Đọc sách chính là học
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Trong quá trình dạy học, nghiên cứu, tiến hành các hoạt động khuyến đọc, tôi nhận được rất nhiều lời tâm sự đau khổ từ phía học sinh. Học sinh nói rằng nhiều người từ thầy cô đến bố mẹ không muốn các em đọc sách vì sợ các em “phân tán tư tưởng”, “không tập trung vào việc học”… Nhiều thầy cô, cha mẹ còn cấm luôn việc đọc sách của con. Nhiều trường có thư viện, phòng đọc nhưng sách vở nghèo nàn thậm chí có sách nhưng khóa cửa không cho học sinh vào đọc.
Cha mẹ, thầy cô có lý do để lo lắng như trên vì cuộc chiến thi cử ở Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên mục đích cuối cùng của việc học không phải là thi đỗ hay giành được bằng cấp nào đó. Hai việc đó là vô nghĩa nếu như người học, người có bằng cấp cuối cùng không thể sống hạnh phúc trong tư cách là một con người độc lập. Sự độc lập của cá nhân trong xã hội không thể được hình thành một cách giản đơn như logic mà những cha mẹ, thầy cô trên thường nghĩ: “Học tri thức giáo khoa – làm bài tập – luyện thi – thi đỗ – vào đại học – tốt nghiệp – đi làm – có thu nhập cao – sống hạnh phúc”.
Đường đời hoàn toàn không giống như trang giấy. Con người, cho dù là người đơn giản nhất, cũng là một sinh vật vô cùng phức tạp chứ không phải là cái máy được lập trình và chạy theo một quy trình tuần tự định trước.
Học theo công thức truyền đạt – tiếp nhận các tri thức giáo khoa để phục vụ việc thi cho dù đem lại thành công trước mắt nhưng không đảm bảo sự thành công lâu dài. Đơn giản vì để sống như một người bình thường và có thể lao động, sáng tạo con người cá nhân sẽ cần đến nhiều thứ.
Đó là khả năng tập trung.
Đó là lòng nhẫn nại.
Là tinh thần và kĩ năng hợp tác.
Là khả năng lý giải và đồng cảm với những người đối diện và ở xung quanh…
Những thứ đó rất khó có thể hình thành thông qua việc chỉ học các môn giáo khoa thuần túy hay luyện đi luyện lại các bài tập toán, các bài văn mẫu. Chúng chỉ có thể hình thành thông qua sự bồi đắp văn hóa nói chung bằng đọc sách, trải nghiệm đời sống và tương tác đa dạng qua sinh hoạt phong phú hàng ngày.
Chính vì vậy, cần phải hiểu HỌC là một quá trình phong phú, rộng lớn và nhắm đến mục tiêu sâu xa là sự phát triển ngày một hoàn thiện của cá nhân hơn là đạt được những mục tiêu ngắn hạn về tri thức cho dù trên bước đường nào đó, những thứ đó là không tránh khỏi và cần thiết.
Khi quan niệm thoải mái và bao dung về việc học như vậy, một cách tự nhiên ta sẽ thấy đọc chính là học. Một sự học tự nhiên, thường xuyên. Một sự học vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc. Một sự học vừa thâm trầm sâu lắng, vừa dữ dội với sự tập trung của tất cả nội tâm.
Đọc sẽ là cách học vô cùng tự do và dân chủ. Khi học như thế người ta có thể học ở bất cứ đâu, ở bất cứ khi nào người đó muốn. Khi đọc sách người ta cũng có thể lang thang khắp các miền tri thức không hề có giới hạn. Người ta có thể đối diện và trò chuyện, chất vấn bất cứ nhà hiền triết, nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học nào trên thế giới về ý tưởng, công trình của họ mà không hề có bức tường lễ nghi hay quyền uy nào ngăn cản.
Người ta cũng không phải dừng lại chờ một ai đó vì họ đi chậm hơn, cũng không phải nén lòng tò mò hay dừng bước vì chương trình chưa tới. Người ta có thể thoải mái đi trên con đường tìm kiếm chân lý bằng đôi chân trí tuệ của mình, với tốc độ của mình và hướng theo mục tiêu của mình…
Đấy là cách học tự do.
Mà tự do luôn là thứ hấp dẫn con người. Đấy là lý do tại sao có nhiều cá nhân cảm thấy buồn chán ở trường học, từ chối đến trường nhưng lại say mê đọc, tìm tòi và có nhiều phát minh, cống hiến cho nhân loại.
Bởi thế, khi thấy học sinh, trẻ em ham đọc, cha mẹ, thầy cô thay vì ngăn cản hay làm ngơ hãy biết cách động viên, trợ giúp và hướng dẫn cần thiết. Hãy lấy việc đọc của trẻ làm trung tâm để mở rộng thế giới của trẻ và dẫn dắt trẻ vào thế giới của tri thức. Đấy là cách chúng ta đưa trẻ tìm đến với con đường tìm kiếm chân lý rộng mênh mông, xa xôi mà đầy hứng khởi.
Trong bộ phim Pianist có cảnh viên sĩ quan Đức che chở cho nghệ sĩ dương cầm ngay trong nhà vì say mê và cảm động bởi tiếng đàn của nghệ sĩ. Đó là vì viên sĩ quan đó đã lớn lên bởi tiếng đàn, đã cảm nhận được thật sâu vẻ đẹp huyền diệu của tiếng đàn từ nhỏ. Nếu anh ta chưa từng có trải nghiệm đó, chắc chắn người nghệ sĩ kia sẽ ăn một phát đạn xuyên hộp sọ. Cai tù trân trọng ông Huấn Cao gọi ông bằng thầy trong tù và quỵ lụy để xin chữ vì bản thân cai tù cũng là người mê chữ và say mê vẻ đẹp của nó. Nếu cai tù kia chỉ trải nghiệm uống rượu và đánh bạc thì Huấn Cao sẽ nếm trải đủ thứ đòn đau (ngay lúc đầu cai tù đã định nện theo lệ rồi) trước khi chết chém. Thế nên, để điều chỉnh giá trị chung của Việt Nam về quỹ đạo bình thường, cần cho trẻ tắm mình trong vẻ đẹp của môi trường văn hóa: văn chương, hội họa, âm nhạc, thưởng ngoạn thiên nhiên, hoạt động tập thể vui chơi… thay vì chỉ đày ải các em vào học và thi như điên như cuồng và làm cho các em tiêm nhiễm những cái xấu, cái dở, cái yếu hèn của thế giới người lớn, cái bất toàn của thế giới mà người lớn tạo ra. |
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Khi tự học, ham đọc sách sẽ là một lợi thế
- “Gà bốn chân” Nhật và “Gà công nghiệp” Việt
- Học lịch sử để trở thành người tử tế
- Đọc sách – Một cách thức để hòa nhập với thế giới văn minh
- Có nên vọng ngoại khi cải cách giáo dục?
- Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam?
Mời xem video:
Từ khóa văn hóa đọc Nguyễn Quốc Vương đọc sách thực trạng giáo dục Việt Nam