Tranh cãi Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông nằm trong danh sách xin công nhận di sản
- Trí Đạt
- •
Gần đây Sở Quản lý Di sản Văn hóa thành phố Bắc Kinh đã ra thông báo cho biết, họ sẽ đưa 14 “điểm di sản” nằm trên “trục trung tâm” thành phố Bắc Kinh đệ trình xin công nhận di sản thế giới. Tuy nhiên, “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông” và “Đài tưởng niệm Anh hùng nhân dân” bị nhiều chỉ trích vì tính chất chính trị của hai công trình này, giống như vật tổ của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Không phù hợp với giá trị quan của nhân dân
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, danh mục xin di sản cho “trục trung tâm” Bắc Kinh đã xác định được 14 điểm di sản, bao gồm Vĩnh Định Môn, Tiên Nông Đàn, Thiên Đàn, Cố Cung… cố gắng đến 2030 về cơ bản sẽ đủ điều kiện yêu cầu xin di sản, đến năm 2035 sẽ hoàn thành mục tiêu xin di sản.
Được biết, trục trung tâm Bắc Kinh là Đại Đô thời nhà Nguyên, tổng chiều dài 7,8 km, chiếm khoảng 65% diện tích của thành cổ Bắc Kinh, trên trục trung tâm vừa có các tòa nhà hoàng gia tráng lệ, vừa có các kiến trúc kiểu nhà tứ hợp của người dân sinh sống.
Tuy nhiên, “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông” và “Đài kỷ niệm Anh hùng nhân dân” mang đậm chất biểu tượng chính trị của ĐCSTQ, việc đưa vào danh sách di sản cùng các kiến trúc cổ xưa đã gây làn sóng tranh luận mạnh mẽ tại Trung Quốc. Ông Trương Lập Phàm (Zhang Lifan), một học giả lịch sử độc lập tại Bắc Kinh đã phê phán gay gắt vấn đề này.
Trên tờ Tín Báo (hkej) Hồng Kông, nhà nghiên cứu lịch sử Trương Lập Phàm cho biết, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ông Mao Trạch Đông đã phát động phá bốn cũ (Tứ cựu), lập bốn mới, là kẻ phá hoại khủng khiếp nhất nền văn hóa Trung Quốc, đưa “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông” vào danh mục xin di sản không phù hợp giá trị quan của nhân dân. Ông Trương Lập Phàm đã băn khoăn không biết các tổ chức và chuyên gia quốc tế nhìn nhận vấn đề này như thế nào.
Ông Trương Lập Phàm cho rằng động thái của nhà cầm quyền Trung Quốc là muốn lưu truyền lại gien Đỏ (chỉ ĐCSTQ) và cũng muốn nâng cao vị thế của ĐCSTQ. Do tiêu chuẩn để được công nhận di sản thế giới không phải thấp, những hạng mục này khó khăn để đạt được.
Trên mạng Internet, vấn đề này cũng khiến nhiều cư dân mạng Trung Quốc không hài lòng. Một nick gọi là “Bác Sĩ Quân Y” cho biết: “Không xin được đâu! Biểu tượng chính trị xấu như thế! Trong khi phương Tây mang đậm ý thức chống Cộng, họ không phản đối mới lạ! Đại đa số người dân trong nước cũng sẽ cảm thấy khó hiểu khi việc xin công nhận di sản cho văn hóa Trung Hoa truyền thống, sao có thể đưa vào đó nhân vật đã từng tích cực phá hủy nền văn hóa và văn minh Trung Hoa?”.
Cư dân mạng “Trăng Rơi Sáng Suối” cho biết: “Hai công trình kỷ niệm của ĐCSTQ đã phá hủy toàn bộ phong thủy của trục trung tâm cổ xưa. Cách làm đúng là nên di chuyển chúng đến nghĩa trang Bát Bảo Sơn đi”.
Tin đồn Vương Kỳ Sơn có đề án dỡ bỏ Nhà kỷ niệm Mao Trạch Đông
Thực tế, kể từ khi ĐCSTQ hoàn thành công trình Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông, ngay trong nội bộ ĐCSTQ đã có nhiều tiếng nói phản đối. Tạp chí Tranh Minh (Chengmingmag) của Hồng Kông đã chỉ ra, từ tháng 12/1978, chuyện tiếp tục giữ lại hay loại bỏ Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông vốn đã luôn gây tranh cãi trong giới lãnh đạo ĐCSTQ. Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã thảo luận 19 lần, Bộ Chính trị đã thảo luận 27 lần, và Uỷ ban Thường vụ Trung ương Đảng đã thảo luận 7 lần.
Vào cuối năm 2015, Đại hội Nhân đại và Chính hiệp Trung Quốc đã nhận được kiến nghị ký tên chung của tổng cộng 53 đại biểu và ủy viên, yêu cầu dỡ bỏ “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông”.
Vào nửa cuối tháng 6/2016, tại hội nghị Bộ Chính trị ĐCSTQ đã có đề án do ông Vương Kỳ Sơn đứng đầu, theo đó yêu cầu chuyển “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông” đến Thiệu Sơn ở Hồ Nam. Theo nội dung đệ trình, quyết định xây dựng “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông” đã sai lầm từ nghi thức tổ chức đến vị trí xây dựng.
Những nguồn tin chỉ ra, đề xuất ký tên chung của ông Vương Kỳ Sơn đã được thông qua với số phiếu áp đảo, và trong bài phát biểu ông Tập Cận Bình cũng cho biết, “Về vấn đề Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông, sớm hay muộn cũng phải giải quyết, dù gì cũng không thể lưu giữ lại những điều trái lẽ thường, phi quy tắc…”.
Màn đen phong thủy từ Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông
Trục trung tâm của Bắc Kinh có 750 năm lịch sử, được biết đến như là xương sống của kinh đô cổ xưa, trong khi “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông” đè ở giữa xương sống. Địa điểm ban đầu của Nhà Tưởng niệm Mao là cổng Trung Hoa (Trung Hoa Môn), mang đậm ý nghĩa tượng trưng của dân tộc Trung Hoa, nhưng đã bị phá hủy vào năm 1954.
Ngày 9/9/1976 là ngày ông Mao Trạch Đông qua đời, và chính quyền ĐCSTQ cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm Mao trong cùng năm đó. “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông” được xây dựng trong hoàn cảnh kinh tế quốc gia Trung Quốc đặc biệt khó khăn, việc xây dựng đã phải huy động nguồn lực tài chính, con người và vật chất của đất nước bằng mọi giá. Để bảo vệ di hài và lăng tẩm, trong hơn 40 năm qua ĐCSTQ đã tiêu tốn vô số tài sản của nhân dân. Vì lăng tẩm được giao cho một cơ quan chuyên môn độc lập quản lý, từ biên chế nhân sự và nguồn kinh phí chưa bao giờ được công bố công khai.
Không chỉ vậy, “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông” cũng là điểm cực xấu đối với phong thủy Quảng trường Thiên An Môn và thậm chí cả phong thủy của thủ đô Bắc Kinh. Ngày 16/9/2014, trang thông tin quân sự của nhà nước Trung Quốc là Tây Lục (Xilu) đã xuất bản bài viết “Đạo lý trước Thiên An Môn: Bí ẩn mà người Trung Quốc chưa biết”, theo đó chỉ ra Quảng trường Thiên An Môn có vết đen phong thủy làm hại người Trung Quốc.
Theo bài viết, Quảng trường Thiên An Môn là một quần thể kiến trúc theo phong thủy, còn “Nhà tưởng niệm” của Mao mà nhiều người thường viếng thăm chính là hạt nhân của quần thể kiến trúc phong thủy này.
Tác giả ghi rằng:
“Nhìn cái Bia tưởng niệm Anh hùng nhân dân trước Nhà tưởng niệm Mao, trông giống thứ gì? Không khác gì thanh bảo kiếm cắm xuống đất. Bia tưởng niệm Anh hùng nhân dân này đã là bia mộ của các anh hùng nhân dân, cũng là bia mộ của Mao.”
“Cột cờ phía trước Bia kỷ niệm trông có giống nén hương đốt cho Mao? Ngày nay tại Quảng trường Thiên An Môn hàng ngày đều tổ chức lễ kéo cờ, hàng ngày đều dâng hương cho Mao!”
Còn hình ảnh của Mao treo trên cổng thành, giống như “di ảnh” của người đã chết trước linh đường. Bài viết cho rằng, “Xây dựng một linh đường ở quảng trường trung tâm thành phố, đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc.”
Sự kiện đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn hơn 40 năm trước
Bắc Kinh là trung tâm chính trị của Trung Quốc, Quảng trường Thiên An Môn là trung tâm của Bắc Kinh, luôn được xem là biểu tượng của vận mệnh Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi xây dựng “Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông”, tại Quảng trường Thiên An Môn đã xảy ra vô số chuyện không may, thậm chí đẫm máu.
Vào ngày 4/6/1989, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tàn sát học sinh và người dân Trung Quốc ngay tại Quảng trường Thiên An Môn, làm cả thế giới ghê sợ.
Sau đó vào tháng 7/1999, chính quyền Trung Quốc dưới lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, nhiều người tập Pháp Luân Công kéo đến Quảng trường Thiên An Môn kháng nghị ôn hòa nhưng đã bị đàn áp tàn bạo.
Trong những năm gần đây, thực trạng xã hội Trung Quốc bất công khủng khiếp đã khiến vô số người ở khắp nơi trên mảnh đất Trung Quốc đại lục bị oan mà không có nơi nào để khiếu nại tìm kiếm công bằng, vì thế mà họ thường xuyên đến Thiên An Môn phát tờ rơi kêu oan và kháng nghị.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Mao Trạch Đông nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông