Nhà cầm quyền Trung Quốc đang thúc đẩy hệ thống “Thuế vàng Giai đoạn IV”, nhằm tăng thuế đối với nhóm người thu nhập cao cùng nhóm có giá trị ròng cao để đẩy mạnh cái gọi là “thịnh vượng chung”.

p2994621a714137559
Từ năm tới Trung Quốc sẽ tăng thuế đối với nhóm người thu nhập cao cùng nhóm có giá trị ròng cao. (Nguồn: Pangdawei /Vision Times)

Vào ngày 7/11, thông báo đấu thầu được công bố trên trang web của Chi cục thuế thành phố Thâm Quyến cho biết về dự án xây dựng giai đoạn IV của nền tảng ứng dụng thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, tâm điểm là hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân đối với người thu nhập cao có giá trị ròng cao (có tiền gửi ngân hàng của hơn 10 triệu nhân dân tệ). Số tiền đấu thầu cho dự án là gần 2 tỷ nhân dân tệ.

Được biết dự án này còn được gọi là hệ thống “Thuế vàng Giai đoạn IV”, sẽ sử dụng triệt để công nghệ thông tin thế hệ mới như dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cấp từ “quản lý thuế bằng sổ sách” thành “số hóa quản lý thuế”, qua đó giúp thuận lợi cho hoạt động giám sát thương mại một cách toàn diện. Ông Cục trưởng Wang Jun của Cục Thuế Trung Quốc đã tuyên bố công khai rằng “Thuế vàng Giai đoạn IV” sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.

Chuyên gia kinh tế Davy Jun Huang, một người Hoa sống tại Mỹ, đã giới thiệu với truyền thông nước ngoài rằng giai đoạn IV của “dự án thuế vàng” là việc xây dựng một hệ thống kiểm tra thông minh dữ liệu lớn của Cục Thuế Trung Quốc, bằng cách phối hợp 8 bộ và ủy ban liên quan, theo đó quản lý tổng thể việc phân phối thu nhập chịu thuế hoặc của cải của người nộp thuế, giám sát chặt chẽ hơn nguồn tài chính của người nộp thuế

Hiện cơ quan thuế Trung Quốc đã phối hợp với các ngân hàng nâng cấp hệ thống giám sát, bằng cách này “Thuế vàng Giai đoạn IV” có thể giám sát tất cả các tài khoản ngân hàng, Alipay,… của các công ty và cá nhân mà không có lỗ hổng.

Vào ngày 9/11, có nguồn tin từ Trung Quốc cho biết ngoài việc áp dụng các phương pháp đánh thuế thông minh để thu thập thông tin của từng người nộp thuế, “Thuế vàng Giai đoạn IV” cũng sẽ yêu cầu tất cả những ai muốn rời khỏi Trung Quốc (di dân) sẽ phải đến cơ quan thuế để chứng minh trong sạch trong hoạt động thuế.

Có chuyên gia tài chính cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài RFA rằng hiện nay, chi tiêu của các cơ quan Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã tăng lên nhưng thu ngân sách lại giảm đi rất nhiều nên ngoài việc tăng thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tăng thuế bất động sản.

Một chuyên gia khác thì chỉ ra rằng chính quyền Bắc Kinh có 2 mục đích chính đối với hệ thống thuế vàng này:

Một là tăng thu thuế và bổ sung nguồn thu tài chính yếu kém của đất nước. Ông nói rằng “thanh tra thuế về cơ bản là bao quát toàn diện, không để lỗ hổng và trong tương lai có thể thúc đẩy xuyên quốc gia, khi đó người Trung Quốc có tài sản và công ty ở nước ngoài thì thuế của họ cũng phải được kê khai trong nước”.

Hai là điều chỉnh phân phối thuế để bảo đảm ổn định xã hội, đó cũng là mục tiêu của chính sách “thịnh vượng chung” của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nói trắng ra thì “thịnh vượng chung” là phân phối lại tài sản xã hội bởi vì khoảng cách giàu nghèo hiện này của Trung Quốc là khá lớn, khiến nhiều người căm ghét người giàu một cách cực đoan.

Gần đây, có tin tức cho rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang đẩy nhanh hợp doanh giữa công và tư đối với các ‘gã khổng lồ’ như Tencent, Alibaba và JD.com, công ty tư nhân TikTok được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) của nhà nước đầu tư 1%, còn Kuaishou được Đài Truyền hình Bắc Kinh đầu tư 1%. “Cổ phiếu được quản lý đặc biệt” 1% do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát và có quyền phủ quyết. Theo phân tích thì “hợp tác công tư” này đã bước vào giai đoạn “mang tính thực chất”.

Hiện nay, việc kiểm tra những người thu nhập cao và người có giá trị ròng cao đã được thực hiện thí điểm ở nhiều tỉnh/thành như Hải Nam, Quảng Đông, Nội Mông, Tứ Xuyên…