thụt lùi kinh tế không thể cứu vãn và nạn đói lớn diễn ra trên toàn quốc.
Hầu hết các nhà phân tích phương Tây cho rằng, chính vì sai lầm của chính sách Đại nhảy vọt, Mao Trạch Đông phải lùi một bước, nhưng để giành lại “vương quyền”, ông ta lại tiếp tục phát động Cách mạng Văn hóa, và một lần nữa Cách mạng Văn hóa lại đẩy Trung Quốc và người dân Trung Quốc vào vực sâu thảm họa.
Hồng Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Mao Trạch Đông Cách mạng Văn hóa Đại nhảy vọt