Quan hệ Trung – Triều đã đến giới hạn nào?
- Tuyết Mai
- •
Gần đây hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên thường xuyên bay vào lãnh hải hoặc bay ngang vùng trời Nhật Bản. Ngày 1/12, Chủ tịch đảng Công minh Nhật Bản Natsuo Yamaguchi đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, được cho biết quan hệ Trung – Triều đang “đối lập” vì vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Có nhận định cho rằng, phát biểu này cho thấy quan hệ hai nước đang mâu thuẫn đặc biệt nghiêm trọng.
Quan hệ Trung – Triều đã đổ vỡ?
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin, chiều ngày 1/12 Chủ tịch đảng Công minh Nhật Bản Natsuo Yamaguchi đã có cuộc gặp nhanh với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Bắc Kinh, ông Natsuo Yamaguchi giao thư tay của Thủ tướng Abe cho ông Tập Cận Bình, đồng thời mời ông Tập thăm Nhật Bản vào năm tới. Đây là lần thứ hai ông Natsuo Yamaguchi gặp ông Tập Cận Bình kể từ tháng 10/2015.
Trước đó, ông Natsuo Yamaguchi cũng đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương. Một nhân sĩ liên quan đảng Công minh tiết lộ, khi hai người nhắc đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Uông Dương thẳng thắn cho biết quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã chuyển thành quan hệ đối lập.
Uông Dương nhấn mạnh, phía Trung Quốc kiên quyết phản đối Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, vì không chỉ có Nhật Bản có khả năng là nước bị hại mà cả Trung Quốc cũng không ngoại lệ.
Giới quan sát đa số nhận định, việc lãnh đạo Bắc Kinh xem mối quan hệ Trung – Triều trở thành quan hệ “đối lập” là rất không bình thường, Trung Quốc đang rất bất mãn vì Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Trang mạng “Góc tù” (Dunjiaodu) của Trung Quốc Đại Lục từng chỉ ra, việc Triều Tiên liên tục thử vũ khí hạt nhân đẩy Trung Quốc vào ba nguy cơ: chiến tranh hạt nhân, rò rỉ hạt nhân, làn sóng dân tị nạn.
Ông Chu Phong Tắc (Zhu Fengze), Viện trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nam Kinh chia sẻ trên VOA rằng, tính bất thường của thể chế Triều Tiên cộng thêm nước này sở hữu vũ khí hạt nhân là mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc.
Trung Quốc đóng cửa quan hệ thương mại Trung – Triều
Triều Tiên tỏ ra vô cùng ngang ngược, sáng ngày 29/11 nước này đã bắn tên lửa loại mới “Hỏa Tinh – 15” (Hwasong-15) khiến tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang. Ngay hôm đó ông Tập Cận Bình và Donald Trump đã liên lạc điện thoại bàn đối sách. Ông Trump cho biết sẽ chế tài nặng hơn đối với Triều Tiên, còn phía Trung Quốc thì chưa nhắc đến vấn đề chế tài.
Đối với việc Mỹ công khai đoạn tuyệt ngoại giao với Triều Tiên và áp dụng chế tài mức cao nhất cắt nguồn dầu mỏ, hãng tin CNA của Đài Loan dẫn ý kiến của giáo sư Thời Ân Hoằng (Shi Yan hong) thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, khả năng Trung Quốc cắt hoàn toàn việc cung cấp dầu cho Triều Tiên là không cao. Nếu Trung Quốc làm thế, Kim Jong-un cũng không “cúi đầu”, Trung Quốc lại tiếp tục rơi vào cục diện khó xử.
Trước sức ép dư luận, việc Bắc Kinh có đoạt tuyệt cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng không trở thành tâm điểm quan tâm.
Cách đây chưa lâu, chính quyền thành phố Đan Đông Trung Quốc ở vùng biên giới Triều Tiên đã đẩy mạnh hạn chế quan hệ thương mại giữa hai nước.
Trong nội thành Đan Đông, dường như tất cả nhà hàng Triều Tiên đều bị đóng cửa, những nữ phục vụ Triều Tiên bị bắt rời khỏi Trung Quốc, những tuyến du lịch từ Triều Tiên đến Đan Đông thời hạn từ hai ngày ba đêm trở lên bị cho tạm dừng, công ty hàng không quốc tế Trung Quốc cũng ngừng phục vụ chuyến bay từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng…
Triều Tiên liên tục khiêu khích Trung Quốc
Tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) từng chỉ ra, từ sau năm 2012 khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền đã xác định Triều Tiên là “gánh nặng chính trị” đối với Trung Quốc. Điều này khiến chính quyền Kim Jong-un bất mãn, vì thế ngày càng đẩy mạnh bắn tên lửa khiêu khích.
Ngày 6/1/2016, Triều Tiên thực hiện thử vũ khí hạt nhân, lần thử này gây trận động đất cấp 5.1.
Ngày 14/5/2017, khi ông Tập Cận Bình tổ chức Diễn đàn hợp tác cấp cao “Một vành đai một con đường” ở Bắc Kinh, diễn thuyết trước các nhà lãnh đạo các nước, Triều Tiên lại bắn một tên lửa đạn đạo ở gần tỉnh Pyongan Bắc của Triều Tiên.
Ngày 3/9/2017, ông Tập Cận Bình tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Triều Tiên thực hiện thử vũ khí hạt nhân lần thứ sáu, đồng thời tuyên bố “thành công hoàn hảo” thử bom khinh khí.
Ngày 30/11/2017, khi Bắc Kinh triệu tập “hội họp quốc tế long trọng” thì ngày 29 Triều Tiên cho bắn tên lửa xuyên lục địa “Hỏa Tinh – 15”;
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Tên lửa đạn đạo Bom khinh khí Tập Cận Bình Kim Jong Un Triều Tiên vũ khí hạt nhân Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên