Thử hệ thống giám sát Sky Net: Phóng viên BBC “bị bắt” trong 7 phút
- Tuyết Mai
- •
Chính quyền Trung Quốc đang khiến cộng đồng trong cũng như ngoài nước lo ngại vì hệ thống camera giám sát Sky Net nhận dạng khuôn mặt. Gần đây, một phóng viên BBC đã thử hệ thống Sky Net ở thành phố Quý Dương tỉnh Quý Châu, sau khi hình ảnh của phóng viên này bị đưa vào kho dữ liệu của cơ quan chức năng, anh đã bị cảnh sát “bắt giữ” chỉ sau 7 phút “bỏ trốn”.
Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, chính quyền Trung Quốc đã thiết lập 170 triệu triệu camera giám sát ở nơi công cộng, đến năm 2020 có thể cần phải bố trí thêm 450 triệu camera giám sát. Hiện nay, hệ thống giám sát nhận diện khuôn mặt thông minh Sky Net đã được áp dụng tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Với video giám sát của dự án Sky Net, cho dù một người ngồi thang máy hoặc là đi trên bất kỳ đường giao thông nào có camera, hệ thống có thể chụp lại được toàn bộ khuôn mặt người đi đường với tỷ lệ tương đồng giữa khuôn mặt chụp với khuôn mặt mục tiêu tìm kiếm khá chuẩn xác, mặt người có độ tương đồng từ 90% trở lên có thể ngay lập tức được lựa chọn.
Theo BBC đưa tin, phóng viên John Sudworth của BBC tại Bắc Kinh đã thử khả năng của Sky Net tại thành phố Quý Dương tỉnh Quý Châu.
Để kiểm tra, hình ảnh John Sudworth tạm thời được công an Quý Châu quét và đưa vào danh sách nghi phạm. Sau đó anh bắt đầu “chạy trốn”. Anh xuống xe gần trung tâm thành phố và từ từ đi về phía bến xe buýt. Khi đi qua một cây cầu vượt cho người đi bộ, anh phát hiện cây cầu có 3 camera giám sát, vì không có chỗ để ẩn nên anh quyết định tiếp tục di chuyển về phía trước.
Khi anh bước qua cổng an toàn của bến xe, anh bị máy tính giám sát xác định độ tương đồng trên 88%, cho thấy là nghi phạm. Sau khi anh vào phòng vé thì đằng sau xuất hiện vài nhân viên cảnh sát và họ nhanh chóng bao vây anh, quá trình kiểm tra này chỉ mất 7 phút.
Nhiều người cho rằng dự án Sky Net đã vi phạm quyền riêng tư của công dân, nhất là ở Trung Quốc, chính quyền có thể sử dụng để theo dõi các nhà bất đồng chính, luật sư nhân quyền, người tập Pháp Luân Công, dân oan đi kiện cáo… vì thế hệ thống đặc biệt khiến dư luận xã hội lo lắng.
Số liệu cho thấy, phụ trách chính dự án Sky Net là Ủy ban Chính pháp Trung Quốc và Ban Thông tin Liên hợp Bộ Công an Trung Quốc. Hệ thống nhận diện khuôn mặt thông minh Sky Net đã được đưa vào sử dụng từ trước Đại hội 19. Nhiều người khi biết đã phải dùng từ “đáng sợ” để hình dung.
Ngày 29/9 năm nay, trang Thông tin Trung Quốc (Chinanews) có bài viết thẳng thắn thừa nhận nhiệm vụ chính của dự án Sky Net không phải nhắm vào những vụ án hình sự bình thường, mà là duy trì sự ổn định, vì tình trạng khó khăn trong kiểm soát tội phạm buôn bán trẻ em, trộm cướp tài sản…
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) từng có bài viết lên án việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giám sát mọi người. Bài viết cho biết Mỹ đang sử dụng công nghệ này để xác định danh tính của nghi phạm, trong khi chính quyền Trung Quốc dùng để giám sát công dân, hai mục đích hoàn toàn khác nhau.
Một nhà bình luận tự do chi sẻ quan điểm trên tờ Epoch Times rằng, ngoài mục đích sử dụng khác nhau thì ở những nước tự do phạm vi ứng dụng kỹ thuật này rất hạn chế, trong khi ở Trung Quốc Đại Lục lại dùng trên phạm vi rộng khắp, không chỉ để xác định tội phạm, thậm chí còn nhiều người khác chịu liên đới, tiêu biểu như dân oan đi kiện, người bất đồng chính kiến, người theo tôn giáo…
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Sky Net BBC Công nghệ nhận diện khuôn mặt