Thằng bạn tôi bị… xe cán chó thứ thiệt. Già đầu ham vui cỡi xe gắn máy đi dọc Trường Sơn, qua bên Lào. Đường thênh thang, khỏi lo bắn tốc độ, cứ thế phượt. Một con chó thủng thỉnh băng ngang… Chẳng biết y hãm lại hay tới luôn, nhưng kết quả là bà vợ phải thuê xe lên tận biên giới đón cái thân thể bất động đó về, vái tứ phương, vái Trời vái Phật, phát nguyện ăn chay một năm để ông chồng mắc dịch tai qua nạn khỏi.

Vũ Thế Thành
Tuyển tập “Những thằng già nhớ mẹ

Quyền lực, quyền hành đi chợ, bếp núc nằm hết trong tay mấy bả, thì các ông chồng dù trong thực tế ít khi tỏ ra tình nguyện cũng bị “cưỡng bức” ăn chay một cách êm ái.

Tôi đến thăm. Y nắm tay tôi, nửa tỉnh nửa mê, thều thào : “Đợi ít bữa khỏe lại, đi làm một chầu thịt chó… rửa… hận!” . Nay, hận đã rửa, nhưng bà vợ, dù là tay sành ăn đáo để vẫn còn phải ăn chay. Đâu dám xù… Trời Phật.

Ăn chay nhịn thèm chỉ vì những chuyện… “hỡi ơi” như trên, thì ăn chay gắn liền với khổ hạnh, sướng khổ lẫn lộn.

Thằng bạn khác ăn chơi rượu chè trai gái bạt mạng, tự nhiên “nổi hứng” ăn chay đến nay cũng hơn 20 năm rồi. Lý do vì sao ăn chay, tôi không tiện hỏi, nhưng chắc chắn không phải vì lý do sức khỏe. Cho đến bây giờ, nó không thể ăn thịt (heo, bò, cá, sò…) được. Đi nhậu, phải kêu mồi chay riêng cho nó. Ăn chay bẩm sinh, sợ thịt không có gì lạ, nhưng đã từng một thời nếm mùi hương nhục mà bỏ cái rẹt, không ngoái cổ, không lưu luyến đến độ… ngán thịt. “Ngộ” rồi chăng ?

Các tu sĩ Phật giáo hay Phật tử trai trường ăn chay với tâm nguyện rõ rệt. Ăn chay để tránh sát sanh, dứt lòng tham trần tục, để thân tâm được nhẹ nhàng thực hành trên đường tu.

Bên đạo Công giáo, ăn chay thoải mái hơn, chỉ phải kiêng thịt, còn trứng sữa tôm cá nghêu sò ốc hến thì …vô tư. Nhưng lạt mềm buộc chặt, một ngày hai bữa, chỉ được ăn một bữa no, bữa kia ăn đói. Thằng bạn theo đạo Chúa than thở “Nhiều khi bận việc từ sáng đến chiều không nhét cái gì vô bụng cũng chẳng sao, nhưng cứ đến ngày chay, là thấy đói ngay từ sáng sớm”.

Ăn chay vì lý do tôn giáo, dù là tôn giáo nào đi nữa đều có những giá trị riêng mà chỉ những tín đồ đứng trong niềm tin đó thấu hiểu.

Nhưng mấy ông Tây bà đầm thời nay bỗng nhiên ùn ùn ăn chay mới là chuyện đáng nói.

Thống kê cho biết, 43% nhân loại ngày nay đang giảm ăn thịt, trong số này 51% là qúy bà, 31% là quý ông, còn lại là trẻ em. Ước tính có khoảng 5% dân Mỹ và Anh ăn chay thường xuyên, nhưng ăn chay theo kiểu gì thì không thấy nói tới.

Tây phương phân loại thành 6 cấp độ ăn chay, từ dễ tới khó theo thứ tự từ trên xuống:

1- Không ăn thịt đỏ như thịt heo, bò, cừu,…(semi vegetarian), nhưng có thể ăn thủy hải sản, gà, vịt và thủy sản, trứng sữa,…

2- Không ăn thịt (pesco-vegetarian), nhưng có thể ăn thủy sản, trứng, sữa,..

3- Không ăn thịt và thủy sản (lacto-ovo vegetarian), nhưng có thể ăn trứng và sữa.

4- Không ăn thịt, thủy sản và các sản phẩm từ sữa (ovo-vegetarian), nhưng có thể ăn trứng

5- Không ăn thịt, thủy sản và trứng (lacto-vegetarian), nhưng có thể ăn sản phẩm từ sữa (bơ, phó mát,…)

6- Không ăn bất cứ thứ gì có nguồn gốc từ động vật (vegan-vegetarian)

Đồ chay hiện đại đâu phải là đậu hũ chưng tương. Ở các siêu thị Âu Mỹ, hàng chay trông cứ như hàng… thịt, cũng “fast food”, chế biến nhanh gọn, màu sắc mùi vị hấp dẫn. Khi mà đồ chay còn ám ảnh trong óc mấy bà nội trợ (dù chỉ là ảo tưởng) về khả năng giữ eo tạo dáng, lại khỏe khoắn trẻ mãi không già, hay ít ra cũng khỏi béo phì, thì mấy bà dễ gì chịu bỏ qua. Quyền lực, quyền hành đi chợ, bếp núc nằm hết trong tay mấy bả, thì các ông chồng dù trong thực tế ít khi tỏ ra tình nguyện cũng bị “cưỡng bức” ăn chay một cách êm ái.

