Nhà giáo như một hạt cây
- Khải Đơn
- •
Tất cả bọn tôi lớn lên với một mệnh đề: Hãy nhớ ơn thầy cô. Đó là người đưa đò sang sông – đưa trẻ con đến bờ khôn lớn.
Nhưng khôn lớn – là theo nghĩa nào?
Tôi lật mệnh đề này đi lại suốt nhiều năm, từ khi là đứa học trò lớp bảy, bực dọc nhìn cô giáo dạy Văn thẳng thừng cho mấy đứa bạn điểm xấu chỉ vì nó không đi học thêm. Tràn đầy thù giận, tôi tự tạo ra trong đầu mình ý niệm về tiền – về cách một người dạy dùng quyền định đoạt của họ để đổi lấy tiền và ép người yếu thế phải quy thuận, dù thứ chuẩn mực để quy thuận ngày hôm ấy chỉ là bài kiểm tra một tiết và điểm phẩy giữa kỳ.
Nhưng cùng lúc, có những người dạy Văn khác đã tỏ bày cho tôi thấy quyền lực duy nhất họ có là khiến đứa học trò tin rằng ngôn ngữ là một giá trị. Sơ giản nhất, đó là biết cách bày tỏ một ý mình cần nói. Lâu dài hơn, là soi chiếu lại chính bản thân mình suốt cuộc đời. Và sang trọng hơn, là được tận hưởng và ghi chép cảm xúc của một con người qua nhiều lăng kính khác. Họ chỉ dẫn tôi sử dụng và làm việc như vậy.
Khôn lớn nghĩa là thế nào? – Quay lại mệnh đề của biết ơn. Thật thiếu logic khi ta biết ơn một khái niệm “giúp ta khôn lớn nên người” – mà không thể cắt nghĩa nổi liệu khôn lớn có phải là cái đích của sự sống, hay “sang sông” là điều ai cũng cần?
Có một đầu bếp kể, anh học đủ mọi môn tự nhiên thời trung học và chỉ có một cảm giác là muốn chúng qua thật nhanh, không thể hiểu, không thể chịu nổi, và cực kỳ chịu đựng các dãy phản ứng hóa học ghi trên giấy… mà không hiểu gì. Nhưng anh còn nhớ một bài học. Hôm đó thầy giáo dạy hóa đến lớp, ngày cuối cùng khi hết năm. Ông mang theo một chai nước rửa chén, một gói bột giặt, một túi chất tẩy trắng quần áo, một chai nước ngọt. Ông nói: “Hãy lắng nghe, bài học này có thể các cô cậu sẽ cần suốt cả đời này.” – Và ông bắt đầu giải thích về chất tẩy, chúng được tạo ra để tác động ra sao, làm tan vết bẩn thế nào, chúng sẽ còn bám lại và tác động đến cơ thể con người ra sao, màu thực phẩm và chất bảo quản khiến người ăn thích thú vì sao, và tác hại của chúng là gì, chúng tạo ra mùi hương, vị ngon thế nào khiến ta muốn đưa vào cơ thể.
Anh nói, đó là bài học anh nhớ đến tận bây giờ, mỗi khi bước vào bếp. Sau 15 năm rời trường, sau tất cả sự đổi mới và tiến bộ của thế giới. Giờ đây khi anh nghe về những bà nội trợ bắt đầu để ý tới chất bảo quản, màu thực phẩm, chất tẩy, đó là thứ anh đã quan tâm sau ngày dạy cuối cùng của thầy dạy hóa. Một bài học không có trong chương trình.
Thật không công bằng cho người học khi cố gắng gieo vào đầu họ khái niệm của hàm ơn mà không đi kèm với giá trị thành thật người giảng dạy đem lại. Tôi không tin vào sự “khôn lớn”, khi biết rằng có những cô giáo không chấp nhận bài nộp của học trò kể về cha em đã đánh mẹ em thế nào, thay vì vậy hãy tả một người cha vất vả lao động có tiếng cười hào sảng. Tôi không tin vào sự “khôn lớn”, như cách tôi được dạy phải so bì điểm với bạn bè sau chương trình dạy thêm Văn. Tôi không tin vào sự “khôn lớn”, khi những gì mà bạn bè tôi nhớ được về người thầy là cách cô nói mát học trò vì không tặng quà cho cô nhân ngày nhà giáo.
“Đưa đò”, “sang sông”, “nên người”, “thành người” là những rỗng từ vô vị. Chúng khoác lên người giảng dạy một cái áo quá to, như thể buộc họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ phần thành công hay thất bại của một sinh vật người tương lai (Không may thay, ngay cả đấng sinh thành cũng không thể đảm bảo được điều này). Các khái niệm sắp đặt hệ giá trị vào tâm trí con người. Ai cũng trở thành nạn nhân của hệ thống. Người thầy nghèo ngại mở miệng nói về một thu nhập tốt hơn. Người thầy bị mất niềm tin vào bài giảng không dám soạn ra một bài giảng cần thiết cho học trò mình. Người học thì đeo trên đầu một cái bàn thờ nặng chịch, buộc họ cúi mình không dám mở miệng bình luận về điều đúng hoặc sai được dạy.
Có chắc là người đưa đò biết đò đang đi đâu, đưa học trò “sang sông” là đúng, “nên người” là thành công, “thành người” là kết quả? Các bài tập làm văn không được nói về cha em đánh mẹ, không nói về mẹ em thích làm đẹp mà phải vất vả tận tụy chăm con – người dạy liệu có bao giờ hoang mang về chuyến đò lộn xộn của họ?
Nhưng đồng thời, tôi tin rằng giáo dục như một mùa vụ dài trên đồi cao. Người dạy ném xuống đất đen vô số hạt mầm. Sẽ có hạt nào đó nảy mầm bừng nở. Vô số hạt sẽ chìm xuống và bị thiên nhiên nuốt chửng. Có cả những cây được gieo là cành độc quả hư. Và có cả những mùa vụ thơm ngát của tinh hoa con người.
Có vô số các hạt cây về môn học Văn đã được gieo vào đầu tôi từ thuở 10 tuổi đến tận bây giờ. Vài hạt đã chết, như cuộc so bì điểm học thêm. Vài hạt còn sống, như bây giờ tôi vẫn sống và thích công việc này.
Nhưng dù thế nào, khôn lớn vẫn là một cái áo choàng quá nặng mà tôi chẳng buồn khoác lên. Cũng chẳng có người dạy nào nói với tôi về điều kỳ dị như vậy. Họ chỉ cố gắng dạy bài học thật tốt.
Chúng ta sống trong một mùa vụ, hãy công bằng hơn với nhau đi nào…
Xem thêm:
Từ khóa cốt lõi giáo dục người thầy