Chuyện cổ: Một ngày trong động, 12 năm nhân thế
- Ninh Sơn
- •
Quá khứ có câu rằng: “Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất”. Trong văn hóa cả phương Đông và phương Tây đều tồn tại những câu chuyện cổ tích kỳ lạ về sự sai biệt thời gian giữa nhân thế và chốn Thần tiên. Trong các truyện cổ Nhật Bản, truyện cổ Andersen, truyện cổ Trung Hoa và cả truyện cổ Việt Nam đều có đề cập tới vấn đề này. Từ Thức vào động tiên vài năm, trở lại đã ra người thiên cổ. Taro xuống thủy cung một ngày, trên mặt đất đã là mấy trăm năm. Nàng công chúa Helga chỉ liếc nhìn thiên đường của Chúa mà khi trở lại thì chuyện về nàng đã trở thành truyền thuyết của bao đời trước. Các câu chuyện như vậy so với những lời đồn đại về đường hầm thời gian tại Bermuda có gì khác nhau? Chúng đều là những ẩn đố mà khoa học nhân loại chưa thể nào động chạm đến.
Trong “Vũ Lăng ký” có ghi chép về một người tên Văn Quảng Thông. Thời xưa, Trung Hoa có cửu Châu, Thần Châu là một trong số ấy. Từ Thần Châu ngồi thuyền ngược dòng một trăm dặm, phía bắc có một thôn là Đằng thôn thuộc huyện Thần Khê, nhà của Văn Quảng Thông ở đó. Thời Hán huyện Thần Khê được gọi là huyện Thần Lăng.
Vào năm Nguyên Gia thứ 26, Nam triều Tống Văn Đế, Văn Quảng Thông nhìn thấy một con lợn rừng ăn hoa màu của nhà mình, liền dùng tên bắn trúng con lợn. Con lợn bị thương bỏ chạy mất. Văn Quảng Thông lần theo vết máu đuổi theo mười mấy dặm, rồi đi vào trong một cái động, bước tiếp gần 300 bướcthì đột nhiên trong động bừng sáng, trước mặt xuất hiện mấy trăm ngôi nhà, không biết là nơi nào, nhìn lại con lợn mà anh vừa bắn thì nó đã chui vào chuồng lợn của người trong thôn.
Một lát sau có một ông lão đi ra khỏi cửa hỏi: “Anh chính là người đã bắn lợn của tôi đúng không?” Văn Quảng Thông nói: “Con lợn này đã ăn hoa màu của tôi chứ không phải tôi cố ý bắn nó.” Ông lão nói: “Dắt bò dẫm lên hoa màu là không đúng, nhưng vì thế mà cướp bò của người ta thì lại càng sai.” Văn Quảng Thông nghe vậy liền tiến về phía người đàn ông khấu đầu tạ lỗi. Ông lão nói: “Có lỗi mà biết sửa thì không tính là có lỗi nữa. Mệnh của con lợn này cũng phải chịu báo ứng như vậy, anh không cần phải đền tội nữa.”
Nói xong ông lão mời Văn Quảng Thông vào nhà, trong nhà có mười mấy thư sinh, đều đội mũ quan, mặc áo đơn tay dài, lại có một vị tiến sỹ ngồi một mình phía trên hướng về phía Nam giảng đạo Lão (Lão Tử). Phía tây của căn nhà có khoảng 10 người ngồi đánh đàn, âm luật rất du dương. Lúc này một đứa trẻ bưng rượu thịt đến, ông lão mời Văn Quảng Thông ngồi xuống uống rượu. Văn Quảng Thông uống đến gần say, trong người thấy rất khoan khoái dễ chịu, liền xin phép không uống nữa.
Anh quan sát người đi ngoài đường ở trong động có vẻ không khác mấy so với thế giới bên ngoài. Nhưng dường như nơi đây đẹp đẽ và thanh tịnh hơn, khó lòng tìm thấy nơi nào như thế này ở nhân gian. Văn Quảng Thông liền nảy ra ý định ở lại không về nữa.
