Chuyện cổ Phật gia: Điều gì khiến người ta đau khổ nhất?
- An Hòa
- •
Đời người, điều gì khiến người ta đau khổ nhất? Phải chăng là sự nghèo đói, túng thiếu? Danh, lợi, tình không được như ý? Hay là già nua, bệnh tật?
Có một câu chuyện Phật gia kể rằng: Có bốn vị hòa thượng ngồi dưới gốc cây hóng mát và cùng trao đổi với nhau về những cảm ngộ của mình.
Bốn người bàn luận một hồi thì một người hỏi: “Các vị nói xem, trên đời này, rốt cuộc cái gì khiến người ta thống khổ nhất?”
Một người trả lời: “Điều này có gì là khó đâu? Tôi cho rằng điều khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất trên đời này chính là sắc dục. Khi nó phát sinh ra, thường thường sẽ mang đến cho người ta nỗi đau khổ rất lớn, thậm chí mang đến họa sát thân”.
Lời của người này vừa dứt, một người khác liền nói: “Tôi cho rằng điều ông nói không đúng! Chuyện khiến người ta đau khổ nhất trên cõi đời này chính là đói khát. Hãy thử nghĩ xem nếu một người không được ăn cơm, không được uống nước, thì còn có điều gì đau khổ hơn như vậy nữa?”.
Một người khác nghe xong, cũng nói: “Hai người các vị nói đều không đúng! Điều khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất trên cõi đời này chính là đột nhiên gặp phải chuyện khiến người ta cảm thấy kinh hoàng khiếp sợ”.
Lúc này, người đưa ra câu hỏi mới mở lời: “Ba người các vị đều nói sai hết cả rồi! Điều đau khổ nhất trên đời này là tâm oán giận, căm phẫn. Một mặt nó khiến người ta cảm thấy đau khổ, mặt khác lại biến thành một loại sức mạnh khiến cho đối tượng tức giận gánh chịu nỗi đau khổ vô tận. Đây mới là chuyện khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất trên đời này”.
Bốn người họ đều cảm thấy bản thân mình nói mới là đúng. Vì thế họ bắt đầu tranh luận, tranh luận mãi cho đến khi mặt trời sắp xuống núi mà vẫn không có kết quả.
Vị sư trụ trì biết chuyện, tối hôm đó ngài bèn đến phòng mà bốn vị đệ tử ở, hỏi về cuộc tranh luận và quan điểm của mỗi người.
Nghe họ nói xong, vị sư trụ trì trầm ngâm một lát, mới nói với bốn vị đệ tử rằng: “Ý kiến của bốn người các con đều chưa đúng thực chất của đau khổ, những gì được nói đến đều chỉ là bề mặt. Thật ra điều khiến người trên cõi đời này đau khổ nhất, chính là sự tồn tại của thân thể xác thịt này, đây mới là nguyên nhân chủ yếu nhất. Vô luận là tâm sắc dục, đói khát, tâm phẫn nộ hay tâm sợ hãi, tất cả đều bắt nguồn từ cái thân này của người”.
Nhà Phật cho rằng thế giới thực tại là khổ. Người sinh sống trên thế gian này bản thân là khổ. Sinh, lão, bệnh, tử, sống sống chết chết không biết lúc nào kết thúc. Phật gia cũng cho rằng, có mang thân người là khổ, sống trong thế gian là khổ. Cho nên, người ta khi hạ sinh, đầu tiên cất lên chính là tiếng khóc.
Các tín ngưỡng cổ đại đều nói về sự tồn tại của linh hồn, cho rằng thân thể người chỉ là nơi trú ngụ tạm thời của linh hồn mà thôi. Bởi vậy có cách nói rằng: Chúng ta đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, khi rời khỏi đây cũng là hai bàn tay trắng. Những danh, lợi, tình không thể mang đi được, sao phải vì điều đó mà đau khổ? Nhưng trong xã hội, điều khiến người ta cảm thấy đau khổ nhất thường là danh, lợi, tình. Cũng vì danh, lợi, tình mà người ta hình thành duyên nợ, mãi không thể dứt bụi hồng trần, ở trong luân hồi mà vô tri.
Mặc dù nhục thân là cội nguồn của khổ đau, nhưng Phật gia cũng cho rằng nó là điều trân quý nhất. Nhà Phật cấm sát sinh, cũng cấm tự tử. Thân người là vô cùng trân quý, bởi vì Phật gia cho rằng trong ức vạn sinh linh, chỉ có người mới là “anh linh của vạn vật”, mới được phép tu luyện thoát khỏi bể khổ, nên chỉ có đắc thân người mới có cơ hội giải thoát. Cho nên, suốt cuộc đời này, mỗi người đều phải trân quý bản thân và tìm con đường trở về đúng đắn cho sinh mệnh của chính mình!
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đời người cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni