Thành phố ở Tân Cương phong tỏa 36 ngày, người dân thiếu lương thực
- Lý Tịnh, Hồng Vũ
- •
Thành phố Y Ninh, thủ phủ của châu tự trị Y Lê, thuộc khu tự trị Tân Cương, đã bị phong tỏa trong 36 ngày. Người dân nơi đây đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, khó khăn khi khám bệnh, v.v.
Ảnh minh họa khu tự trị Tân Cương. (Nguồn: Getty Images).
Trước thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các biện pháp phong tỏa nghiêm trọng đã được thực hiện ở nhiều nơi với lý do phòng chống dịch bệnh.
Vào ngày 8/9, tại cuộc họp báo về Cơ chế liên ngành phòng và kiểm soát dịch bệnh của Quốc vụ viện ĐCSTQ, ông Ngô Lương Hữu (Wu Liangyou), Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở Tân Cương và Hải Nam đã đạt được những kết quả đáng kể, và “những rủi ro nói chung là có thể kiểm soát được”.
Tại cuộc họp báo ngày 7/9, chính quyền Tân Cương thông báo, Tân Cương có thêm 1 ca nhiễm mới không triệu chứng chuyển sang xác nhận lây nhiễm và 23 ca nhiễm mới không triệu chứng. Trong đó, 2 trường hợp ở quận Thiên Sơn, thành phố Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), và 12 ca ở thành phố Y Ninh (Yining) thuộc châu tự trị Y Lê (Ili).
Thành phố Urumqi ngày 10/8 thông báo sẽ thực hiện “quản lý tĩnh” tạm thời 6 khu vực trọng điểm trong thành phố, chính quyền yêu cầu tất cả cư dân trong khu vực “không được ra ngoài trừ khi cần thiết”. Vào ngày 14/8, các nhà chức trách một lần nữa thông báo về kéo dài thêm thời hạn thực hiện biện pháp “quản lý tĩnh”.
Ngoài ra, theo thông tin chính thức từ trang tin của Tân Hoa Xã, trước đó từ ngày 3/8, thành phố Y Ninh, thủ phủ của tỉnh tự trị Y Lê, đã yêu cầu công dân địa phương “không đến Y Ninh trừ khi cần thiết, và không rời khỏi Y Ninh trừ khi cần thiết”.
Quyết định của chính quyền thành phố Y Ninh được người dân địa phương coi là khởi đầu cho việc “phong tỏa” thành phố, cho đến nay thành phố này đã bị phong tỏa 36 ngày.
Vào ngày 8/9, công dân Zhang Yong (hóa danh) tại thành phố Y Ninh nói với phóng viên Epoch Times: “Kể từ đầu tháng 8, châu tự trị Y Lê đã bị phong tỏa hoàn toàn. Khu vực địa phương của chúng tôi đã bị cách ly hơn 30 ngày, và mọi người đều không có nguồn thu nhập.”
Zhang Yong cho biết: “Bây giờ nhân viên phòng chống dịch mỗi ngày đều đến nhà làm xét nghiệm axit nucleic, hôm nay sáng 1 lần tối 1 lần. Mọi người đều rất lo lắng, đặc biệt là có một số người lớn tuổi ở một mình, người bị ốm, bị bệnh, không thể tự chăm sóc được.”
Đầu tháng 9, Đài Phát thanh và Truyền hình Y Lê đưa tin “Thành phố Y Ninh đang tích cực làm tốt công tác ổn định sản xuất và cung cấp các sản phẩm chăn nuôi”, chỉ đạo các doanh nghiệp “đảm bảo đủ số lượng và đảm bảo an toàn chất lượng các sản phẩm thịt cho người dân”.
Tuy nhiên, Zhang Yong, cho biết: “Cộng đồng địa phương phân phối rau. Giá một túi rau là 60 tệ, giá cả và thời gian giao hàng là do quản lý cộng đồng đặt ra, rau củ phân phối phần lớn là hành tây, còn có cà rốt, khoai tây, không có hoa quả và thịt. Các loại rau củ phân phối có rất nhiều là loại rau hỏng mà bình thường các cửa hàng rau củ vứt đi.”
Zhang Yong nói: “Lần cuối cùng tôi đặt thực phẩm là 5 ngày trước, quản lý cộng đồng nói rằng trong 5 ngày gần đây sẽ phải làm xét nghiệm axit nucleic, nên không cho chúng tôi đặt mua thực phẩm. Người dân địa phương lên mạng đăng bài cầu cứu, nhưng cũng nhanh chóng bị chính quyền xóa.”
“Bạn của tôi nói với tôi, chính quyền đã yêu cầu anh ấy xóa bài đăng mà anh ấy đã đăng trên các siêu chủ đề Weibo. Ban đầu, siêu chủ đề Yi Lê được tìm kiếm nhiều thứ 13 trong ngày hôm nay, nhưng nó đã giảm xuống thứ 21 sau hơn 20 phút, và sau đó bài đăng không tìm thấy nữa. Vì để “làm loãng” những bài đăng siêu chủ đề này, chính quyền đã để một số người trong chủ đề chia sẻ họ đang ở nhà ăn đồ ăn ngon vào, để cho người bên ngoài tưởng là người dân Y Lê đang sống tốt ở nhà.”
Ngoài ra, một phụ nữ ở thành phố Y Ninh nói với các phóng viên rằng vào chiều ngày 8/9, cô đăng một bài đăng trên Weibo để cầu cứu, con của cô bị sốt 40 độ và gọi đến số cấp cứu 120. Họ nói rằng xe có người dương tính nên đã tạm ngừng hoạt động. Cô gọi đến đường dây nóng của cộng đồng, nhưng họ chỉ đăng ký cho xong.
Sau đó, một người không rõ danh tính đã liên lạc với người phụ nữ và yêu cầu cô xóa bài đăng. Cô trả lời rằng giải quyết vấn đề điều trị y tế của đứa trẻ xong rồi mới xóa. Cho đến tối hôm đó, con nhỏ của cô mới được chính quyền cho phép đến Bệnh viện Tân Hoa của thành phố để điều trị.
Một số cư dân mạng tiết lộ trên Internet vào ngày 8/9 rằng tình hình ở thành phố Y Ninh đã nghiêm trọng hơn so với trước khi bị phong tỏa. Biện pháp phòng dịch cực đoan của chính quyền đã dẫn đến số lượng người vô tội tử vong tiếp tục tăng, bao gồm cả trường hợp trẻ nhỏ bị tiêu chảy không được điều trị kịp thời nên tử vong tại nhà; người già treo cổ tự tử vì đói và tuyệt vọng. Còn có trường hợp nhân viên phòng chống dịch xông vào nhà người dân, 5 người đánh 1 chỉ vì người này ở trong nhà hét lên 2 tiếng bực dọc. Nhiều người bị lôi đến điểm cách ly, trở về nhà từ âm tính lại chuyển sang dương tính.
Từ khóa Tân Cương Dòng sự kiện Dịch bệnh tại Trung Quốc