Mạng lưới 4,5 triệu người giám sát dân chúng tại TQ hoạt động như thế nào?
Năm 2018, tất cả các cộng đồng dân cư ở Trung Quốc được chia thành các mạng lưới, mỗi mạng lưới gồm 15 đến 500 hộ gia đình. Mỗi mạng lưới được giao cho một nhân viên quản lý mạng lưới phụ trách để đảm bảo việc kiểm soát xã hội đối với cư dân thuộc mạng lưới của họ. “Đội quân” giám sát dân chúng này thực hiện việc tuần tra các cộng đồng dân cư dưới danh nghĩa “ổn định xã hội”, trông chừng các “yếu tố bất ổn”, và báo cáo về các hoạt động tôn giáo, tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin.
Một nhân viên chính phủ ở thành phố Bồng Lai, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc giải thích với Bitter Witter rằng các nhân viên quản lý mạng lưới được yêu cầu “đảm bảo sự ủng hộ đối với Đảng Cộng sản và tình yêu đối với chủ nghĩa xã hội, và tìm kiếm các hoạt động tôn giáo chưa được đăng ký”. Người này cũng nói thêm rằng các cựu quân nhân và Đảng viên thường là các đối tượng được ưu tiên hàng đầu trong việc tuyển dụng nhân viên quản lý mạng lưới.
Trong khi COVID-19 đang lây lan tại Trung Quốc, 4,5 triệu nhân viên đặc biệt này cũng được huy động để đảm bảo tất cả mọi người đều tuân thủ các quy tắc cách ly. Những người này không phải cảnh sát hay công chức nhưng lại có quyền kiểm tra nhà dân bất cứ lúc nào trong ngày cũng như hạn chế các hoạt động thường nhật của người dân.
Ai đang bị giám sát?
Các nhân viên quản lý mạng lưới được yêu cầu thu thập thông tin về người dân trong phạm vi quyền hạn của họ và đăng tải thông tin lên một nền tảng quản lý dữ liệu thống nhất do chính phủ kiểm soát. Họ phải thường xuyên vào nhà dân để kiểm tra các vật dụng khác nhau, như xe cộ của dân, và điều tra về tín ngưỡng tôn giáo hay quan điểm chính trị của người dân, tìm hiểu nơi công tác của mỗi thành viên trong gia đình. Họ cũng phải báo cáo cho văn phòng quản lý toàn diện của tiểu khu và đồn cảnh sát địa phương về các sự cố hàng loạt, các “yếu tố bất ổn” “có khả năng làm ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội”.
Việc tuyên truyền về các chính sách của nhà nước đến với người dân cũng nằm trong số các nhiệm vụ then chốt của nhân viên quản lý mạng lưới. Dân oan thỉnh nguyện, người Duy Ngô Nhĩ, những người bất đồng chính kiến, các tín đồ tôn giáo và cựu tù nhân được xác định là mục tiêu quan tâm đặc biệt của các nhân viên quản lý mạng lưới.
Một nhân viên quản lý mạng lưới ở thành phố Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam, một tỉnh miền Trung của Trung Quốc, giải thích với Bitter Winter rằng: “Cái được gọi là ‘duy trì sự ổn định’ có nghĩa là biết hết mọi thứ liên quan đến người dân và kiểm soát họ ở cấp cơ sở. Loại hình kiểm soát này được tăng cường sau khi Tập Cận Bình nhậm chức.”
Tại Thâm Quyến, một thành phố trực thuộc Quảng Đông, một tỉnh miền Nam Trung Quốc, có 21.000 nhân viên giám sát dân chúng trong tổng số 19.000 mạng lưới. Một trong số các nhân viên chia sẻ với Bitter Winter rằng trong một khóa huấn luyện do văn phòng quản lý tiểu khu tổ chức, họ được thông báo rằng: “Người Duy Ngô Nhĩ là những kẻ khủng bố, và chính phủ sợ những người này có thể gây bạo loạn. Do đó, đại loại cứ sau khoảng 3 ngày, chúng tôi được yêu cầu đến kiểm tra khu dân cư người Duy Ngô Nhĩ để tiến hành đăng ký thông tin cá nhân của họ và chụp ảnh họ. Chúng tôi được khuyến khích để đến sách nhiễu họ, vì vậy họ rời đi vì không thể chịu đựng được”. Ông nói thêm rằng, hồi năm ngoái, trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các nhân viên được yêu cầu phải thực hiện công tác này này mỗi ngày.
Một nữ nhân viên quản lý mạng lưới ở thị trấn Uy Hải, thuộc tỉnh Sơn Đông đã chia sẻ với Bitter Winter rằng, mỗi ngày cô được giao nhiệm vụ theo dõi xem liệu đèn của những hộ cư dân đã từng gửi đơn kiến nghị lên chính phủ có được bật sáng hay không, phòng trường hợp họ bỏ trốn khỏi địa phương.
Chen Jianhua, thị trưởng thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông tuyên bố rằng một nhân viên quản lý mạng lưới cần phải thu thập thông tin chi tiết về 200 hộ gia đình trong vòng nửa năm, bao gồm dữ liệu về mỗi thành viên trong gia đình, trung bình có bao nhiêu người đến thăm gia đình họ, liệu họ có cho thuê phòng không và giá thuê là bao nhiêu.
Đàn áp tôn giáo – Một nhiệm vụ then chốt
Một nhân viên quản lý mạng lưới từ thành phố Uy Hải nói với Bitter Winter rằng chính quyền địa phương yêu cầu họ điều tra và báo cáo về tất cả các địa điểm tôn giáo trong khu vực. Mỗi tuần, họ phải đến kiểm tra các nhà thờ Tam Tự trong mạng lưới quản lý của mình để theo dõi nội dung các bài giảng, đếm số lượng người đến tham dự và chụp ảnh, quay phim giáo đoàn. Nếu họ phát hiện ra “những người khả nghi”, ví dụ như những người truyền giáo đến từ bên ngoài thành phố, họ phải báo cáo ngay việc này với cảnh sát.
Một nhân viên quản lý mạng lưới ở thành phố Thai Châu, thuộc Chiết Giang, nói rằng ông được giao nhiệm vụ ghi danh số lượng các giáo dân, cả nam lẫn nữ, trong các nhà thờ Tam Tự. Nhân viên này nói thêm rằng: “Chúng tôi cũng phải điều tra trình độ học vấn của họ, xem liệu người thân của họ cũng có tín ngưỡng tôn giáo hay không. Các nguồn thu nhập, quyên góp, và chi tiêu cũng phải được giám sát kỹ lưỡng.”
Các nhân viên quản lý mạng lưới được giao nhiệm vụ xác minh tôn giáo của tất cả cư dân trong mạng lưới của mình thông qua các cuộc trò chuyện sâu sát và thông tin phải được ghi lại trong các tập tin điện tử của cư dân. Các cộng đồng tập hợp nhiều cư dân có tín ngưỡng tôn giáo là mục tiêu của việc tăng cường kiểm soát và giám sát.
Một giáo dân nhà thờ tại gia ở tỉnh Hà Nam nói với Bitter Winter rằng: “Đôi khi các nhân viên quản lý mạng lưới vào nhà của chúng tôi với lý do kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy. Họ kiểm tra mọi ngóc ngách trong nhà để xác định xem có nhà truyền giáo đến từ bên ngoài thành phố hay có nhóm giáo dân nào trong đó không, hay chúng tôi có tàng trữ sách tôn giáo hay không, v.v..”
Ye Ling, tạp chí nhân quyền Bitter Winter (BitterWinter.org)
Minh Nhật biên dịch
Từ khóa giám sát người dân ĐCSTQ đàn áp tôn giáo Dòng sự kiện