Tencent và Alibaba rớt khỏi top 10 doanh nghiệp toàn cầu
- Liên Thư Hoa
- •
Ngày 30/12/2021, giá đóng cửa của cổ phiếu của hai ‘gã khổng lồ’ công nghệ lớn của Trung Quốc đã giảm mạnh. Cổ phiếu Alibaba có giá 14,3 USD, giảm 52,75% so với cùng kỳ năm 2020; cổ phiếu của Tencent cũng giảm 21,38% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai công ty này đã được liệt kê vào danh sách 10 công ty hàng đầu theo giá trị thị trường toàn cầu vào năm 2020, nhưng cả hai đều bị rớt khỏi top 10 vào năm 2021.
Trong năm 2021, các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đã chịu sự giám sát mạnh mẽ của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các công ty Internet được nhiều nhà đầu tư lạc quan đầu năm thì cuối năm lại ảm đạm khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ. Trong khi ĐCSTQ đang sử dụng lý do “chống độc quyền” như một cái cớ để giám sát các doanh nghiệp tư nhân, thì một mặt khác họ lại khuyến khích việc sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước để củng cố vị thế trên thị trường của họ. Các chuyên gia chỉ ra rằng đây thực chất là “nước tiến, nước lui” và rủi ro chính sách đã trở thành rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc phải đối mặt trong tương lai.
Tencent Holdings Ltd (mã chứng khoán 0700.HK), Alibaba Group Holding Ltd (mã chứng khoán 9988.HK) và Meituan (mã chứng khoán 3690.HK) lần lượt đứng đầu trong số 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Hurun Trung Quốc vào năm 2020. Sau đợt giám sát quản lý “chống độc quyền” của ĐCSTQ vào năm 2021, giá cổ phiếu của 3 công ty niêm yết tại Hồng Kông này đều đã giảm mạnh.
“Rủi ro chính sách đã trở thành rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc phải đối mặt”, chuyên gia vấn đề Trung Quốc Liêu Sĩ Minh (Liao Shiming) nói với phóng viên Epoch Times. “Dưới thể chế độc tài của ĐCSTQ, chính sách giám sát của họ có sự tùy ý nào đó, và điều này thường vượt ngoài dự liệu của nhà đầu tư.”
Doanh nghiệp tư nhân bị điều tra “chống độc quyền”, nhà đầu tư chịu thiệt hại
Vào tháng 12/2020, Tổng Cục Quản lý và Giám sát Thị trường của ĐCSTQ đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba. Cuộc điều tra cho thấy yêu cầu “chọn 1 trong 2” của Alibaba đối với người bán trên nền tảng và cấm người bán trên nền tảng mở cửa hàng trên các nền tảng cạnh tranh khác, đã vi phạm “Luật chống độc quyền“. Ngày 10/4/2021, cơ quan này đã đưa khoản tiền phạt khổng lồ gần 2,863 tỷ USD đối với Alibaba.
Trong cùng tháng, cơ quan quản lý cũng đã khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Meituan. Vào tháng 10/2021, cơ quan này đã phạt Meituan gần 541 triệu USD vì hành vi độc quyền. Trước đó công ty này đã triển khai chính sách “chọn 1 trong 2” trong thị trường dịch vụ của các nền tảng gọi đồ ăn uống trực tuyến ở Trung Quốc, khiến các nhà bán hàng trên nền tảng này phải ký các thỏa thuận hợp tác độc quyền.
Hai khoản phạt “chống độc quyền” đối với Alibaba và Meituan lên tới gần 3,4 tỷ USD. Theo Haitong Securities, con số này cao hơn nhiều so với mức phạt trung bình 400 triệu nhân dân tệ (tương đương 62 triệu USD) trong 5 năm qua.
Tencent, Baidu Group (Baidu, Inc. 9888.HK), Didi (DIDI Global Inc, DIDI.NYSE), JD.com (9618.HK) và nhiều công ty Internet khác cũng đã đã lần lượt bị điều tra “chống độc quyền”, các khoản đầu tư, mua và sáp nhập trước đây của họ cũng bao gồm trong nội dung điều tra.
Tháng 7/2021, chính quyền đã yêu cầu Tencent gỡ bỏ bản quyền độc quyền của âm nhạc trực tuyến để đáp lại việc Tencent mua lại cổ phần của China Music Group, công ty chiếm hơn 80% thư viện âm nhạc độc quyền trên thị trường nền tảng phát sóng âm nhạc trực tuyến ở Trung Quốc.
Ngày 20/11/2021, cơ quan quản lý và giám sát thị trường của Trung Quốc đã áp dụng hình phạt đối với 43 trường hợp các công ty Internet liên quan đến mua bán và sáp nhập đầu tư. Đương sự trong mỗi một trường hợp đều bị phạt kịch khung với số tiền 500.000 nhân dân tệ (khoảng 80.000 USD) theo Luật chống độc quyền. Các công ty lớn như Tencent, Alibaba, Baidu, Didi và JD.com nằm trong số các công ty bị phạt. Tencent có liên quan đến nhiều vụ nhất, 13 vụ với tổng số tiền phạt tương đương 1,04 triệu USD; Alibaba liên quan đến 8 vụ với tổng số tiền phạt gần 640.000 USD.
Dưới sự giám sát mạnh mẽ của ĐCSTQ, giá cổ phiếu của các công ty Internet đã giảm mạnh. Chỉ số Công nghệ Hang Seng, bao gồm các công ty Internet nói trên, ghi nhận 5.475,7 điểm vào ngày 30/12/2021, giảm gần 50% so với mức đỉnh 10.945,22 điểm vào ngày 17/2/2021.
Điều này đã gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu công nghệ. Công ty đầu tư mạo hiểm SoftBank Group Corp cũng bị thiệt hại lớn với tư cách là nhà đầu tư. Kết quả hoạt động của Tập đoàn Softbank công bố ngày 8/11 cho thấy giá trị tài sản ròng của tập đoàn đã giảm từ 244 tỷ USD vào ngày 30/6 xuống còn 187 tỷ USD vào ngày 30/9, tức giảm 23,4%. Nguyên nhân chính khiến giá trị tài sản ròng sụt giảm là do giá cổ phiếu của Alibaba giảm mạnh.
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF, Exchange Traded Fund) tập trung vào Trung Quốc cũng bị lỗ nặng. Theo Financial Times, trong số các quỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất, giá trị ròng của Krane Shares CSI China Internet ETF (Krane Shares CSI China Internet ETF, mã sàn giao dịch KWEB) cũng đã giảm mạnh so với mức đỉnh hồi tháng Hai.
Doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ biến thành “lớn mạnh” sau khi tái cơ cấu
Trong khi chính quyền ĐCSTQ dùng “chống độc quyền” để giám sát các doanh nghiệp tư nhân, họ khuyến khích hoặc thậm chí dẫn đầu việc sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước để củng cố vị thế trên thị trường của mình. Xây dựng doanh nghiệp “khổng lồ” đã trở thành một trong những cách “cải tổ” doanh nghiệp nhà nước.
Giống như những gì Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của ĐCSTQ đã tuyên bố khi triển khai “Kế hoạch Hành động 3 năm về Cải cách Doanh nghiệp Nhà nước (2020-2022)” vào tháng 10/2020, “Doanh nghiệp Nhà nước phải trở thành chủ thể của thị trường với năng lực cạnh tranh cốt lõi”.
Năm 2021, một số doanh nghiệp nhà nước “khổng lồ” được “ra lò“. Riêng trong tháng 12, có hai: Công ty TNHH Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (China Rare Earth Group) và Công ty TNHH Tập đoàn Logistics Trung Quốc (China Logistics Group Limited).
Ngày 23/12, Công ty Đất hiếm Trung Quốc được thành lập tại Cám Châu, tỉnh Giang Tây. Công ty Đất hiếm Trung Quốc được tổ hợp từ 5 công ty, đó là Tổng công ty Nhôm Trung Quốc, Tổng công ty Minmetals Trung Quốc, Công ty TNHH Tập đoàn Đất hiếm Cám Châu, Công ty TNHH Tập đoàn Công nghệ Nghiên cứu Gang thép Trung Quốc và Công ty TNHH Tập đoàn Công nghệ Youyan. Hai doanh nghiệp sau là doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển đất hiếm. Trong số các công ty này, China Minmetals Corporation đứng thứ 19 trong “500 Doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc năm 2021”.
China Logistics, được thành lập vào ngày 6/12, dựa trên sự hợp nhất của Công ty TNHH Tập đoàn Vật liệu Đường sắt Trung Quốc ban đầu và bốn công ty trong lĩnh vực logistics như Công ty TNHH Tập đoàn Chengtong Holding của Trung Quốc; đồng thời đưa thêm Tập đoàn Hàng không Đông phương Trung Quốc (China Eastern Airlines Group), Tập đoàn vận tải Viễn dương Trung Quốc (China COSCO Shipping Group) và China Merchants Group, làm nhà đầu tư.
Theo tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ, công ty China Logistics mới thành lập có hơn 600 chi nhánh, 120 tuyến đường sắt đặc biệt, 42 kho giao hàng kỳ hạn và gần 3 triệu phương tiện vận tải đường bộ chuyên nghiệp. Các cơ sở kinh doanh của nó được phân bổ rộng rãi trên 30 tỉnh (thành phố, quận) ở Trung Quốc và năm lục địa ở nước ngoài. Quy mô như vậy nhằm giúp công ty có được lợi thế cạnh tranh rõ ràng trên thị trường logistics quốc tế.
Vào ngày 8/5/2021, Tập đoàn Trung Hóa Trung Quốc (Sinochem) và Tổng công ty Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina) đã hợp nhất thành Công ty TNHH Cổ phần Trung Hóa Trung Quốc (Sinochem Holdings). Tổng tài sản và thu nhập đều vượt quá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 157 tỷ USD), được trang mạng Nhân dân Nhật báo gọi là công ty hóa chất lớn quy mô nhất thế giới.
Các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh cũng đang sáp nhập và tái cơ cấu để phấn đấu trở thành một “gã khổng lồ”. Ví dụ, Tập đoàn Jinneng Holding, xếp thứ 44 trong “500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc năm 2021”. Tập đoàn này hình thành sau đợt tái tái cơ cấu doanh nghiệp lớn nhất ở tỉnh Sơn Tây. Nó được tái cơ cấu và hợp thành từ Công ty Tập đoàn Mỏ than Đại Đồng, Công ty Tập đoàn Công nghiệp mỏ than không khói Tấn Thành Sơn Tây và Công ty Tập đoàn Jinneng vào ngày 30/10/2020, đồng thời điều chỉnh và tổ hợp tài sản liên quan của Công ty (Tập đoàn) Khai thác khoáng sản Lộ An Sơn Tây và Tập đoàn Công nghệ Vật liệu mới Hoa Dương, và tổ hợp cả Trung tâm giao dịch than Thái Nguyên Trung Quốc.
Theo Nhân dân Nhật báo, gần 40 doanh nghiệp nhà nước đã được tái cơ cấu kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ vào năm 2012. Ông Hác Bằng (Hao Peng), Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của ĐCSTQ, từng tuyên bố rằng Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước sẽ thúc đẩy việc tối ưu hóa bố cục của vốn nhà nước và xây dựng một nhóm doanh nghiệp đầu ngành.
Ông Liêu Sĩ Minh cho rằng: “Độc quyền thường đi kèm với hiệu quả thấp và khả năng đổi mới yếu kém. Bản chất ‘chống độc quyền’ là phản ứng với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ĐCSTQ đang sử dụng ‘chống độc quyền’ để tấn công các doanh nghiệp tư nhân trong khi tạo ra doanh nghiệp nhà nước có địa vị ‘độc quyền’. Xét từ bản chất thì đây chính là doanh nghiệp nhà nước tiến lên và doanh nghiệp tư nhân thoái lui (nước tiến, dân lùi).”
Theo Liên Thư Hoa, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Alibaba Tencent doanh nghiệp Trung Quốc Quốc tiến dân lùi