“Sự kiện 709”: Luật sư Vương Toàn Chương gọi đây là thảm họa lớn trong đời
- Trần Tử Phi
- •
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 9 năm “Sự kiện 709”, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở cuộc đàn áp bắt bớ các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền vào ngày 9/7/2015, đến nay các luật sư được thả vẫn phải sống dưới sự giám sát của chính quyền. Ông Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), một luật sư nhân quyền từng bị bắt, mô tả “Sự kiện 709” là một bước ngoặt lớn và một thảm họa trong cuộc đời ông, nhưng ông hy vọng sẽ tiếp tục công việc bảo vệ quyền lợi của mình để đáp lại tình yêu thương quan tâm từ mọi tầng lớp xã hội khi ông bị ở tù. Nhóm Luật sư Nhân quyền Trung Quốc đã xuất bản một bài viết về “Sự kiện 709”, tập trung vào cách các luật sư nhân quyền có thể tiếp tục bảo vệ quyền lợi và nhân quyền cho mọi người trong một môi trường làm việc khó khăn hơn dưới chế độ toàn trị và giám sát dữ liệu lớn.
Trong sự kiện “bắt bớ 709” (hay Sự kiện 709, Sự cố 709) xảy ra vào ngày 9/7/2019, hơn 100 luật sư nhân quyền và người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc đã bị bắt giữ. Ông Vương Toàn Chương, luật sư tại Công ty Luật Phong Nhuệ Bắc Kinh, là luật sư nhân quyền đầu tiên bị bắt và là người cuối cùng bị xét xử trong sự kiện kể từ khi bị bắt vào năm 2015 cho đến khi được thả vào năm 2020. Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do (RFA) trước dịp kỷ niệm 9 năm sự kiện này, ông Vương Toàn Chương hình dung, “Sự kiện 709” là một thảm họa trong cuộc đời ông.
Ông nói: “Vụ bắt bớ 709 là bước ngoặt lớn cho cả cuộc đời và số phận của tôi. Sự nghiệp luật sư của tôi bị gián đoạn, quyền lực xâm nhập vào gia đình chúng tôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi và bóp méo cuộc sống của chúng tôi. Sau khi ra tù, tôi tiếp tục bị bức bách phải chuyển nhà, bị bức bách phải rời khỏi Bắc Kinh, thậm chí con của tôi bị bức bách phải rời khỏi trường học. Ngay cả việc đặt phòng khách sạn thông qua phần mềm trực tuyến cũng bị thông báo không thể vào ở khách sạn, những cảnh ngộ này thì một người bình thường rất khó tưởng tượng được, nó tạo thành khó khăn cực kỳ lớn cho cuộc sống của tôi, chính là một thảm họa rất lớn. Chúng tôi không thể sống một cuộc sống bình thường như những người khác.”
Mặc dù công việc luật sư nhân quyền đã khiến cho cuộc sống và gia đình của ông Vương Toàn Chương phải chịu nhiều khó khăn và đau khổ, nhưng sau khi ra tù, ông vẫn tiếp tục giúp đỡ những cộng đồng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình. Ông bày tỏ hy vọng rằng những nỗ lực của ông có thể đền đáp sự quan tâm, giúp đỡ của mọi tầng lớp xã hội khi ông bị giam giữ.
Ông nói: “Tôi cũng không ngờ cộng đồng quốc tế lại can thiệp rất mạnh mẽ. Sau khi ra tù, khi những người khác cùng hoàn cảnh gặp phải tình huống tương tự, tôi sẽ cố gắng hết sức để làm những gì giống như tôi đã chờ đợi thế giới bên ngoài sẽ làm, chính là mọi người đoàn kết lại để giúp đỡ nhau. Dù kết quả có thể sẽ không có sự thay đổi căn bản, nhưng sẽ nói chung sẽ tốt hơn so với không làm gì.”
“Sự kiện 709” hủy hoại niềm tin của người dân vào nền pháp quyền của Trung Quốc
Nhiều luật sư nhân quyền đã bị bắt và bị điều tra liên quan đến “Sự kiện 709”. Một người trong cuộc có hóa danh Hiểu Minh nói với RFA rằng vụ việc có ảnh hưởng nhất định đến nghề luật, nhưng nó không ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng luật sư nhân quyền.
Hiểu Minh cho biết: “Vụ bắt giữ 709 người và đàn áp hàng loạt đã phá hủy nền pháp trị được Chính phủ Trung Quốc ca ngợi và phô trương, đồng thời hủy hoại niềm tin của người dân vào luật pháp và chính trị, mọi người không còn tin vào nền pháp trị nữa. Việc đàn áp các luật sư chính nghĩa, hủy hoại thân thể họ, không hề xóa bỏ được niềm tin của họ, các luật sư dũng cảm không thể bị tiêu diệt. Dù có đối mặt với bất công thế nào thì cũng sẽ không im lặng, mà sẽ dũng cảm đấu tranh và lên tiếng.”
Luật sư bị ảnh hưởng bởi Sự kiện 709: 9 năm qua, chính quyền giám sát và đe dọa khắp nơi
Một luật sư nhân quyền có hóa danh Lục Cường cho biết, mặc dù không phải tất cả các luật sư nhân quyền có liên quan đều như Vương Toàn Chương, Chu Thế Phong, Vương Vũ và Hồ Thạch Căn, những người thường xuyên bị chính quyền giám sát chặt chẽ. Nhưng chỉ cần có liên quan, thì đến nay họ vẫn không thể sống cuộc sống bình thường.
Lục Cường nói: “Đã 9 năm rồi, họ (chính quyền ĐCSTQ) vẫn chưa nới lỏng việc giám sát. Có thể nói là giám sát khắp nơi, họ sẽ liên tục theo dõi bí mật. Khi chúng tôi muốn ra ngoài vào những ngày đặc biệt, chúng tôi sẽ liên tục bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ. Có lần tôi bị chặn lại gần khu vực đại sứ quán, cảnh sát yêu cầu tôi lên xe cảnh sát và đưa tôi về tận nhà trong hai giờ. Sau đó, các nhân viên an ninh quốc gia đã đe dọa tôi và nói với tôi chi tiết trong cuộc sống của tôi, họ muốn nói cho tôi nghe rằng họ biết mọi chuyện về tôi, hơn nữa là nắm rất rõ ràng, không nói về nhà tù nhỏ thì cũng là vẫn đang sống trong một nhà tù lớn.”
Nhóm Luật sư Nhân quyền Trung Quốc đã đăng một bài viết công khai trước ngày kỷ niệm 9 năm “Sự kiện 709”, nói rằng dưới chế độ toàn trị và giám sát dữ liệu lớn, môi trường làm việc của các luật sư nhân quyền Trung Quốc khó khăn hơn năm 2015. Đồng thời cũng cho biết, mặc dù nhiều luật sư nhân quyền không thể hành nghề bình thường, nhưng nhóm luật sư nhân quyền vẫn kiên trì hoạt động.
Luật sư nhân quyền Trung Quốc Ngọc Phẩm Kiện (Yu Pinjian) cho rằng tình hình mà các luật sư nhân quyền phải đối mặt ngày càng trở nên nghiêm trọng và gần như không còn chỗ cho các hoạt động bảo vệ nhân quyền. Nhớ đến “Sự kiện 709” chính là nhớ đến những nỗ lực của các luật sư nhân quyền.
Ông nói: “Sự kiện 709 khiến chúng ta thấy rõ mặt nạ giả dối của chính phủ toàn trị. Sau sự kiện này, làm luật sư nhân quyền không hề dễ dàng, lên tiếng cho những bất công trên thế gian sẽ phải trả giá rất lớn. Nhưng hầu hết các luật sư nhân quyền vẫn đang tích cực nỗ lực để bảo vệ nhân quyền, và thúc đẩy khái niệm pháp quyền.”
Ông cho biết, đối mặt với sự đàn áp liên tục của chính quyền, nhóm luật sư nhân quyền Trung Quốc vẫn kiên trì đã chuyển sang làm việc kín kẽ hơn, và tiếp tục tìm chỗ để phục vụ những người có nhu cầu.
Từ khóa Sự kiện 709 Luật sư 709