ĐCSTQ tích cực ngăn cản giáo viên nước ngoài truyền bá Cơ đốc giáo
- Lê Vy
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên tục ban hành nhiều quy định mới qua các năm gần đây ngăn cấm các giáo viên nước ngoài truyền bá tôn giáo, đặc biệt là Cơ đốc giáo, cho học sinh nếu không được phép. Vi phạm việc này có thể khiến giáo viên bị huỷ bỏ visa và buộc phải rời Trung Quốc.
Theo SCMP, chính quyền Trung Quốc sắp ban hành một bộ quy tắc mới yêu cầu các giáo viên nước ngoài không được truyền đạo nếu chưa được phép và nên tránh xa việc “thực hành tà giáo,” một cách nói về những tôn giáo mới bị chính phủ cấm.
Ngoài ra, tất cả các hành vi được cho là đe dọa chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm luật hình sự hoặc cản trở việc thi hành chính sách giáo dục sẽ khiến visa của những giáo viên này bị treo, huỷ bỏ hoặc từ chối. Các cơ sở giáo dục sẽ phải đảm bảo rằng giáo viên ngoại quốc có giấy phép làm việc và giấy phép lưu trú hợp lệ, có ít nhất hai năm kinh nghiệm, có bằng cử nhân và có chứng chỉ chuyên nghiệp về giảng dạy ngoại ngữ.
Người nước ngoài mới được thuê cũng sẽ phải hoàn thành trọn vẹn 20 giờ “giáo dục chính trị” về các chính sách phát triển, luật pháp, đạo đức nghề nghiệp và giáo dục của Trung Quốc.
Các nhà chức trách cũng đệ trình một hệ thống tín nhiệm xã hội quốc gia để đánh giá giáo viên ngoại quốc về những điều họ nói và làm cả trong và ngoài lớp học.
Cục công an tỉnh Hải Nam thậm chí còn treo giải thưởng tới 100.000 nhân dân tệ (14.600 đôla) cho những tin tố cáo dẫn đến việc bắt những người nước ngoài có “dính líu đến các hoạt động tôn giáo không được phép.” Điều này gồm có truyền bá tôn giáo, truyền giảng và xây dựng mạng lưới tôn giáo.
Việc giám sát giáo viên nước ngoài trước đây được quy định khá lỏng lẻo, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt đầu thắt chặt kiểm soát từ 2014. Năm ngoái, nhà chức trách đã bắt đầu tiến hành thanh tra giấy phép làm việc của các giáo viên nước ngoài. Theo dữ liệu của chính phủ, năm 2017 có khoảng 400.000 giáo viên nước ngoài ở Trung Quốc và chỉ có một phần ba có giấy phép làm việc hợp lệ.
Một giáo viên người Mỹ với bí danh là “G” giảng dạy tại trường quốc tế tư thục ở Trùng Khánh nói với SCMP rằng ông đã bị cắt hợp đồng vì đại dịch COVID-19.
Không chỉ có vậy, ngôi trường nơi ông dạy học 5 năm qua cũng vứt bỏ hơn 2.000 quyển sách tiếng Anh mà ông đóng góp cho thư viện, gồm cả tiểu sử của Mark Twain và tác phẩm của các nhà thần học Dietrich Bôheffer và CS Lewis.
Thầy G là một mục sư rao truyền Cơ đốc giáo tại Mỹ, đã tới Trung Quốc một thập kỷ trước để “hỗ trợ” sự phát triển của các nhà thờ Cơ đốc giáo độc lập. Tuy vậy, việc truyền giáo không còn nổi bật sau khi ông chuyển sang làm giáo viên toàn thời gian vào năm 2015.
Ông cho biết việc giảng dạy tại Trung Quốc ngày càng được kiểm soát chặt chẽ và giáo viên buộc phải hoàn toàn bám theo chương trình giảng dạy và sách giáo khoa, không được thêm những nội dung “ngoài lề” khác vào.
> Diễn đàn Tự do Tôn giáo Quốc tế: TQ đàn áp tôn giáo, thu hoạch nội tạng
Sự kiểm soát còn có khía cạnh chính trị.
Năm 2015, Trung Quốc ban hành Luật An ninh quốc gia, bao trùm một loạt các lợi ích quốc gia và hoạt động quân sự ở nước ngoài. Đạo luật nhằm bảo vệ chế độ chính trị, chủ quyền, khối đoàn kết quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phúc lợi của người dân và “sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững và lành mạnh.”
Cùng lúc, chính quyền trung ương cũng phát động một cuộc chiến ý thức hệ, chỉ dẫn cho các trường phổ thông và đại học hạn chế sử dụng sách giáo khoa nước ngoài để ngăn cản sự xâm nhập của những tư tưởng và giá trị phương Tây vào trong trường. Từ đó, chiến dịch ý thức hệ đã được đẩy lên thành việc loại bỏ những ảnh hưởng tôn giáo ngoại lai trong các trường như một phần của kế hoạch quốc gia nhằm “Hán hoá” tôn giáo để đặt nó dưới sự kiểm soát tư tưởng của Đảng Cộng sản.
Là một phần của chiến dịch này, việc giảng dạy tôn giáo nhất định phải có tính yêu nước và chỉ những giáo sĩ được nhà nước chấp thuận có thể làm mục sư. Ngoài ra, còn có những chiến dịch dỡ bỏ các biểu tượng tôn giáo và hạn chế hoạt động từ thiện của các nhóm tôn giáo.
Năm 2018, những thay đổi trong quy định đối với tôn giáo có hiệu lực: cấm người nước ngoài tham gia vào các hoạt động tôn giáo mà không được phép. Thông báo trên được dán trong các khuôn viên trường, cảnh báo giáo viên nước ngoài không được lôi kéo sinh viên vào các hoạt động tín ngưỡng.
Thầy G cho biết khoảng ba năm trước, các máy quay và máy nghe trộm đã được lắp đặt trong phòng học và cảnh sát cũng bắt đầu gọi tới trường thăm dò liệu ông có làm điều gì “đi chệch khỏi đường lối hay mang tính chính trị nhạy cảm” trong trường hay không.
“Tôi cũng đã bị theo dõi hai năm ở khu phố. Vào thời điểm họ lắp đặt máy quay trong các lớp học, tôi biết là chúng tôi đã bước vào một giai đoạn kiểm soát mới. Từ đó trở đi, không có cuộc thảo luận nào về những vấn đề nhạy cảm và bạn phải cẩn thận với bất cứ điều gì bạn làm,” ông nói.
Thậm chí trước khi rời Trung Quốc vào năm nay, thời gian duy nhất ông G có thể an toàn đề cập một cách xa xôi đến Cơ đốc giáo là vào lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh khi ông có thể giải thích ngữ cảnh văn hoá của các lễ hội này.
“Một số sinh viên đến và hỏi vì sao tôi khác các giáo viên khác. Đó là lúc tôi nói với họ tôi là một người theo Cơ đốc giáo và vì sao tôi theo Cơ đốc giáo. Nó mở cho tôi cánh cửa để chia sẻ nhiều hơn về tín ngưỡng của mình nhưng tôi không thể thực hiện bất kỳ việc truyền đạo nào,” ông cho biết.
Giáo viên nước ngoài là một trong những đường truyền Cơ đốc giáo vào Trung Quốc lớn nhất. Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại vào những năm 1980, nhiều người phương Tây và Hàn Quốc theo Cơ đốc giáo đã tới Trung Quốc với tư cách như những giáo viên, doanh nhân và sinh viên, và thường tổ chức những khóa lễ nhỏ để học Kinh thánh.
Nhưng hai năm gần đây, ngày càng có nhiều các thông báo treo trong khuôn viên trường cấm các hoạt động tôn giáo và một vài giáo viên đã bị yêu cầu rời Trung Quốc. Sinh viên cũng được yêu cầu cảnh giác với việc các giáo việc nước ngoài truyền giáo.
Bà Jacquline Gao, một nhà tư vấn về giao thoa văn hoá và từng huấn luyện và tư vấn cho các nhà truyền giáo ở Trung Quốc nói rằng khoảng 18 đến 24 tháng trước, bà đã chứng kiến sự rút chạy của các nhà truyền giáo nước ngoài rời đất nước.
Bà Gao cho biết điều này có thể là kết quả của một số nhân tố, từ những hạn chế khắt khe hơn với giáo viên ngoại quốc, tới môi trường kinh doanh khó khăn hơn và những lý do về gia đình và cá nhân.
Tuy vậy, bà nhận định việc giảm dần sự tham gia của các nhà truyền giáo phương Tây có thể giúp người Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy Cơ đốc giáo.
Lê Vy (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện truyền giáo Cơ đốc giáo ở Trung Quốc Cơ đốc giáo Trung Quốc đàn áp tôn giáo