Tuy vậy, ông lão không đồng ý cho Văn Quảng Thông ở lại, và sai một đứa trẻ dẫn đường đưa anh ra khỏi động, dặn dò đứa trẻ đóng chặt cửa động không để cho người ngoài đi vào. Trên đường đi anh hỏi đứa trẻ đây là nơi nào, đứa trẻ trả lời:
“Những người ở trong đó đều là các bậc thánh hiền, khi xưa họ muốn thoát khỏi sự thống trị khắc nghiệt của vua Hạ Kiệt liền chạy đến đây, vì học đạo nên đã trở thành thần tiên. Vị ngồi trên giảng đạo Lão chính là Hà Thượng Công. Tôi là người Sơn Dương thời nhà Hán tên là Vương Phụ Tự, đến đây để thỉnh giáo Hà Thượng Công về những điều chưa hiểu trong đạo Lão. Tôi đã làm nô bộc quét nhà được mười hai năm, sau đó họ mới cho tôi làm người gác cửa, đến nay vẫn chưa nắm được bí quyết của đạo kinh.”
Văn Quảng Thông được đứa trẻ dẫn đi, đã đi đến chỗ lúc đầu khi mới bước vào động, nhưng vẫn quyến luyến không nỡ rời đi. Đến cửa động, anh thấy cây cung và tên của mình đều đã mục rữa.
Về tới nhà, Văn Quảng Thông mới vỡ lẽ. Anh chỉ ở lại chưa đến một ngày trong động, nhưng nơi nhân thế đã là mười hai năm. Gia đình đã làm tang sự xong cho anh từ lâu, thấy anh trở về cả làng đều vô cùng ngạc nhiên bất ngờ. Ngày hôm sau anh cùng người trong làng đi tìm cái động đó nhưng chỉ thấy một phiến đá lớn chặn ở cửa động mà không tài nào đục ra được.
Các truyền thuyết xưa kia đều có kể những chuyện như vậy. Vậy nên với cõi khác mà nói, sinh mệnh con người thật ngắn ngủi vô cùng, thậm chí chỉ như một cái chớp mắt mà thôi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã mất rồi. Cho nên người tu hành thời xưa cho rằng không nên lãng phí sinh mệnh của mình ở những việc mà mình nhất định sẽ hối hận.
Xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh chóng và bận rộn, nhiều người cho rằng đời người là một chặng đường rất dài, khi còn trẻ phải biết hưởng thụ để về già không hối tiếc. Chẳng phải quan niệm này đã khiến bao người phải hối hận mãi trước khi lìa đời sao?
Người ta khi chỉ biết hưởng thụ, sống hết mình với những trò tiêu khiển thì sẽ phóng túng, sẽ buông thả bản thân. Điều ấy có thể khiến cho sinh mệnh sa đọa, biến chất. Cử chỉ, hành vi của một người một khi không khống chế được nữa thì tự nhiên sẽ gây ra hậu quả, khiến bản thân bất lương, lý trí trở nên yếu kém, không còn kiêng nể điều gì, đánh mất nguyên tắc làm người, khiến người ấy cả đời hối hận.
Trong cuộc sống ngày nay, ai ai cũng bận rộn với việc mưu cầu của mình nhưng đừng cho rằng ngày hôm nay đã qua đi thì còn có ngày mai, bởi vì mọi chuyện đều là không thể nói trước được. Có một số việc ngày hôm nay không làm sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội, có những dục vọng đạt được rồi nhưng lại nhận ra đó không phải là mục đích của cuộc đời mình.
“Sinh mệnh đời người sẽ đi về đâu?”, đây là một câu hỏi lớn mà nền văn minh vật chất không thể và sẽ không bao giờ trả lời được. Nhưng câu trả lời chẳng phải hiện hữu bên trong nền văn minh tinh thần của nhân loại hay sao?
Dựa theo “Câu chuyện thần tiên: Một ngày trong động bằng 12 năm ở thế gian“
Đăng trên Minghui.org
Ninh Sơn biên tập
Xem thêm:
- Văn hóa tu luyện và điều ít biết đằng sau cơn sốt “tiên hiệp” một thời
- Nhân loại và văn hóa tu luyện
- Phó giáo sư Mỹ viết về khí công và văn hóa tu luyện cổ xưa
Mời xem video:
Từ khóa Thần Tiên chuyện cổ du hành thời gian