Hàng nghìn người Hồng Kông biểu tình phản đối luật quốc ca
- Xuân Thành
- •
Hàng nghìn người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình trước phiên thảo luật của các nhà lập pháp Đặc khu về dự luật quốc ca, trong đó hình sự hóa các hành vi lạm dụng quốc ca Trung Quốc tại Hồng Kông, theo AP đưa tin.
Đông đảo cảnh sát Hồng Kông đã được điều động đến bảo vệ bên ngoài tòa nhà lập pháp của chính quyền Đặc khi trước diễn ra phiên họp thảo luận về dự luật quốc ca. Cảnh sát đã phát đi cảnh báo người biểu tình rằng nếu họ không giải tán, họ có thể bị truy tố.
Tại quận mua sắm trung tâm Hồng Kông, cảnh sát đã vẫy cờ cảnh báo người biểu tình giải tán, sau đó họ đã bắn đạn hơi cay vào đám đông và lục soát nhiều người. Khoảng hơn 50 người tập hợp cùng nhau ngồi bên ngoài một trung tâm mua sắm tại Vịnh Đồng La, trong khi cảnh sát chống bạo động bao vây xung quanh. Cảnh sát cũng cảnh báo các nhà báo không được quay phim họ xịt hơi cay.
Tối thiểu 16 người, phần lớn là trẻ vị thành niên, đã bị bắt vì tội sở hữu các vật dụng với mục đích vi phạm pháp luật, chẳng hạn như bom xăng và chìa vít. Ba người trong nhóm bị bắt này bị cáo buộc lái xe gây nguy hiểm.
Theo AP, các nhà lập pháp Đặc khu Hồng Kông vào chiều muộn 27/5 sẽ thảo luận về dự luật quốc ca, trong đó sẽ cho phép kết tội hình sự bất cứ ai có hành vi nhục mạ, không tôn trọng bài “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” – quốc ca Trung Quốc. Những người bị kết tội này có thể đối mặt với án phạt lên tới 3 năm tù giam và phạt tiền 50.000 đô la Hồng Kông (6.450 USD).
Dự luật quốc ca này được đề xuất ra nghị viện Hồng Kông vào tháng 1/2019 sau khi khán giả trong nhiều trận bóng đá quốc tế tại hòn đảo bán tự trị này đã cười nhạo khi ban tổ chức phát quốc ca Trung Quốc trong lễ chào cờ trước trận đấu. Năm ngoái, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã phạt Liên đoàn Bóng đá Hồng Kông sau khi cổ động viên Đặc khu la ó quốc ca Trung Quốc tại một trận đấu vòng loại World Cup.
Những người phản đối dự luật quốc ca nói rằng luật này là một đòn giáng mạnh vào quyền tự do biểu đạt của công dân Hồng Kông. Trong khi, các quan chức chế độ Bắc Kinh cho biết luật quốc ca sẽ thúc đẩy tinh thần yêu nước và các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi của Trung Quốc.
Hồng Kông trước đây là thuộc địa của Anh Quốc và được London trao trả về Bắc Kinh vào năm 1997. Khi đó, Trung Quốc cam kết trong tuyên bố chung Trung-Anh 1984 rằng họ sẽ đảm bảo Hồng Kông có quyền tự trị cao trong 50 năm kể từ năm 1997 theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.
Trong những năm gần đây, chế độ Trung Quốc ngày càng muốn thắt chặt kiểm soát Hồng Kông hơn. Điều này làm gia tăng tâm lý chống Trung Quốc tại trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á và thế giới.
Năm 2014, Hồng Kông đã bùng nổ các cuộc biểu tình lớn, được biết đến là Cách mạng Ô dù, phản đối chính quyền Trung Quốc yêu cầu phải kiểm duyệt ứng viên trước khi đưa ra cho người dân bỏ phiếu để bầu trực tiếp lãnh đạo Đặc khu. Cuối cùng, kế hoạch bầu cử trực tiếp này đã bị hủy bỏ.
Năm ngoái, cơ quan lập pháp Hồng Kông đã đề xuất luật dẫn độ để cho phép chuyển công dân Hồng Kông về Trung Quốc đại lục xét xử. Dự luật này đã làm bùng phát các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Hồng Kông suốt bảy tháng, đỉnh điểm có tới hai triệu người xuống đường biểu tình. Cuối cùng, cơ quan lập pháp Hồng Kông đã phải rút lại dự luật dẫn độ vô thời hạn.
Tuần trước, trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên quốc hội Trung Quốc, giới chức Bắc Kinh đã đề xuất ban hành luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Luật này nhằm kết tội hình sự các hành vi “ly khai, lật đổ, can thiệp nước ngoài và khủng bố”. Luật cũng cho phép các cơ quan tình báo của Trung Quốc được đặt trụ sở tại Hồng Kông. Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua luật an ninh này vào ngày 28/5 tới đây và bỏ qua quyền lập pháp của Hồng Kông.
Xuân Thành (Theo AP)
Xem thêm:
Từ khóa Luật Quốc ca Dòng sự kiện biểu tình Hồng Kông Hồng Kông