Không kể ăn chay vì lý do tôn giáo, con người hiện đại, ngoài một số ít ăn chay do nhận thức về vấn đề môi trường (ô nhiễm do chăn nuôi), còn hầu hết “thành tâm” ăn chay là do vấn đề… sức khỏe. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, chế độ ăn nhiều thịt đỏ có liên quan đến việc gia tăng chứng béo phì, ung thư đại tràng và tim mạch. Tỉ lệ trên lại rất thấp ở những người ăn chay. Bên cạnh đó, việc ăn chay… thứ thiệt (không ăn những thứ có nguồn gốc động vật), nếu biết cách phối hợp thực phẩm, nhất là giữa các loại đậu, thì vẫn đủ dinh dưỡng, nhưng không dễ gì đi theo khẩu phần chay “tiêu chuẩn”. Ăn chay thiếu “bài bản” có thể khiến cơ thể thiếu vài chất khoáng như Calcium, sắt, kẽm,… thậm chí thiếu một vài loại acid amin thiết yếu mà nhiều loại protein thực vật không cung ứng đủ. Đây lại là 1 đề tài khác.

Loại bỏ thói quen ăn thịt đâu phải chuyện dễ, một khi động cơ ăn chay chẳng liên quan gì đến đạo đức hay tôn giáo, thì tội vạ gì phải ép xác khổ hạnh. Con giun xéo mãi cũng oằn! Khi động lòng… trần, mấy ông chồng cũng phản ứng và quay về với thịt, nhưng chỉ đôi khi thôi, và họ ngầm thỏa thuận với nhau, nên giảm bớt thịt hơn là bỏ hẳn.

Một khảo sát thú vị mới đây ở Anh Quốc hỏi, nếu tận thế sắp tới, bạn sẽ làm gì trong 60 phút cuối đời mình, người thì muốn nói chuyện với người thân, kẻ muốn…, hay một ly champagne, nhưng có 2% cho biết họ sẽ ăn món ăn ngậy mỡ mà bình thường họ phải kiêng. Loại bỏ món khoái khẩu cũng dễ bị… stress lắm chứ đâu phải chơi.

Trước đây, một số protein thực vật được dùng làm phụ gia, tạo độ quết dính hay cấu trúc trong các sản phẩm thịt thứ thiệt, nhưng xu hướng ăn chay ngày càng tăng, protein thực vật trở thành… “chính gia”.

Ẩm thực chay không đơn giản là đưa vào đồ chay hương vị heo, bò, gà,… Điều này quá dễ với kỹ thuật phối hương hiện nay. Cũng không đơn giản là tạo ra sản phẩm chay có hình dáng đùi gà, cánh vịt,… mà còn phải tạo ra cấu trúc sớ, dai, dòn,… giống như đặc điểm riêng của từng loại thịt. Nói cách khác, làm sao để người ăn khó phân biệt thực giả càng tốt. Chả thế mà thực đơn của mấy quán chay ở Sài gòn, mới liếc quá đã thấy… bắt mồi: Bò nướng mạch nha, chả cua sốt gừng, chả cá Lã Vọng,…

Việc sản xuất protein thực vật (chủ yếu là đậu nành) theo công nghệ ép đùn (extrusion) phần nào giải quyết được vấn đề cấu trúc này. Tờ Asian Food Tech nhận xét “Thịt muối chay có vị đậm đà như thịt (thiệt), nhưng xúc xích chay vẫn chưa thuyết phục người dùng về khẩu vị.”

Không chỉ nghệ thuật nấu nướng đồ chay, mà trước tiên công nghệ sản xuất nguyên liệu cho thực phẩm chay cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa, nhất là “nhái” cho bằng được cấu trúc quá đa dạng ở các loại thịt, sợi dài, thớ ngắn, độ dòn, độ dai,… Có người còn khoái ăn bồ câu quay, nhai luôn cả xương nghe lốp cốp,… Cứ thử ăn vịt tiềm chay hay bò nướng chay thì rõ, hàng nhái còn “kính nhi viễn… viễn chi” hàng thiệt. Món giòn “thập cẩm” kiểu như cá linh chiên, cá rô chiên giòn, đồ chay dễ gì nhái nổi.

Ngôi chùa gần nhà tôi thường ngày không có nhiều người lui tới, mặc dù sư bà trụ trì được dân địa phương kính trọng vì đức độ, có lẽ là do chùa nhỏ. Nhưng những ngày lễ lạc lại rất đông khách thập phương. Họ đến lễ Phật và ăn cơm… chùa. Ai cũng khen các ni sư ở đây nấu đồ chay ngon. Họ nói, chùa nào cũng có Phật, nhưng đồ chay ở chùa này ngon hơn các chùa khác. Tôi qua viếng, thấy đồ chay ở đây cũng chỉ là rau, củ, nấm, mì xào, mì căn, hủ tíu, đậu hũ, tương chao,… đại loại là đồ chay thứ thiệt, cả về hình thức lẫn nội dung. Xem ra cái hương vị ngon của thực phẩm chay đâu nhất thiết ở cấu trúc dai dòn, thớ dài sợi ngắn, hay làm giả đùi gà cánh vịt…

Tướng tùy tâm sinh. Chữ “tướng” của nhà Phật chắc là khác xa với chữ “tướng” của nhà lý số rồi.

Vũ Thế Thành

Trích tuyển tập “Những thằng già nhớ mẹ”

Đăng lại từ blog vuthethanh.com và thanggianhome.wordpress.com

Mời độc giả tìm đọc các tác phẩm “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” và “Những thằng già nhớ mẹ” của tác giả Vũ Thế Thành cùng một số tác phẩm khác tại đây.

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: